Khóc, cười chuyện mua đất đón đầu quy hoạch

Người ít tiền mua đất nông nghiệp hoặc đất lúa, ao, người nhiều tiền mua đất mặt tiền, gần chợ, trường, siêu thị với mong mỏi một ngày không xa, cây cầu kia sẽ đào móng, khu công nghiệp nọ sẽ động thổ. “Làm lụng cả đời không bằng tiền lời miếng đất”, kéo theo tâm lý ấy, họ đổ xô đón đầu quy hoạch và kết cục thì lắm người cười nhưng cũng nhiều kẻ khóc.

Mua đất… đón cầu

Dự án cầu Cát Lái nối TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung vào quy hoạchtừ 6 năm trước. Thời điểm đó, bất động sản khu vực Nhơn Trạch và khu vực Q.2 (cũ), nay là TP Thủ Đức sôi động chưa từng có. Dân từ khắp nơi đổ về các xã Phú Hữu và Phú Đông của huyện Nhơn Trạch, vị trí được đồn đoán có đường dẫn cầu đi qua. Những vị trí đẹp, tiềm năng đều được “đại gia” từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng xách theo vali tiền đi đặt cọc, xí chỗ. Những cuộc thương thảo mua bán như phiên đấu giá, mạnh ai nấy trả, giành giật bằng mọi giá. 1.000 m2 đất nông nghiệp tại Phú Hữu vào thời điểm “sốt cầu” lên tới 3 tỷ đồng, trong khi trước đó vài ngày vẫn còn là mảnh vườn cỏ hoang rậm rạp, bãi đáp của trâu bò và có giá chỉ hơn 100 triệu đồng.

Khóc, cười chuyện mua đất đón đầu quy hoạch -0
Bà Lành bên mảnh đất mua “hụt” quy hoạch.

Bà Lê Thị Nhung (58 tuổi, ngụ xã Phú Hữu) cho biết, thời điểm đó gia đình bà đang sinh sống tại căn nhà và mảnh vườn rộng hơn 500 m2. Do không có đất sản xuất, gia đình bà sống bằng nghề chăn trâu thuê. Một hôm, hàng xóm chạy xe máy vào tận chòi canh chở ông bà về nhà cho người xem đất. Bà Nhung ngạc nhiên, bảo có căn nhà để ở nên không bán nhưng hàng xóm kiêm “cò” môi giới vẫn nằng nặc chở bà về. Bà gặp một cặp vợ chồng từ Q.2, TP Hồ Chí Minh nói muốn mua căn nhà của bà, giá bao nhiêu bà cứ hô một tiếng. Bà Nhung ngơ ngác, nghĩ trong đầu, người ta mua nhà mình làm gì, trong khi vị trí không phải mặt tiền, lại nằm sâu trong hẻm, giáp với sông. Tuy nhiên, để đuổi khéo khách đi, bà Nhung hô đại: “Giờ tui bán 1,5 tỷ đó”. Tưởng thét với giá trên trời thì khách bỏ chạy, ai ngờ họ rút tiền ra đặt cọc luôn cho bà 500 triệu.

Vào thời điểm tiền công chăn trâu của hai vợ chồng và đứa con trai của bà Nhung chỉ được tổng cộng 7,5 triệu đồng/tháng thì số tiền lớn đó chẳng khác nào trúng số. Bà Nhung gọi ngay chồng con về ký giấy, bán luôn. Sau khi bán đất, gia đình bà Nhung bỏ nghề chăn trâu, chuyển lên Bình Phước mua được 3 mẫu đất cùng một căn nhà xây khang trang, thoát cảnh nghèo hèn, phải đi ở đợ bao nhiêu năm qua. Một bộ phận dân nghèo vùng Phú Hữu, Phú Đông có cơ hội đổi đời như bà Nhung sau lần “sốt cầu” nóng bỏng nhất.

Nhà ông Huỳnh Văn Đồng vốn làm nghề trồng rau và nuôi cá ở xã Phú Đông, quanh năm nghèo khổ, con cái phải lên TP Hồ Chí Minh làm thuê làm mướn. Vụ đón cầu năm đó, ông Đồng bán được cái ao thả cá diện tích 800 m2 thu về 700 triệu. Ông Đồng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì ao cá thuộc đất khai hoang, chưa được nhà nước cấp sổ, ngày thường bán không ai thèm mua, đùng một cái có ngay số tiền lớn. Ông Đồng dùng tiền mua được một mảnh đất rộng 200 m2 gần khu công nghiệp Nhơn Trạch, xây phòng trọ, làm quán tạp hóa, vợ con buôn bán, sống khỏe.

Người ít tiền mua đất nông nghiệp hoặc đất lúa, ao, người nhiều tiền mua đất mặt tiền, gần chợ, trường, siêu thị và chờ mong một ngày chân cầu khởi công là họ có thể bán lại với giá gấp nhiều lần. Một số khác thì đi thu gom hàng loạt rồi “lướt sóng”, kiếm bội tiền.

Thế rồi, ngần ấy năm trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì về việc khởi công, dự án vẫn đang nghiên cứu và bàn bạc. Người chủ mua đất của gia đình bà Nhung thỉnh thoảng quay lại thăm đất, năm 2021 thì quyết định không chờ nữa mà cắm bảng bán. Họ nhờ dân địa phương và cánh môi giới tại chỗ bán giùm, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ai tới dòm ngó và trả giá. Anh Nguyễn Trọng Phương, người làm môi giới lâu năm tại Nhơn Trạch cho biết, giá miếng đất 500 m2 của bà Nhung xưa kia bán 1,5 tỷ đồng nay chỉ vào khoảng 1,2 tỷ, do khu vực không có đường, không có tiềm năng gì và đang chồng lấn ranh giới, rất phức tạp. Còn mảnh đất ao của gia đình ông Đồng thì bây giờ chưa làm được sổ nên có rao cũng ít người mua, nếu mua sẽ rẻ như cho.

Hàng loạt khu đất, mảnh vườn tại các xã một thời được đồn đoán có đường dẫn cầu Cát Lái đi qua vẫn nằm im ở đó, làm bãi chăn thả trâu bò. Có người chủ từ ngày xuống tiền mua đất, 3 năm sau mới quay lại thăm thì không nhớ nổi mảnh đất của mình ở đâu nữa. Chủ mới phải gặp chủ cũ nhờ tìm hộ.

Khóc, cười chuyện mua đất đón đầu quy hoạch -0
Những mảnh đất cỏ mọc um tùm tại Phú Hữu, Nhơn Trạch vẫn đang chờ một ngày nào đó cây cầu đi qua.

Cũng đua đòi theo thiên hạ mua đất đón cầu, chị Trần Thị Duyên (38 tuổi, ngụ Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) năm ấy có trong tay 300 triệu đồng. Chị hào hứng xuống Nhơn Trạch tìm mua mảnh đất nông nghiệp tại xã Phú Hữu có diện tích 600 m2, giá 850 triệu. Với suy nghĩ, chỉ cần có cầu là đất sẽ tăng chóng mặt, không sợ lỗ, chị Duyên thế chấp căn hộ chung cư ở Nhà Bè vay 500 triệu đồng.

Mua xong miếng đất, chị Duyên phấn khởi đi khoe khắp nơi. Có người trả chị 1 tỷ nhưng thấy lời ít quá nên chị không bán. Chờ dài cổ chưa đón được cầu, chị Duyên phải chật vật trả lãi và gốc ngân hàng mỗi tháng 9 triệu đồng.

Năm 2020, dịch COVID-19 khiến công việc kinh doanh của chị ngừng trệ, không có thu nhập, không trả nổi ngân hàng và có nguy cơ bị xiết nhà. Chị Duyên rao bán đất ở Nhơn Trạch, dịch giã căng thẳng, không ai hỏi mua. Vào cuối năm, dịch giảm, giá đất bắt đầu bình ổn, có người trả chị Duyên 1 tỷ.

Không còn suy nghĩ được gì, có người mua là mừng nên chị Duyên bán luôn để cứu căn nhà đang ở không bị phát mãi. Tính ra, chị Duyên “ôm” miếng đất trong vòng hơn 5 năm, bán lãi được 250 triệu đồng, trong khi lãi suất ngân hàng ngần ấy thời gian hết khoảng 300 triệu đồng cộng với tiền lãi phạt, tính ra lỗ gần 100 triệu.

Vừa bán xong, thì giá đất “sốt” vào đầu năm 2022, chị Duyên tiếc như người mất hồn. Có người trả 1.6 tỷ đồng, mới đây có người hỏi mua 1,8 tỷ đồng nhưng chị Duyên còn đất đâu mà bán nữa.

Mới đây, phương án xây cầu Cát Lái lại được chủ đầu tư và các địa phương mang ra bàn thảo. Sau khi phân tích 5 phương án xây cầu Cát Lái do đơn vị tư vấn đưa ra, nhiều chuyên gia đánh giá phương án 4: Cầu kết nối từ Q. 7, vượt sông để qua Đồng Nai là hợp lý nhất, thay vì xây dựng ở khu vực gần cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, như dự tính lúc trước. Cũng chỉ là bàn thảo nhưng bất động sản khu vực Q. 7, Nhà Bè vốn đã khan hiếm và đắt đỏ thì nay lại bùng lên, môi giới bắt đầu chạy đua đi tìm đất, tìm khách tấp nập và giá đất lại được phen “bão tố”.

Đến chờ… khu công nghiệp

Vào tháng 8 vừa qua, UBND huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh quyết định đưa 83 ha đất trong quy hoạch khu đô thị Hiệp Phước ra khỏi kế hoạch sử dụng đất để giải quyết cho người dân được cấp phép xây dựng nhà ở và hợp thức hóa nhà đất. Thông tin trên đã làm cho gần 1.000 hộ dân tại khu quy hoạch khu công nghiệp cảng Hiệp Phước và khu cảng hạ lưu Hiệp Phước rất vui mừng. Tuy nhiên, một bộ phận khác thì lại cười ra nước mắt, bởi trước đó đã trót đón đầu quy hoạch.

Biết có quy hoạch khu công nghiệp Hiệp Phước, từ năm 2015, ông Lê Tiến An, ngụ Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh quyết định bán căn nhà đang ở được 6 tỷ đồng. Ông dành 3 tỷ mua một căn chung cư tại Q. Bình Thạnh, còn 3 tỷ mang đi đầu tư đất đón đầu quy hoạch khu công nghiệp và cảng tại Nhà Bè.

Khóc, cười chuyện mua đất đón đầu quy hoạch -0
Bất động sản khu vực vùng ven và hai bên bờ sông vẫn đang hồi hộp chờ cầu thay cho phà Cát Lái.

Ông An mua một mảnh đất giáp ranh quy hoạch với ý đồ khi hoàn thành dự án, đất của ông sẽ liền kề khu công nghiệp, giá chắc chắn sẽ tăng cao hoặc ông về đó kinh doanh cũng đầy hứa hẹn. Sau khi biết tin khu vực không còn quy hoạch nữa, ông An đắng cay chua xót. So với đất 7 năm trước ông mua đến bây giờ cũng tăng lên được 7 tỷ, nhưng căn nhà ông bán ở Bình Thạnh hiện nay là... 28 tỷ.

Ông An tính toán, chỉ cần các dự án quy hoạch được thực hiện, mảnh đất của ông sẽ có giá vài chục tỷ nhưng bây giờ chỉ có thể làm một căn nhà vườn để hưởng tuổi già.

Xót xa không kém ông An là bà Mai Thị Lành, ngụ Bình Dương. Bà Lành có người thân sống ở Nhà Bè, mách cho một miếng đất rộng 3.000 m2 nằm ngoài ranh quy hoạch cảng Hiệp Phước. Với tính toán, sau này cảng xây dựng, bà Lành sẽ xây dựng khu du lịch sinh thái, nhà hàng thật hoành tráng. Bà bán hết đất đang có, chỉ giữ lại căn nhà nhỏ để ở, dồn tiền vào cho cú đầu tư lớn này. Bà Lành đi vay ngân hàng thêm để đầu tư san ủi đất, đắp bờ kè, làm đường nội khu và trồng các loại cây cảnh. Bà thuê 2 người vừa làm, vừa trông nom cơ ngơi cho mình.

Người tính không bằng trời tính, Nhà nước bỏ quy hoạch, biến đất của bà Lành trở thành khu đất vùng ven bình thường, mất hẳn giá trị so với đất giáp cảng sinh thái. Hơn 4 năm trời bà Lành nuôi dưỡng giấc mơ “đại gia” khu du lịch sinh thái, bỗng tan tành. Cũng như ông An, số đất mà bà Lành đã từng bán trước đó hiện nay đã tăng gấp 3-5 lần, riêng đất của bà Lành mua đón quy hoạch thì tăng 2 lần. Trừ đi các khoản đã đầu tư, thuê mướn nhân công, bà Lành không được lời là bao.

https://antg.cand.com.vn/Phong-su/khoc-cuoi-chuyen-mua-dat-don-dau-quy-hoach-i670734/

Ngọc Thiện / antg.cand.com.vn