- Hà Nội áp dụng mức học phí mới: Chủ trương lớn đầy nhân văn
- Ba địa phương đầu tiên miễn học phí năm học 2023 - 2024
Việc Chính phủ có chủ trương sửa nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024 sẽ giúp người dân giảm gánh nặng tài chính phải chi trả cho con em mình trong ngắn hạn.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, việc tăng học phí đại học theo lộ trình là điều khó tránh khỏi. Do vậy, bên cạnh chính sách tín dụng cho sinh viên nghèo vay vốn của Chính phủ, các trường đại cũng cần đa dạng các nguồn hỗ trợ khác như chính sách học bổng, miễn giảm học phí hoặc cơ chế hỗ trợ tài chính khác để người học có cơ hội theo đuổi ước mơ của mình.
Giảm bớt gánh nặng tài chính cho người học
Trường Đại học Thương mại vừa thông báo về mức học phí năm học 2023-2024 áp dụng cho sinh viên chính quy trình độ đại học. Theo đó, nhà trường sẽ thực hiện đúng chủ trương, quy định của Chính phủ, Bộ GD&ĐT không tăng học phí năm học mới, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và trách nhiệm xã hội với cộng đồng, người học. Mức học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo của trường sẽ được công bố điều chỉnh ngay khi có nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cũng vừa thông báo đến sinh viên sẽ không tăng học phí năm học 2023-2024.
Năm học 2023-2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quyết định không tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 81 nhằm chia sẻ, đồng hành với người học. Theo TS Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, mặc dù nhà trường phải chịu áp lực từ lộ trình tự chủ tài chính song Hội đồng Trường đã cân nhắc các phương án và quyết định chưa tăng học phí. Quyết định này nhằm tránh gây sốc với sinh viên và phụ huynh, đồng thời, chia sẻ khó khăn với người học, gia đình và xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn…
Nhiều sinh viên đại học cho biết, cảm thấy "nhẹ gánh" hơn khi biết thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí trong năm học 2023-2024 theo Nghị định 81 và một số trường đại học đã thông báo về việc chưa tăng học phí theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Theo chia sẻ của các em, nếu như năm nay mà học phí chưa tăng thì cũng bớt được một năm đóng học phí cao hẳn, giảm bớt áp lực được cho cả bản thân và và gia đình.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, về lâu dài, việc tăng học phí đại học theo lộ trình là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, hiện nay, chính sách tín dụng của Nhà nước hỗ trợ sinh viên mới chỉ giới hạn con gia đình nghèo. Do đó, việc mở rộng chính sách tín dụng đối sinh viên từ phía Chính phủ và các trường đại học để người học có nhu cầu có thể tiếp cận vốn vay và trang trải cuộc sống học tập là điều mà học sinh, sinh viên và nhiều gia đình mong muốn nhất hiện nay.
Sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ các trường đại học
Một số trường đại học cho rằng, việc không tăng học phí 3 năm liên tiếp khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính. Không chỉ vậy, từ sau ngày 1/7, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó. Để đáp ứng được chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng. Mức thu học phí không tăng, nhưng lương giảng viên, nhân viên lại tăng khiến ngân sách của các trường ngày càng eo hẹp.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhìn nhận, quyết định không tăng học phí là người học được hưởng lợi, nhiều gia đình sẽ bớt gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, GS.TS Phạm Tất Dong cũng chia sẻ khó khăn với các trường đại học khi hiện nay tất cả chi phí đều tăng mà học phí không tăng rõ ràng là một thách thức với các trường, sẽ phần nào ảnh hưởng tới việc cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo nếu không cân đối tốt. Do vậy, để có thêm nguồn lực, theo ông Dong, các trường cần phải cần xem lại tính hiệu quả trong hoạt động của mình, đồng thời đa dạng được nguồn thu để giảm phụ thuộc vào việc tăng học phí. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng quỹ học bổng và cơ chế tài chính để hỗ trợ sinh viên khi học phí tăng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ đặt ra mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng học phí phải chi trả cho con em. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Theo phân tích của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, giáo dục đại học có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, kinh tế lâu dài bền vững đất nước. Về cơ bản, cơ chế tài chính cho giáo dục đại học có 3 chân kiềng gồm: cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học. Tuy nhiên, các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.
“Chúng tôi đề xuất giải pháp hỗ trợ các trường, nhất là các trường tự đảm bảo chi thường xuyên. Có trường vừa tuyên bố tự đảm bảo chi thường xuyên thì ngân sách Nhà nước cấp về bằng 0, học phí không tăng. Vì vậy, làm thế nào để bù đắp được kinh phí thâm hụt này? Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đề nghị có chính sách hỗ trợ các trường. Việc này tương tự như Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp tục tục sản xuất kinh doanh”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
Nhiều địa phương tiếp tục hỗ trợ học phí năm học 2023-2024 đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông
Một số địa phương như TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông năm học 2023-2024.
Theo đó, Đà Nẵng dự kiến kinh phí hỗ trợ năm học 2023-2024 theo mức thu quy định tại Nghị định số 81 là hơn 408,2 tỉ đồng; mức kinh phí hỗ trợ học phí của TP Hải Phòng là 400 tỉ đồng từ ngân sách địa phương; ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chi cho việc hỗ trợ học phí cả giai đoạn 2022-2025 là hơn 568 tỉ đồng.
Trong khi đó, một số địa phương khác cho biết, dự kiến mức thu học phí năm học 2023-2024 sẽ được thực hiện ngay khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT.
https://cand.com.vn/giao-duc/khong-de-hoc-phi-tro-thanh-rao-can-voi-nguoi-hoc-i703143/