Đề xuất "khóa" hẳn đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ vào thời điểm này là hơi vội vàng.
Chưa sẵn sàng
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. HCM cho rằng, chủ trương quy hoạch tuyến phố Nguyễn Huệ thành phố đi bộ là chủ trương chung của Thành phố nhằm bảo đảm an toàn, an ninh cho người đi bộ.
TP.HCM đề xuất khóa hẳn đường Nguyễn Huệ làm đường đi bộ. Ảnh: Soha
Tuy nhiên, vị KTS cho rằng tổ chức thực hiện thế nào cũng phải bảo đảm ưu tiên mục đích giao thông hàng đầu. Việc này Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở KHĐT... phải tính toán.
"Nhu cầu giao thông, nhu cầu đi lại của người dân phải là ưu tiên số 1, sau đó mới tới ưu tiên đi bộ cho người dân. Việc này phải rất rõ ràng, mục tiêu, mục đích như vậy", KTS Võ Kim Cương nói.
Vì lẽ đó, nguyên KTS trưởng của thành phố nhận định, đề xuất "khóa" hẳn đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ vào thời điểm này là hơi vội vàng.
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh hạ tầng giao thông hiện nay của TP nói chung, Q.1 nói riêng vẫn còn rất lộn xộn, tình trạng lô cốt chưa được dẹp bỏ, các tuyến metro vẫn đang dở dang, việc khóa đường Nguyễn Huệ là chưa hợp lý.
Vị KTS lo ngại, khi cấm đường Nguyễn Huệ trong bối cảnh mọi điều kiện về cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng sẽ gây áp lực tới các tuyến đường khác.
Do đó, phương án chuẩn bị đường nhánh thay thế cho lượng xe cộ buộc phải lưu thông vào đường này để đi ra các đường khác cần phải tính toán cụ thể nhằm giải quyết lượng xe cộ từ đường này dồn sang những đường khác, có thể khiến việc ách tắc trở nên trầm trọng hơn.
Tiếp đến là quy hoạch, xây dựng các bãi đỗ xe thế nào, người dân muốn vào phố đi bộ sẽ phải gửi xe ở đâu cũng là vấn đề lớn.
Thứ hai là phải chuẩn bị các bãi gửi xe xung quanh khu vực này để phục vụ cho những người có nhu cầu. KTS Võ Kim Cương cho hay, tình trạng thiếu bãi đỗ xe vẫn là bài toán khó với thành phố, bình thường người dân muốn gửi xe vào đường Nguyễn Huệ cũng đã rất khó khăn rồi, nếu cấm hẳn đường Nguyễn Huệ thì phải tính đến việc người dân sẽ gửi xe ở đâu để đi vào?
Cũng nêu quan điểm về đề xuất trên, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, song song với đề xuất khóa tuyến Nguyễn Huệ làm đường đi bộ thành phố cũng phải đưa ra phương án giải quyết ùn tắc giao thông cho các tuyến phố lân cận.
Bên cạnh đó, quy hoạch khu vực gửi xe cũng rất quan trọng.
"Nhiệm vụ của các sở ban ngành thành phố là phải tính toán lại lưu lượng phương tiện xe máy, ô tô đi lại trên tuyến phố này trước đây là bao nhiêu? Trường hợp cấm xe thì các phương tiện này sẽ đi vào tuyến đường nào?
Tức là phải tính toán, tổ chức lại các hoạt động giao thông trên toàn thành phố, không hề đơn giản", ông Hùng lưu ý.
Cùng với đó, vị chuyên gia cho rằng, khi đã quy hoạch thành đường đi bộ cũng có nghĩa là các hoạt động kinh doanh, bán hàng cũng phải được quy hoạch cho phù hợp với tính chất của một tuyến phố đi bộ.
"Tức là các mặt hàng, các hoạt động kinh doanh cũng phải phù hợp với tiêu chí của phố đi bộ, phải bảo đảm được trật tự xã hội cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh gây ô nhiễm môi trường", ông Hùng nói.
Vô tình tạo điều kiện kinh doanh cho một đại gia?
Tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu giao thông, đi lại là vấn đề phải được ưu tiên hàng đầu, KTS Võ Kim Cương cho biết, nếu giao thông chưa được giải quyết, thì ý tưởng hay sẽ thành dở, mục tiêu tốt nhưng lại gây tác động tiêu cực.
Ông nhắc lại, mọi ý tưởng, mục tiêu phải hướng tới lợi ích chung và lợi ích đó phải được cân đối giữa các thành phần.
"Tôi nghe nói có một đại gia đã thuê, mua hàng loạt những dự án BĐS trên tuyến phố này, nếu khóa đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ có thể sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của đại gia đó.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, nếu mục đích kinh doanh đều hướng tới cái tốt, hướng tới lợi ích chung thì cũng tốt chung cho thành phố.
Ngược lại, nếu để lái theo đề xuất của doanh nghiệp hoặc hướng tới lợi ích của một số cá nhân nào đó thì cũng cần phải cân nhắc, tính toán cho thận trọng", vị KTS cảnh báo.
Ngoài ra, KTS Võ Kim Cương cũng đề cập tới câu chuyện quản lý đất vàng trong trường hợp di dời các trụ sở cơ quan nhà nước trên tuyến phố này.
"Hiện chúng ta đã có Luật quản lý tài sản công, vấn đề quản lý đất đai phải được thực hiện nghiêm ngặt theo luật này.
Đất vàng sau khi di dời trụ sở phải giao lại cho thành phố quản lý, hạn chế, cảnh giác các trường hợp móc ngoặc, đi đêm để cho thuê, mua lại đất vàng giá rẻ rồi lại mọc lên hàng loạt những dự án BĐS, nhà cao tầng tạo thêm áp lực cho hạ tầng đô thị quanh tuyến phố", vị KTS cảnh báo.
\'Khóa\' hẳn đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ: Đừng máy móc!
Nếu phủ kín đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ một cách máy móc sẽ gây ra những tác động rất lớn trên các tuyến ... |
Quận 1 muốn cấm hoàn toàn xe vào phố đi bộ Nguyễn Huệ
Quận 1 kiến nghị trong năm 2019 cấm xe lưu thông trên đường Nguyễn Huệ thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật. Tới năm 2020 ... |