Khen mà như thế bằng mười hại nhau !

Mới rồi tại một hội nghị lớn dành cho những người chuyên đi nói cho người khác nghe, ông báo cáo viên vốn là một cán bộ chính trị chay bỗng phán một câu xanh rờn khiến mọi người thấy “ngượng” cho ông quá.

Thật sự thì ông buông lời khen cấp trên, khen một chủ trương đúng. Nhưng, đúng như người xưa dặn, khen mà như thế bằng mười hại nhau! Ông khen đại ý rằng việc khóa trước đã tinh tường lựa chọn đồng chí cán bộ chủ chốt như vậy là hồng phúc cho Đảng ta, dân tộc ta.

Đảng ta, dân tộc ta đã có nhiều hồng phúc trong các cuộc cách mạng. Đất nước bao phen binh đao, giặc giã, tình thế lắm khi nguy nan, “nghìn cân treo trên sợi tóc”, nhưng đã vượt qua mọi gian nan, thử thách, đi lên. Hồng phúc lớn nhất là dân tộc ta đoàn kết, nhân dân ta anh hùng, giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Đất nước chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Vĩ đại như Bác Hồ, nhưng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa III, khi Quốc hội quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng- Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, Bác khiêm tốn nói rằng: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn Giải phóng thì Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi cái Huân chương cao quý”. Khi Bác qua đời, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta đã sinh ta Hồ Chủ tịch và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Chưa thấy có ai, có văn bản nào viết rằng: Hồ Chí Minh là hồng phúc của dân tộc ta.

Vậy nên trước một hội nghị lớn, cử tọa toàn những người nhiều chữ nhưng biết thận trọng từng lời, từng tiếng, mà ông báo cáo viên bất ngờ “khen” như thế thì người nghe tới hai lần bất ngờ. Lâu nay chúng ta thường lên án thói xiểm nịnh trong xã hội, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ngay trong bài viết gần đây về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư , Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã lưu ý: “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng”.

Xin nói thêm một chút, “nịnh trên, nạt dưới” thời nay diễn ra muôn kiểu, muôn cách, khi trắng trợn, lúc tinh vi. Nịnh trên chưa hẳn là những anh cúi gập người, hai tay xoa tít. Họ nịnh bằng lời khen, bằng quà tặng, bằng sự “quan tâm” quá mức. Có câu chuyện vui ở một doanh nghiệp: Khi ông giám đốc nghiện thuốc lá nặng vừa rút điếu thuốc đưa lên miệng, lập tức có 5 cái máy lửa xung quanh cùng lúc xòe ga (!). Thật là siêu nịnh. Còn nếu chỉ nói riêng việc nịnh bằng lời khen cũng đã đủ để các nhà văn giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng không nghĩ hết.

Suy nghĩ trước khi nói. Điều tưởng giản đơn như chuyện hít vào thở ra mà sao bây giờ có lắm cách nói sống sượng. Các nhà tổ chức nhận xét đó là cái anh thiếu chuyên nghiệp. Còn người nghe trong thời thế giới phẳng này thì cho rằng, nếu thiếu chuyên nghiệp thì vẫn còn may chán. Chỉ sợ cái anh ăn nói huyên thuyên ấy đã tính toán rất kỹ. Chưa chắc anh ta đã “thua” (!). Chỉ biết rằng trong con mắt mọi người, anh ta bỗng hóa thành một con rối./.

Trần Quỳnh

khen ma nhu the bang muoi hai nhau Hà Nội nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên
khen ma nhu the bang muoi hai nhau Có cần luật hóa một khái niệm mơ hồ: “Nịnh cấp trên”?
khen ma nhu the bang muoi hai nhau Luật hóa việc công chức không được nịnh bợ cấp trên
khen ma nhu the bang muoi hai nhau Quy định \'Công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng\' sẽ được luật hóa