Khát vọng hòa bình, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Cách đây tròn 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thu non sông về một mối.

Sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc này là bản hùng ca, kết tinh ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, để lại nhiều giá trị và kinh nghiệm quý báu đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình

Trong tiến trình cách mạng 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước lúc sinh thời.

Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và khát vọng hòa bình làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, trước thềm đổi mới đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), Đảng ta khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”[1].

Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng con người “Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[2]. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam, lấy ấm no và hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu[3].

Ánh sáng soi đường của Đảng đã tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới từ sau ngày non sông thu về một mối. Từ một nước nghèo nàn, bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quốc tế quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.

Quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2024 đã đạt trên 470 tỷ USD, đứng thứ 32 trên thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% (theo chuẩn đa chiều) so với mức 60% năm 1986. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao. Cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được lan tỏa, có những đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong vai trò thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và các tổ chức, thể chế quốc tế khác được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao[4].

Hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng

Đất nước ta đang trong những ngày tháng Tư lịch sử. Những ký ức hào hùng không thể nào quên cách đây 50 năm là nguồn động lực lớn lao để dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Trong suốt chiều dài lịch sử, ý chí độc lập kiên cường, khát vọng hòa bình trường tồn là sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam. Và cho đến hôm nay, ý chí ấy, sức mạnh ấy, một lần nữa được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, để cả dân tộc hiện thực hóa mục tiêu: “Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[5], đất nước vững bước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.

Mục tiêu, nhiệm vụ dựng xây đất nước trong kỷ nguyên mới rất nặng nề nhưng chắc chắn sẽ đưa dân tộc Việt Nam đến đài vinh quang. Để hoàn thành trọng trách với đất nước trong kỷ nguyên mới, Đảng ta luôn kiên định xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ then chốt, trọng yếu, thường xuyên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đảng kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên.

Đặc biệt, để phù hợp với bối cảnh mới phát triển đất nước, Đảng tiếp tục tạo bước phát triển mới về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình phát huy sức mạnh của ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình, dân tộc Việt Nam luôn kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi chỉ có đi theo con đường đó, chúng ta mới giữ vững được độc lập dân tộc đúng nghĩa, mới biến ý chí và khát vọng vươn lên của con người Việt Nam thành hiện thực trong kỷ nguyên mới. Muốn vậy, phải tiếp tục kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời kiên quyết đổi mới tư duy, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Đây chính là con đường và là một trong những nhân tố quyết định phát triển đất nước hùng cường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của con người Việt Nam; là yếu tố bảo đảm cho việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên mới, được khởi đầu từ năm 2026 và gắn với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bước vào kỷ nguyên mới xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, thịnh vượng, bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, cần khai thác tối ưu tài nguyên trí tuệ. Để khai thác tốt tài nguyên này, chúng ta phải có chiến lược về thu hút và trọng dụng nhân tài, trước mắt là thực hiện tốt Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, như: Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học xã hội, y tế, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Sức mạnh của ý chí độc lập, thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam khi được gắn kết chặt chẽ với khoa học, công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, khoa học và công nghệ là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Sự thành công hay không thành công thể hiện ở chỗ, Việt Nam có nắm được cơ hội và vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong vòng 20-30 năm tới hay không. Do đó, chúng ta cần thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là yếu tố quyết định, tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta tiến lên giàu mạnh, hùng cường.

Soi chiếu vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta cho thấy, muốn phát huy hiệu quả sức mạnh của ý chí độc lập, thống nhất và khát vọng hòa bình trong kỷ nguyên mới cần phải dựa vào dân, lấy dân là gốc. Trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Tiếp đó, trải qua gần 40 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đều khẳng định và nhấn mạnh vị trí, vai trò quyết định của nhân dân trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Do vậy, để vững vàng vươn lên trong kỷ nguyên mới, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò và sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với việc tăng cường đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng, cách thức tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cần tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc và kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Mục tiêu cao nhất hướng đến là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

** *

50 năm sau ngày thống nhất đất nước, ý chí độc lập, thống nhất và khát vọng hòa bình - nhân tố quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 đã và đang được nâng lên một tầm cao mới. Tự hào với lịch sử hào hùng, trân trọng giá trị hòa bình hiện tại, mỗi người Việt Nam hôm nay, ở cả trong và ngoài nước, cần nỗ lực hơn, chung sức đồng lòng hiện thực hóa khát vọng dựng xây một Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

----------

[1] Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I, (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.38.

[2] Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.58-59.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.34; Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.142, 152.

[4] Tổng Bí thư Tô Lâm, Rạng rỡ Việt Nam, Báo Nhân Dân, ngày 3-2-2025.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.36.

GS.TS Nguyễn Văn Khánh - TS Lê Văn Phong 

Theo HNMO