Để giảm bớt chi phí, NXB Giáo dục Việt Nam nên tìm kiếm các nguồn tài trợ cho SGK thay vì tăng giá để đảm bảo ổn định.
Sau những nghi ngại về việc sách giáo khoa (SGK) có thể tăng giá, ngày 6/3, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết giá SGK phục vụ năm học 2019-2020 giữ nguyên như những năm học trước.
Dù vậy, liên quan đến vấn đề giá SGK, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn còn băn khoăn bởi SGK là mặt hàng đặc biệt, việc tăng giá bán ảnh hưởng hàng triệu học sinh, gia đình, do đó liệu có nên kiểm soát giá SGK hay không?
Nhắc lại ý định tăng giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam khi hồi tháng 1/2019, NXB này gửi thông báo đến các đơn vị thành viên về việc tăng giá bán SGK từ năm học 2019-2020, ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết, giá sách được cấu tạo bởi các yếu tố vật tư, nhân công, chi phí cho người viết sách... Những yếu tố đó trước nay đã được tính hết, trong khi xã hội đang ở trạng thái bình thường, giá cả vật tư, nhân công... không có biến động đặc biệt, tại sao NXB Giáo dục Việt Nam lại muốn tăng giá SGK?
Bên cạnh đó, theo ông được biết, cán bộ, nhân viên NXB Giáo dục Việt Nam vẫn nhận lương không hề kém so với mặt bằng xã hội.
"Bất cứ cái gì tăng giá lên đều ảnh hưởng đến đối tượng tiêu dùng. Đối với SGK, người tiêu dùng là hàng triệu học sinh, cha mẹ các em. Giả sử SGK mỗi cuốn in 1 triệu bản, chỉ cần tăng lên 1 đồng cũng đã ảnh hưởng rất lớn.
Trước nay, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn độc quyền in ấn, phát hành SGK. Trong khi chúng ta chưa tạo ra được một thị trường SGK không độc quyên, hơn nữa SGK lại là mặt hàng đặc biệt thì rất cần có sự kiểm soát về giá, không thể tăng vô tội vạ.
NXB Giáo dục Việt Nam muốn tăng giá SGK thì phải giải trình với Bộ GD-ĐT, Bộ là cơ quan quản lý thì phải giám sát chuyện đó. Để doanh nghiệp tự chủ nhưng không phải muốn làm gì thì làm, muốn tăng giá bao nhiêu thì tăng", ông Trần Xuân Nhĩ nói.
Giá sách giáo khoa năm học 2019 - 2020 sẽ giữ nguyên như các năm trước
Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, cho rằng, việc NXB Giáo dục Việt Nam muốn tăng giá SGK chắc chắn là có lý do nhưng liệu Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính có chấp thuận hay không? Hơn nữa, xét về mặt xã hội, vấn đề về sách, đặc biệt là SGK không nên tăng giá.
"SGK rất quan trọng đối với học sinh, học sinh nào cũng cần phải có, nhất là trong hệ phổ thông. Cha mẹ nào dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng mua SGK cho con học.
Tôi nghĩ trong vấn đề này, thay vì đặt vấn đề tăng giá SGK, NXB Giáo dục Việt Nam nên tìm kiếm các nguồn tài trợ cho SGK để giảm bớt chi phí cho học sinh và gia đình các em, nhất là gia đình nghèo ở các vùng nông thôn", GS.TSKH Phạm Phố nói.
Trong công văn hỏa tốc gửi NXB Giáo dục Việt Nam ngày 6/3, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu NXB này tiến hành rà soát chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và kế hoạch truyền thông, báo cáo về Bộ GD-ĐT để lãnh đạo Bộ xem xét và có ý kiến chính thức.
Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu từ năm học 2020 - 2021.
Để đảm bảo ổn định, tránh tác động đến việc tập trung các nguồn lực để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa hiện hành trong năm học 2019 - 2020.
Đồng thời, NXB Giáo dục Việt Nam khẩn trương rà soát cơ cấu chi phí và giá thành, soát tinh giảm biên chế, đặc biệt các bộ phận hành chính; hoàn thiện các quy trình, quy chế, định mức; rà soát xây dựng lại phương án chi trả lương; thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhiều đối tác cung cấp vật tư, giấy in; cắt giảm tối đa các chi phí trung gian và chi phí phát hành… Sau đó hoàn thiện lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, trình Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam phải xây dựng kế hoạch truyền thông rộng rãi đến nhân dân, các đối tượng chịu tác động hiểu và đồng thuận, đến khi điều kiện thuận lợi mới thực hiện kê khai điều chỉnh giá bán sách giáo khoa.
Trong thông cáo gửi tới báo chí cùng ngày, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, giá SGK được giữ ổn định và ở mức thấp so với chi phí, giá thành xuất bản và so với giá bán các sách khác. Trong khi đó, những khoản chi phí xuất bản SGK đều biến động tăng cao.
Để bù đắp việc giá bán sách giáo khoa dưới giá thành, NXB Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm hàng loạt chi phí (chi phí vận chuyển, kho bãi...). Song, do các yếu tố giá cả đầu vào tăng nên chưa đủ bù đắp.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, để đảm bảo ổn định, NXB Giáo dục Việt Nam tiếp tục giữ nguyên giá SGK cho năm học 2019-2020.
Vào cuối tháng 1/2019 vừa qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã gửi thông báo đến các đơn vị thành viên về việc tăng giá bán SGK từ năm học 2019-2020.
Dựa vào bảng báo giá cho thấy, tất cả, gồm 158 cuốn SGK các môn từ lớp 1 đến lớp 12, đều dự kiến tăng giá. Trong đó, 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành, còn lại tăng từ 10%-40%.
NXB Giáo dục Việt Nam lại thông báo không tăng giá sách giáo khoa Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ giữ nguyên giá bán sách giáo khoa trong năm học tới. Trước ... |
\'Âm thầm\' tăng giá sách giáo khoa? NXB Giáo dục VN đã có công văn gửi các đơn vị trong hệ thống của mình về dự kiến giá bìa sách giáo khoa năm học ... |