Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng khẳng định, Việt Nam độc lập, tự chủ nên không ai, nước nào có thể bắt Việt Nam chọn bên.
Nhân kỷ niệm 75 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, VnExpress trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng về sự phát triển của Đối ngoại Quốc phòng từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng trao đổi với VnExpress dịp 2/9/2020. Ảnh: Giang Huy |
- Cách mạng Tháng Tám để lại nhiều bài học lịch sử về phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là người nghiên cứu và chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng, ông đúc kết được những bài học gì?
- Phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" là một trong những minh triết của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho muôn đời sau. Năm 1945, tình hình xoay chuyển rất nhanh, tạo ra thế giới mới với sự phân chia mới về quyền lực. Với tầm nhìn chiến lược, tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách; không chỉ lo củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, mà còn phải chống thù trong, giặc ngoài với các sách lược khôn khéo. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để đánh thực dân Pháp xâm lược, lúc thì hoà với Pháp để đuổi Tưởng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo.
Điều bất biến đầu tiên trong giai đoạn này và cũng xuyên suốt chiều dài lịch sử, đó là mục tiêu giành và giữ được độc lập, tự do cho đất nước và "đem sức ta mà giải phóng cho ta".
Lúc đó, Việt Nam đứng về phe chính nghĩa là "Đồng minh". Nhưng "Đồng minh" không phải một vài nước cụ thể nào, mà là tất là các nước. Đây cũng là điều bất biến trong đường lối đối ngoại của Việt Nam từ năm 1945 đến nay, đó là độc lập, tự chủ và đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế. Mục tiêu tối thượng là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Chúng ta không đứng về bên này để chống bên kia.
Một điều bất biến nữa đã được chứng minh trong thực tiễn 75 năm qua. Đó là độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Không có hai yếu tố gắn liền với nhau này, chúng ta không có Cách mạng tháng Tám, không có thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và các cuộc chiến tranh sau này, cũng không có sự phát triển của đất nước như ngày hôm nay.
Ngoài ra, tôi tâm niệm một điều bất biến trong nhận thức cũng rất quan trọng, đó chính là cái tâm bình tĩnh, tỉnh táo, trong sáng, sáng suốt, minh mẫn. Với cái tâm bất biến, mỗi người sẽ nhìn nhận sự vật hiện tượng biến đổi bên ngoài rõ ràng, khách quan và có quyết định đúng đắn.
- Hiện nay quan hệ giữa một số nước lớn đang căng thẳng và dường như nhiều nước khác ở thế bị các phe lôi kéo. Việt Nam làm thế nào để "không đứng về phía bên này chống lại bên kia"?
- Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, có những nước đã buộc phải chọn bên, nhưng Việt Nam không làm như vậy. Chúng ta có quan hệ tốt hay xấu, gần hay xa, ủng hộ hay không ủng hộ nhưng luôn giữ độc lập, tự chủ trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác.
Có người đã hỏi tôi "Các ông có sợ nước lớn buộc các ông phải chọn bên?". Tôi bảo "Chúng tôi chọn chính chúng tôi. Không ai và không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên vì chúng tôi độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình".
Có những nước luôn nói, khi họ sinh ra thế giới này đã là của họ, họ sẽ lãnh đạo, chi phối thế giới, nhưng Việt Nam không như thế. Chúng tôi quan niệm, Việt Nam là của thế giới, Việt Nam vì thế giới, nhưng giá trị của Việt Nam là của Việt Nam và Việt Nam tự bảo vệ lấy.
Những người đặt câu hỏi đã bày tỏ đồng tình vì lý lẽ của chúng ta không chối cãi được. Sự áp bức, cường quyền, dùng sức mạnh để giành lợi ích cho mình là đi ngược lại quy luật của tự nhiên. Và khi đi ngược lại chiều tiến hoá của nhân loại thì trước sau sẽ bị thất bại, thậm chí diệt vong.
- Sách trắng Quốc phòng 2019 nêu Việt Nam không tham gia liên minh Quân sự nhưng "tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết...". Phần "tùy" này có thể hiểu như thế nào, thưa ông?
- Sách trắng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ chúng ta tuân thủ nguyên tắc "không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Điều này nằm trong hiến chương Liên Hợp Quốc, là cách ứng xử của mọi quốc gia. Trên cơ sở đó, Việt Nam quy định "ba không" về mặt quân sự là không đứng bên này chống bên kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự. Ba không này là bất biến.
Còn nội dung "tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết...", được hiểu là quan hệ sẽ thay đổi tuỳ theo diễn biến tình hình. Dĩ bất biến ở chỗ ta bảo vệ lợi ích của ta, lý lẽ đúng trên cơ sở giá trị chung của nhân loại, luật pháp quốc tế. Nhưng nếu đối tác của ta không tôn trọng cái đó thì ta phải thay đổi, không thể giữ quan hệ với họ như trước.
Khi các nước tôn trọng lợi ích, chế độ chính trị, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, ứng xử phù hợp với luật pháp quốc tế thì chúng ta sẽ tôn trọng họ. Như vậy, ta không cứng nhắc coi anh này luôn tốt, anh kia luôn xấu mà tuỳ thái độ, việc làm của họ để xử lý mối quan hệ, đảm bảo lợi ích của đất nước.
- Hiện nay Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng với một số nước. Ý nghĩa của việc này là gì, thưa ông?
- Đường dây nóng trong thông tin quân sự hiện nay là biểu tượng cho sự tin cậy, quyết tâm cả hai bên để giải quyết mọi vấn đề xảy ra. Khi cấp dưới không giải quyết được, hoặc chưa kịp thời giải quyết, hai nước có thể sử dụng cấp cao hơn, thậm chí cấp cao nhất để không biến chuyện nhỏ mang tính cục bộ thành chuyện lớn mang tính đại cục.
Việt Nam rất coi trọng và quan tâm đến việc xây dựng đường dây nóng với các nước láng giềng. Hiện chúng ta có đường dây nóng với Trung Quốc, Lào, Campuchia, đang xúc tiến với Liên bang Nga. Đường dây nóng không chỉ ở cấp Bộ trưởng quốc phòng mà Thứ trưởng, Tổng tham mưu trưởng. Với Trung Quốc, Lào còn có cấp Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Các đường dây nóng sẽ được sử dụng bất kỳ lúc nào khi các cấp cần gặp nhau để giải quyết vấn đề.
Ngoài các đường dây nóng thường xuyên, Việt Nam cũng có đường dây nóng không thường xuyên với lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và một số nước khác. Trong đại dịch Covid-19, chúng ta họp trực tuyến với nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng tham mưu trưởng các nước.
Đường dây nóng thời gian qua đem lại lợi ích lớn, giải quyết nhanh các vấn đề nảy sinh, như vấn đề ngư dân, những phức tạp ở biên giới, thực thi pháp luật trên biển...
- Với kinh nghiệm của một nhà tình báo đã từng tham gia nhiều cuộc đối thoại, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là gì?
- Đó là cuộc đối thoại với Trung Quốc năm 2011, khi tình hình trên Biển Đông rất căng thẳng. Lúc đó, dư luận, báo chí quốc tế và một số cơ quan truyền thông của Trung Quốc nói rất mạnh. Lãnh đạo giao nhiệm vụ cho tôi cân nhắc đáp trả. Giữa hai lựa chọn đôi co hoặc giải thích, các cấp lãnh đạo của ta đã chọn giải thích. Tôi cùng các đồng nghiệp lên đường sang Trung Quốc.
Hơn 10 năm làm công tác đối ngoại và nhất là qua chuyến đi đó, tôi nghiệm ra rằng, dù đối đầu nhau đến mấy cũng phải giữ cho được đối thoại. Khi ngồi với nhau rồi thì phải kiên trì, kiên trì và kiên trì. Kiên trì làm cho đối tượng hiểu điều chúng ta muốn, biết được điều chúng ta không thể bước qua, không thể chấp nhận. Trong đối thoại, bên nào kiềm chế hơn, bên đấy sẽ thắng.
Một điều quan trọng nữa là sau lưng người làm công tác đối ngoại thì đất nước phải mạnh, quân đội phải vững, đường lối phải rõ ràng. Đất nước yếu, quân đội không có khả năng tốt nhất để bảo vệ Tổ quốc, đường lối lúc thế này lúc thế khác thì đối ngoại sẽ thất bại.
- Ông từng nói để giữ gìn hòa bình thì phải sẵn sàng cho chiến tranh. Vậy tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
- Nói một cách chính xác hơn là để giữ gìn hoà bình chúng ta phải có một đất nước mạnh. Đất nước muốn mạnh thì nền quốc phòng phải mạnh, đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Như vậy mới có hoà bình bền vững, không lệ thuộc, không điều kiện.
Muốn nền quốc phòng mạnh, chúng ta phải mua sắm vũ khí, phát triển công nghiệp quốc phòng, xây dựng các đơn vị thiện chiến... Tuy nhiên, với Việt Nam, một nước nhỏ và điều kiện kinh tế còn hạn chế và đặc biệt là Quân đội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, con người mới là yếu tố quan trọng nhất.
Nguồn nhân lực quân đội mạnh và mỗi người dân phải hiểu thế nào là bảo vệ Tổ quốc, thế nào là đóng góp cho quốc phòng. Được như vậy, khi đất nước có biến, chúng ta có thể thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.
Ai cũng muốn có những hạm đội hùng mạnh, vũ khí mới nhất, điều kiện tốt nhất cho quân đội. Nhưng quân đội mạnh không được làm đất nước yếu đi, phải phù hợp với sự phát triển kinh tế đất nước.
Như vậy, quân đội mạnh vừa đủ để phù hợp với nền quốc phòng tự vệ. Khi quân đội sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, chúng ta sẽ thắng lợi.
75 năm Quốc khánh 2-9: Vượt thác ghềnh đi đến phồn vinh |
Hình ảnh đội tăng Việt Nam thi đấu tại vòng bán kết Tank Biathlon |
Đội xe tăng Việt Nam tạm đứng thứ hai ở bán kết Army Games 2020 |