Khoảng lặng trước công đường

Khi mà đại dịch COVID-19 đã lùi lại, những thảm cảnh kinh hoàng trên toàn cầu do siêu virus này gây ra vẫn chưa thể thống kê, đánh giá hết thì lát cắt tố tụng được mở ra: Phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án Việt Á. Bản án tương xứng sẽ áp dụng với từng bị cáo nhưng những khoảng lặng, những điều day dứt thì còn dai dẳng, vốn chẳng thể mô tả hết trong ngôn ngữ của pháp luật.

Khi phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án Việt Á mở ra, Hà Nội bước vào những ngày đầu năm 2024 với tiết trời không quá rét, cái lạnh chỉ như vừa đủ, vừa đủ để không khiến người và cảnh vật phải co lại, phải thu mình chống đỡ sự khắc nghiệt như những mùa đông trước. Khí trời thì vậy nhưng lòng người không hẳn thế. Một phiên tòa - lát cắt tố tụng vừa mới lại vừa không mới. Mới là ở góc độ xét xử, một quy trình trong tố tụng hình sự. Nhưng, không mới ở cái tên và “lõi” trong đó, cái từ Việt Á đã nổi cộm xuyên suốt từ thời đại dịch, từ chỗ uy danh như một thương hiệu của ngành y tế đến hậu họa do nó gây ra, xét cả quy mô, tính chất đều thuộc diện chưa từng có trong lịch sử ngành y.  

Cũng khoảng thời gian này của 2 năm trước - tháng 1/2022, khi đó dịch bệnh đang trong thời đoạn rất phức tạp. Ngày 20/1/2022 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, hội nghị kết nối trực tuyến đến trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết luận hội nghị này, khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu lưu ý cán bộ, nhân viên ngành y tế phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của ngành; siết chặt quản lý nhà nước trong cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang, thiết bị y tế. Ông cũng nhắc nhở phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời thực hiện kịp thời công tác thi đua, khen thưởng để động viên, khuyến khích công chức, viên chức, người lao động vượt khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao...

1_so-1704846866657
Ông Nguyễn Thanh Long tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Ngọc Thành.

Tôi nghĩ rằng, là “tư lệnh” ngành y thì việc nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, nhân viên trong toàn ngành như vậy là lẽ thường. Thế nên, nhắc lại những câu nói ấy không phải để chê bai, không phải để khinh miệt mà để thấy sự biến động như thế nào với ngành y, với Bộ Y tế, với chính cá nhân ông Nguyễn Thanh Long sau 2 năm, tất cả đều xoay quanh hai chữ Việt Á. Và, nhắc lại để thấy những điều căn dặn “phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm” của chính vị Bộ trưởng ngành y thì thật đáng buồn, những gì sau đó đối với Việt Á, đối với ông Nguyễn Thanh Long và hàng loạt bị cáo cùng những người liên quan trong vụ án này đều “ngã” từ chính cụm từ trên mà ra: Tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm! Ngẫm lại điều ấy cũng là bài học để cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên hôm nay, nhiều khi ung dung trên địa vị quyền lực, những lực hút hấp dẫn xung quanh và vị thế của “người trên ngựa” khiến họ không dễ để nhận ra và thừa nhận đã sa vào lợi ích nhóm, đã sa vào tham nhũng, tiêu cực. 

Hôm nay, cũng bước lên bục, nhưng không phải bục sân khấu của hội nghị như những năm trước. Giờ là bục khai báo trong phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cùng 35 bị cáo liên quan đến “đại án Việt Á”. Trước bục khai báo, ông Long được báo chí mô tả “với mái tóc bạc trắng, hai mắt thâm quầng, một tay cầm kính vung liên tục, giọng trầm, nói rõ ràng khi trả lời”...

Thực thì, so sánh tác phong một người khi đương nhiệm bộ trưởng với bị cáo trước tòa là khập khiễng. Cũng là con người đó nhưng ở hai thái cực khác nhau, lúc trên yên, lúc ở chân ngựa thì phong thái và cả quần áo, ăn mặc, làm sao so sánh.

Nhưng, khi cựu quan chức ra tòa, người mình thường vẫn để ý xem, sau bao đêm “bằng nghìn thu ở ngoài”, giờ da dẻ, tóc tai, gầy yếu thế nào... Ở góc độ tâm lý, quãng tố tụng với quan chức nếu có thể chia ra các giai đoạn thì tôi cho rằng, có 4 giai đoạn đáng chú ý. Thứ nhất là từ khi vụ việc bị phát hiện, điều tra đến khi bị khởi tố, bắt giam. Đây là quãng thời gian thử thách nhất, các gam bậc, diễn biến tâm lý rất khó lường với mỗi người từ chỗ quan trường đến sa cơ, vào vòng tố tụng. Nhiều người từ chỗ sốt sắng tìm cách đối phó, xoay xở (tránh bị xử lý) đến trạng thái lo lắng, rối bời, hốt hoảng (khi biết không thể thoát lưới pháp luật), rồi thất thần, căng thẳng, suy sụp khi nghe các quyết định tố tụng, chứng kiến việc cơ quan chức năng khám xét, đọc lệnh khởi tố, bắt giam... Những cung bậc trạng thái tâm lý này diễn biến mức nào còn phụ thuộc sự hiểu biết và ý thức, bản lĩnh của từng người.

Giai đoạn tâm lý thứ hai là sau khi bị khởi tố, bắt giam đến khi ra tòa. Quãng thời gian này có thể kéo dài một vài tháng hoặc cả năm, tùy từng vụ việc, tiến trình điều tra, truy tố, xét xử. Đây chính là giai đoạn diễn ra trạng thái đấu tranh tâm lý dai dẳng nhất và làm hao tổn sức khỏe, tinh thần nhất của các cựu quan chức. Sau những cú sốc kiểu thất thần, rối bời, hốt hoảng như trước khi khởi tố thì thời gian này, họ đã dần hiểu những gì mình đã làm, đã gây ra và biết được những “cửa ải” đang chờ mình phía trước. Sự đấu tranh tâm lý, dằn vặt giữa trước đây (khi đang đương chức) và hiện nay (đang bị điều tra, chờ xét xử) diễn biến khác nhau tùy thời gian. Do lúc này chưa xét xử, bị can đấu tranh tâm lý trong việc khai báo, thái độ khai báo nhằm tìm ra những điểm lợi thế cho mình.

Giai đoạn thứ ba là trong quá trình xét xử, bao gồm cả sơ thẩm và phúc thẩm. Giống như giai đoạn hai, lúc này bị cáo không còn sốc về tâm lý nhưng lại áp lực, lo lắng về diễn biến phiên tòa và mức án như thế nào. Tử hình, chung thân hay tù có thời hạn, đó là những khoảng cách vô cùng lớn. Bởi thế, có bị cáo dù đã biết bị truy tố khoản cao nhất về tội nhận hối lộ nhưng khi bị đề nghị phạt tử hình thì tỏ ra rất hoang mang, rối bời, “bị cáo không hề nghĩ mình sẽ bị tuyên tử hình”!

Và, giai đoạn tâm lý thứ tư, ấy là khi đã nhận bản án có hiệu lực pháp luật và chấp hành án. Đây là lúc mọi thứ đã rõ ràng, không còn phải tranh luận việc “thêm bớt, nặng nhẹ”, không còn sốc tâm lý hay giày vò, đấu tranh “nên khai báo thế nào”, do đó cựu quan chức hiểu mình để tĩnh tâm hơn, biết chấp nhận và sống như thế nào với những chuỗi ngày tiếp theo trong trại giam...

Trở lại vụ Việt Á, những thông tin về lý lịch bản thân của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khiến nhiều người trăn trở. Một bản lý lịch phải nói là rất đẹp, tính đến trước khi ông sa vòng tố tụng. Chuyên môn nghiệp vụ: Bác sĩ đa khoa; học hàm, học vị: Giáo sư, tiến sĩ; lý luận chính trị: Cao cấp; ngoại ngữ: Pháp C, Anh thành thạo; khen thưởng: Chiến sĩ Thi đua toàn quốc (2011), Huân chương Lao động Hạng Ba (2010)... Cũng giống như các sinh viên ngành y, để tốt nghiệp ra trường, ông Long phải mất ít nhất 6 năm đại học (trong khi các trường khác thường là 4 năm). Rồi quá trình để trở thành bác sĩ thực sự là chặng đường đòi hỏi sự khổ luyện cả tri thức và tay nghề rất gian nan. Bởi thế, không chỉ với tư cách cựu bộ trưởng, sự hiện diện trước tòa của bị cáo là bác sĩ, thầy thuốc, điều ấy để lại rất nhiều trở trăn, suy ngẫm. 

Vậy mà!

“Bị cáo có nhận tiền của Việt Á không?” - Hội đồng xét xử truy vấn. Cựu bộ trưởng thừa nhận đã cầm của Việt Á 2,25 triệu USD thông qua thư ký của mình là Nguyễn Huỳnh. Việc này diễn ra sau 10 tháng kit xét nghiệm được cấp phép lưu hành chính thức. Tuy nhiên, ông nói “không gợi ý đề nghị Việt đưa tiền” như cáo buộc của Viện kiểm sát và lời khai của Huỳnh. Đối chất, bị cáo Huỳnh nói hai lần rằng ông Nguyễn Thanh Long nhắn bảo Phan Quốc Việt đưa tiền hỗ trợ để lo công việc. Công việc gì, Huỳnh không biết, nhưng mỗi lần đưa 1 triệu USD.

Phản bác lời khai của cựu thư ký, cựu bộ trưởng cho hay khi đó không nhớ đã nói gì nhưng “tuyệt đối không có chuyện 10 tháng sau khi cấp phép lại đi đòi Việt đưa tiền”. Ông phân vân, có thể nói gì đó làm Huỳnh hiểu sai ý mình. “Huỳnh thì liên tục ca ngợi, nói tốt cho Việt Á nên tôi còn nói ăn vàng ăn bạc gì mà ca ngợi thế” - cựu bộ trưởng khai.

Qua màn khai báo, đối chất giữa cựu bộ trưởng và người từng là thư ký cũng thật đáng bàn. Lời khai hai bên đổ lỗi cho nhau trong mối quan hệ giữa cựu bộ trưởng và thư ký, có thể hiểu như “thầy - trò” cũng là điều mà trong các vụ án trước ít thấy. Bản chất của thư ký là sự trung thành với “sếp” của mình, ấy là trung thành chủ - tớ, một mối quan hệ lệ thuộc nên thường thư ký ít khi “vẩy mực” sang người lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, vụ này lại khác. Sự đối đáp chuyền, nhả giữa “thầy - trò” trước công đường, lẽ hiển nhiên chỉ một bên đúng. Nếu bên đúng là cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thì người thư ký là sai và ngược lại. Nhưng, ai nhận mình khai đúng thì đồng nghĩa tội trạng sẽ nghiêng về bên kia, nghĩa là nếu cựu thư ký Huỳnh khai đúng thì hành vi đòi hối lộ thuộc cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Và, điều này đã xóa đi mối quan hệ tưởng như khó đổ vỡ ấy. Đó cũng là điều xa xót.

“Bị cáo nói mình rất công tâm, nhưng sao lại nhận tiền?” - chủ tọa đặt câu hỏi. Và, lúc này, bị cáo Nguyễn Thanh Long đáp ngắn gọn: “Tôi đã sai. Tôi xin lỗi!”.

 

Đăng Trường / CAND