Hơn 9,75 điểm/môn vẫn trượt; “lạm phát” điểm cao; mất công bằng trong xét tuyển ĐH…, là những bất cập của tuyển sinh năm nay. Giải pháp nào khắc phục những bất cập này?
Ngay sau khi hàng loạt trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT thì những bất cập, hạn chế của tuyển sinh cũng lộ diện. Nhiều ngành của nhiều trường, điểm chuẩn tăng vọt, phổ biến trên 28 điểm. Đặc biệt, ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa) lên đến 29,3 – cũng là mức điểm cao kỷ lục của trường này. Ngành Báo chí và ngành Quan hệ công chúng của Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có mức điểm chuẩn tổ hợp C00 lần lượt là 29,03 và 29,1. Trường ĐH Văn hóa Hà Nội điểm chuẩn cũng tăng đột biến khi có 6/18 ngành xét điểm C00 từ 23,85 đến dưới 26,98 điểm; 12 ngành còn lại có điểm chuẩn trên 27, ngành cao nhất lên đến 28,9 điểm…
Điểm chuẩn tổ hợp C00 tăng chóng mặt được chuyên gia lí giải như sau: Do số lượng thí sinh tổ hợp C00 tăng khoảng 20.000 so với năm 2023. Điểm trung bình ba môn thi tổ hợp này năm 2023 là 18,97 điểm thì năm 2024 đã tăng lên thành 20,95 điểm. Ở mức điểm 24, năm 2023 có 33.459 thí sinh, năm 2024 tăng lên gấp đôi. Ở mức điểm 27, năm 2023 có 6.041 thí sinh, năm 2024, số lượng thí sinh đạt mức điểm này tăng gấp 4 lần. Ở mức điểm 28, thí sinh tăng gấp 6 lần năm 2023, 29 điểm tăng hơn 10 lần. Số lượng thí sinh từ trên 29 điểm đến 30 điểm năm 2024 tăng hơn 54 lần so với năm 2023 dẫn tới “lạm phát” điểm cao.
Một nguyên nhân nữa đã “đội” điểm chuẩn tổ hợp C00 lên cao chót vót là do chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều ngành không còn nhiều (vì nhiều trường đã dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm) nên chỉ những thí sinh ở tốp cao mới có cơ hội đỗ, nhất là nhóm ngành sư phạm. “Nhưng điểm cao đến mức đạt 9,75 điểm/môn rồi mà thí sinh vẫn trượt thì là điều không bình thường, Bộ GD & ĐT cần phải sớm có giải pháp điều chỉnh, can thiệp để tránh thiệt thòi cho thí sinh”, nhiều phụ huynh bức xúc cho biết.
Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết, mục đích của tuyển sinh vào ĐH phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng theo từng phương thức và giữa các phương thức tuyển sinh, đảm bảo nhu cầu đa dạng của các ngành học của trường ĐH, nhu cầu đa dạng của thí sinh và sự khác biệt vùng miền. Vài năm qua, các phương thức tuyển sinh chủ yếu sử dụng kết quả xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
“Mỗi phương thức có ưu điểm và hạn chế do rủi ro trong quá trình thực hiện. Ví dụ, xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ có ưu điểm là có thể đánh giá năng lực của học sinh dựa trên quá trình học tập, không chỉ phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất, giúp nhận diện được những học sinh có năng lực ổn định. Tuy nhiên, kết quả học bạ có thể không phản ánh chính xác năng lực thực sự của học sinh nếu điểm số bị thổi phồng hoặc đánh giá không đồng đều giữa các trường, hoặc điểm học bạ cũng chỉ dựa vào vài ba môn của năm học lớp 12 không phải là quá trình nên độ tin cậy về đánh giá năng lực có thể không cao. Điều này có thể dẫn đến sự bất công trong việc đánh giá năng lực so với các thí sinh khác. Ngoài ra, do chỉ tiêu bị khống chế, nếu định ra tỷ lệ tuyển sinh không hợp lý sẽ xuất hiện mất công bằng và bình đẳng so với các phương thức xét tuyển còn lại cho dù điểm thi tốt nghiệp THPT có cao, thí sinh vẫn có thể bị loại khỏi cuộc đua. Khi chỉ tiêu bị lấp đầy bởi các thí sinh xét tuyển sớm, các trường sẽ khó điều chỉnh tỷ lệ tuyển sinh cho các phương thức khác, gây áp lực cho quá trình tuyển sinh sau này”, TS. Hoàng Ngọc Vinh lí giải và phân tích thêm, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm đánh giá năng lực thì công bằng hơn vì dựa trên kết quả của các kỳ thi có quy mô quốc gia hoặc khu vực, với cùng một đề thi và điều kiện thi. Tuy nhiên, phương thức xét tuyển này cũng có những hạn chế vì một kỳ thi duy nhất có thể không phản ánh hết khả năng của học sinh. Ngoài ra, kỳ thi đánh giá năng lực lại gây khó khăn cho những học sinh vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện dự thi được.
“Để giải quyết được hài hòa các mâu thuẫn trên và nhằm đạt được tối đa các mục tiêu tuyển sinh ĐH và lại phải giải quyết mối quan hệ giữa Bộ GD&ĐT và quyền tự chủ của các trường ĐH với vô số các ngành học khác nhau, nhu cầu phát triển khác nhau là một bài toán rất khó”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nói.
Về câu chuyện thí sinh hơn 9,75 điểm/môn vẫn rớt nguyện vọng yêu thích nhất, theo Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Hoàng Minh Sơn, nếu các phương thức tuyển sinh đảm bảo công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao sẽ không có gì bất thường. Nhưng nếu không đảm bảo công bằng, thí sinh vào ĐH bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn, về phía Bộ GD&ĐT sẽ có sự phân tích kỹ.
PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho rằng, muốn tạo công bằng trong tuyển sinh một cách lâu dài không còn cách nào khác là phải dựa trên một chuẩn chung, bởi không có một phương thức chung thì rất khó đảm bảo tính công bằng, vì sự so sánh là không thể.
“Ví dụ, một trường ĐH họ xét theo đánh giá năng lực một ngành nào đó là 21/30 điểm, và xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là 28/30 điểm, vậy em 21 điểm và em 28 điểm có trình độ ngang nhau không? Không ai trả lời được. Điểm trúng tuyển phụ thuộc rất nhiều vào chỉ tiêu mà các trường tự công bố. Chỉ tiêu ít thì điểm dâng lên và ngược lại. Vậy có phải điểm trúng tuyển dựa vào một con số tự đặt ra trước? Ở nhiều nước tiên tiến, văn minh họ cũng có kỳ thi ĐH. Ở nước ta biến tấu đủ kiểu, đủ cách tuyển thì khó mà công bằng được. Khi đó, sự so sánh chất lượng đầu vào của các phương án xét tuyển là không thể”, PGS.TS Lê Hữu Lập bày tỏ và cho biết thêm, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, mục tiêu không phải chọn nhân tài mà đánh giá đạt chuẩn, nên độ phân hóa đề thi dù thế nào thì cũng không thể cao được. Do vậy, nhiều trường ĐH cũng không thiết tha lắm khi dùng điểm này để xét tuyển nên họ giảm chỉ tiêu của hình thức xét tuyển này. Bởi vậy, khi nhìn nhận một vấn đề, ta phải nhìn toàn cục để xử lý. Nếu yêu cầu các trường theo một kiểu chung nào đó, cũng khó vì theo Luật Giáo dục ĐH, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Các trường có thương hiệu tốt sẽ không bao giờ lấy điểm thấp ở phương án xét tuyển sớm. Chất lượng tuyển sinh của các phương án khi đó sẽ là khá đồng đều.
Để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, cấp thiết phải xây dựng khung chính sách tuyển sinh linh hoạt nhưng thống nhất. Bộ GD&ĐT nên thiết lập một khung tiêu chuẩn tuyển sinh chung, áp dụng trên toàn quốc, đảm bảo rằng các trường có một nền tảng chung để xây dựng quy trình tuyển sinh của mình. Khung này nên bao gồm các nguyên tắc cơ bản về công bằng, bình đẳng và chất lượng, nhưng vẫn cho phép sự linh hoạt để các trường điều chỉnh phù hợp với đặc thù ngành học.
Mặt khác phải tăng cường giám sát và kiểm tra quy trình tuyển sinh tại các trường. Bộ GD&ĐT có thể thành lập các đoàn kiểm tra độc lập để đánh giá tính minh bạch và công bằng của các quy trình này. Giải pháp nữa theo TS. Hoàng Ngọc Vinh là cần tiếp tục kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó cho phép các trường tự quyết định trọng số ưu tiên của từng phương thức tuyển sinh dựa trên đặc thù ngành học, nhưng trong khuôn khổ quy định của Bộ GD&ĐT để đảm bảo không có phương thức nào bị lạm dụng hoặc gây bất công. Đồng thời, Bộ GD & ĐT phải đổi mới nội dung và hình thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá toàn diện hơn về năng lực của học sinh theo mục tiêu của Chương trình GDPT năm 2018…