Mẹ chồng thì la lối om sòm, mắng tôi bạc bẽo, hỗn láo. Bà tuyên bố, đuổi luôn hai mẹ con tôi ra đường. Chồng tôi theo vợ coi như từ mẹ, ở với mẹ chấp nhận ly hôn vợ.
Tôi sinh ra và lớn lên trong khu tập thể cũ của Hà Nội. Bố mẹ đều là công nhân lao động về hưu, cuộc sống giản dị. Bố tôi hiền lành, chiều chuộng vợ con. Với tôi bố luôn là thần tượng. Vì vậy, lúc nào tôi cũng mơ ước sẽ tìm được người đàn ông yêu thương, chăm sóc mình như bố.
Sau đó tôi ra trường, đi làm và kết hôn với chàng trai con nhà danh giá ở khu phố cổ. Buồn một nỗi, nhà chồng luôn tỏ ra khinh thường bố mẹ tôi vì nghèo. Chồng tôi thương vợ, hiền lành nhưng sợ bố mẹ đẻ. Lắm lúc tôi cảm giác anh quá nhu nhược, không có lập trường.
Về làm dâu, tôi bị lép vế đủ đường. Ảnh minh họa
Làm dâu trong gia đình đó, tôi luôn bị lép vế, hạch sách đủ đường. Bất kể lỗi dù nhỏ xíu mẹ chồng cũng làm ầm lên, mang ra chì chiết, chê trách tôi với họ hàng. Tôi đi làm lương thấp, chỉ đủ tiền mua sữa, học hành và sinh hoạt gia đình, thực sự chưa bao giờ dư dả.
Chồng tôi thu nhập cao nhưng được bao nhiêu, mẹ chồng tôi quản lý hết. Tôi ấm ức, yêu cầu chồng cho mình giữ một phần nhưng anh không đồng ý. Anh bảo, từ thời thanh niên, mẹ đã giữ giúp tiền. Giờ có vợ con, bà vẫn lo cho hàng ngày, có nhà cửa đàng hoàng, còn đòi hỏi gì.
Nghe chồng nói câu này, tôi sa sầm mặt mũi. Đúng là vợ chồng tôi ở với bố mẹ, không phải lo nhà cửa. Thế nhưng, mọi thứ từ tiền điện, nước đến đồ ăn, thức uống, mẹ chồng toàn để tôi chi. Mang tiếng dâu nhà giàu mà tôi luôn trong tình cảnh chưa hết tháng đã hết tiền.
Tôi kêu ca, than thở rằng mình lương thấp, muốn chồng đóng góp cùng, mẹ chồng tôi đáp: "Tiền chồng chị để lo những việc đại sự". Chán nản, tôi bỏ về nhà bố mẹ đẻ khóc lóc, đòi ly hôn chồng, bố tôi thở dài, khuyên tôi bình tâm.
5 năm trước, bố tôi bị ốm, đi cấp cứu, phải mổ gấp. Bệnh viện yêu cầu gia đình đóng số tiền khá lớn. Anh em tôi chạy vạy khắp nơi, gom góp vẫn không đủ, tôi đánh tiếng, vay bố mẹ chồng. Mẹ chồng hỏi: "Con vay tiền đến bao giờ con trả? Tiền mẹ cho người ta vay ngoài còn có lãi, chứ cho con vay chỉ có thâm hụt đi".
Cuối cùng bố mẹ chồng thẳng thừng tuyên bố không cho vay khiến tôi thất vọng. Tình thế cấp bách, mẹ tôi phải cầm cố giấy tờ nhà cho người ta mới đủ tiền mổ cho chồng. May mắn, ca phẫu thuật thành công, bố tôi qua cơn nguy kịch.
Tôi và anh trai cố gắng dành dụm, trả hết khoản nợ, lấy giấy tờ nhà về. Năm đó, khu tập thể nhà tôi được nhà nước cho xây dựng lại thành chung cư cao cấp.
Tôi quá thất vọng về cách cư xử của nhà chồng. Ảnh minh họa
Từ căn hộ nhỏ nhà tôi được nhận căn hộ rộng 100m2, 3 phòng ngủ. Ở một thời gian, bố mẹ tôi quyết định bán đi mua ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô, còn đâu cho hai đứa con lấy vốn làm ăn. Tôi dùng số tiền đó đầu tư bất động sản và bán hàng online.
Sau 3 năm, tôi đã có trong tay số tiền kha khá. Số tiền đó tôi mua một căn hộ xinh xắn và chiếc ô tô nhỏ làm phương tiện đi lại. Nhà chồng nhìn tôi bằng con mắt khác hẳn. Họ ngọt nhạt, thay đổi thái độ với con dâu. Tôi cũng chẳng thấy vui vẻ hơn. Từ ngày họ từ chối cho tôi mượn tiền cứu bố, trong lòng tôi đã có sự tổn thương ghê gớm.
Gần đây, công việc làm ăn của bố mẹ chồng đổ bể. Bao nhiêu tiền bạc đều đội nón ra đi. Ông bà nội có vẻ khó khăn, không dám đi du lịch, mua sắm phung phí như trước. Nhân ngày giỗ cụ bên nhà chồng, các chị em chồng ở xa đều tề tựu đông đủ. Tôi thực hiện vai trò dâu trưởng, tất bật lo toan sửa soạn.
Sau khi ăn cơm, bố mẹ tôi mời các thành viên ngồi lại, thông báo sắp tới ông bà xây nhà thờ tổ ở quê nhưng kinh tế eo hẹp. Họ đề nghị mỗi con đóng góp 200 triệu. Cô em chồng nhìn tôi nói: "Vợ chồng em không dư dả gì, chắc không xoay sở được. Thôi việc trọng đại này, vợ chồng bác cả đứng ra lo liệu. Sau này bao nhiêu phúc, lộc các bác hưởng".
Mẹ chồng cũng vào hùa với con gái. Bà nói: "Con lo hết được thì tốt còn không coi như cho nhà vay. Xong xuôi mọi người sẽ góp lại trả cho con". Tôi đưa mắt nhìn chồng, anh ngồi im, cúi gằm mặt xuống, không phản ứng gì. Tôi thừa hiểu, họ đã bàn bạc nhau từ trước nên mới kẻ tung, người hứng như vậy.
Không thể nín nhịn thêm nữa, tôi đáp: "Thưa bố mẹ, con may mắn ăn nên làm ra nhưng mang tiền đi đầu tư hết, chưa có lãi. Giờ trong người có đồng nào đâu. Hơn nữa, bao năm nay, chồng con làm lương lậu bao nhiêu, mẹ đều giữ hết, tính đến giờ, số tiền đó không phải nhỏ. Mẹ bảo cầm giúp để lo việc đại sự.
Nhẽ ra, con phải là người quản lý nhưng vì tôn trọng mẹ và chồng nên con không ý kiến. Bây giờ mẹ dùng số tiền đó xây dựng, coi như đó là phần vợ chồng con đóng góp. Trước bố con ốm nặng, thập tử nhất sinh. Khi ấy túng bấn quá con mới cần vay nhưng mẹ lại từ chối. Giờ bố mẹ khó khăn nhưng cô chú và mọi người vẫn ít nhiều đóng góp được. Đâu cần phải vay mượn con".
Tôi dứt lời, bố chồng lặng người đi, không dám phản ứng. Mấy cô em chồng len lén lấy cớ bận, kéo chồng con ra về. Mẹ chồng thì la lối om sòm, mắng tôi bạc bẽo, hỗn láo. Bà tuyên bố, đuổi luôn hai mẹ con tôi ra đường. Chồng tôi theo vợ coi như từ mẹ, ở với mẹ chấp nhận ly hôn vợ.
Chồng tôi giục vợ xin lỗi mẹ, nhượng bộ bỏ tiền ra xây nhà thờ. Giờ anh bên tình, bên hiếu, rất khó xử. Bao nhiêu năm tôi khổ sở, bị khinh rẻ, đến lúc làm ra tiền thì nhà chồng lại dòm ngó vào. Tôi tức điên lên, thu dọn quần áo, đưa con về căn hộ chung cư sống.
Chồng tôi nói rằng không bao giờ bỏ vợ, chỉ xin tôi đừng nóng giận, mất khôn. Dần dần hai vợ chồng tìm cách tháo gỡ.
Theo các độc giả, tôi làm vậy có quá đáng không sau tất cả những gì bên nhà chồng đối xử với mình? Xin hãy cho tôi lời khuyên, bởi lúc này tôi rất rối ren.
* Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.