Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua (hiệu lực từ 1/1/2021), xác định 7 loại hình hợp đồng (gồm BOT, BTO, BOO, O&M, BTL, BLT và hợp đồng hỗn hợp), loại bỏ loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
“Đây là động thái quyết liệt, kịp thời của tiến trình hoàn thiện pháp luật nước ta khi phát hiện những lỗ hổng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước từ thực tế thực hiện hợp đồng BT. Tôi nghĩ việc giải quyết những cù cặn từ dự án BT hiện đang là câu chuyện nóng nhất là khi gần đây, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện sai phạm liên quan đến số tiền hàng nghìn tỷ đồng tại dự án BT ở nhiều địa phương”, TS Trần Khắc Tâm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, trao đổi với PV Báo CAND.
Bài 1: Bán hàng kiểu… “một mình, một chợ”
“Tiền” nhận rồi, “cháo”… thủng thẳng múc
“Đây là một giao dịch mua sắm công. Khách hàng là nhà nước và bên bán sản phẩm (công trình hạ tầng) là nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp (DN) dự án. Điều bất ổn của giao dịch này chính là có nhiều yếu tố khiến bên bán giữ thế… một mình một chợ, được lợi đúng với những toan tính chủ động ngay từ đầu.
Trong khi đó, chính sự thiếu tính minh bạch và cạnh tranh công bằng, bên mua thường bị lép vế, nhận sản phẩm rất trễ, chất lượng chưa chắc như mong đợi”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (TP Hồ Chí Minh) phác thảo về bản chất của hợp đồng BT. Nghe điều này, chúng tôi nhớ câu chuyện Khánh Hoà dùng đất sân bay Nha Trang (cũ) để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Sai phạm vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cách nay 1 tháng.
“Chủ trương dùng quỹ đất tại khu vực sân bay Nha Trang (cũ) để thanh toán cho các dự án BT được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 1175/TTg-KTN ngày 6/7/2016 và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ), quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện”, Thanh tra Chính phủ cho biết.
Từ trước thời điểm vừa kể, đã có nhiều điều khá bất thường xảy ra. Đáng chú ý nhất là cuối 2015, ngay khi vừa tiếp nhận đất sân bay Nha Trang từ Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Khánh Hoà đã đồng thời bàn giao hơn 62,3ha cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn. Trước đó, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và công nhận tư cách chủ đầu tư cho DN này thực hiện dự án đầu tư Khu Trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang (người dân còn gọi là “siêu dự án”), có diện tích trên tại sân bay Nha Trang.
Cùng ngày 28/10/2016, ngoài 2 văn bản chấp thuận 2 dự án (cùng tên gọi như vừa kể tại phân khu 2, 3 và 2A của sân bay, tổng mức đầu tư 6.664 tỷ đồng); và dù không có thẩm định nhu cầu SDĐ, điều kiện giao đất từ Sở TN&MT nhưng UBND tỉnh ký Quyết định 3262 giao, cho thuê toàn bộ diện tích 62,3ha đất (có thu tiền SDĐ) để Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện “siêu dự án”. Phát hiện Quyết định 3262 không đúng với nội dung đề xuất trước đó đã được Thủ tướng đồng ý (dùng quỹ đất sân bay để thanh toán hợp đồng BT), đến ngày 25/7/2017, UBND tỉnh ký Quyết định 2139 điều chỉnh, “chèn” nội dung nêu trên vào. Vậy là thêm một lần nữa, UBND tỉnh thừa nhận thực tế… ngược: Hợp đồng BT chưa ký nhưng đất đã giao cho DN.
Ngày 7/11/2017, UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt chọn Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu 3 dự án xây dựng hạ tầng giao thông (gồm: dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu vực sân bay Nha Trang; dự án nút giao Ngọc Hội; dự án đường Vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội); tổng mức đầu tư trên 3.562 tỷ đồng; nhà nước thanh toán cho NĐT bằng một phần tiền SDĐ từ dự án khu vực sân bay (gần 21ha), giá trị tạm tính hơn 3.262 tỷ đồng. Hai ngày sau, UBND tỉnh cấp các giấy chứng nhận đầu tư và cho ký 3 hợp đồng BT với Tập đoàn Phúc Sơn.
Tiếp đó, ngày 1/2/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 369 bổ sung, điều chỉnh Quyết định 2139. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, Quyết định 369 vẫn chưa thể hiện nội dung giao, cho thuê đất và diện tích giao, cho thuê đất để thanh toán các dự án BT. Đến nay, tỉnh vẫn chưa thực hiện rất nhiều nội dung nêu trong quyết định này như xác định giá đất cụ thể làm cơ sở tính giá trị quỹ đất hoàn vốn các dự án BT; chưa điều chỉnh giao, cho thuê đất cho DN thực hiện dự án khác theo thoả thuận tại hợp đồng BT; chưa xác định diện tích đất còn lại…
Được phép một đằng, làm một nẻo
Theo Thanh tra Chính phủ, các dự án BT mà UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho Tập đoàn Phúc Sơn không thực hiện đúng các cam kết mà tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ "đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn NĐT trong trường hợp đặc biệt". Để thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt của mình, tỉnh đã tách 1 dự án nhóm A thành 2 dự án nhóm B. Tổng mức đầu tư các dự án BT mà tỉnh phê duyệt cao hơn 484 tỷ đồng so với nội dung tờ trình của tỉnh và văn bản được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Có một thực tế đáng lưu ý, đó là với phần đất được giao, Tập đoàn Phúc Sơn đã đưa vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện (sau đó đã bị phạt hành chính 275 triệu đồng). Trong khi đó, khi các dự án… không hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối 2017, tỉnh đã gia hạn cho DN thêm 30 tháng. Đến 30/6 vừa qua, hết thời gian gia hạn, cả 3 dự án vẫn chưa đâu vào đâu.
“Không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn NĐT trong trường hợp đặc biệt tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2013”, Thanh tra Chính phủ kết luận nguyên nhân cốt lõi. Theo đó, khối lượng thực hiện của dự án các nút giao, tuyến đường kết nối khu sân bay và dự án nút giao thông Ngọc Hội, đến gần cuối 2020, chỉ đạt gần 33% (đã tính cả tiền ứng bồi thường, giải phóng mặt bằng; chi phí xây dựng chỉ đạt 11 - 25%); dự án còn lại mới hơn 20%.
“Tiến độ không đảm bảo cam kết của UBND tỉnh với Thủ tướng Chính phủ nhưng nguyên nhân chưa được phân tích, đánh giá cũng như việc quy trách nhiệm và đề ra các biện pháp xử lý, tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Việc tiếp nhận quỹ đất sân bay Nha Trang từ Bộ Quốc phòng, đồng thời bàn giao cho NĐT (12-2015) khi chưa có quyết định thu hồi, giao, cho thuê đất là không đúng Luật Đất đai năm 2013. Sau đó, tỉnh ban hành các QĐ điều chỉnh, giao toàn bộ hơn 62,3ha đất sân bay cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án “siêu dự án” không đấu thầu lựa chọn NĐT, cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa tiến hành lựa chọn NĐT là vi phạm Luật Đầu tư; công nhận chủ đầu tư dự án không thông qua đấu giá quyền SDĐ hoặc đấu thầu dự án là vi phạm Luật Nhà ở.
Việc UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết (1/500) dự án khu trung tâm và điều chỉnh cục bộ “siêu dự án” theo đề nghị của DN, đã vi phạm Quy hoạch chung TP Nha Trang Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và vi phạm Quy hoạch phân khu (1/2000) do chính UBND tỉnh đã phê duyệt trước đó.
Trước những sai phạm vừa kể, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hoà khẩn trương ban hành quyết định bổ sung giao, cho thuê đất để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thanh, quyết toán các dự án BT; rà soát lại đơn giá và các hạng mục đầu tư để điều chỉnh hợp đồng BT; giảm tổng mức đầu tư các dự án (gần 500 tỷ đồng); giảm 5% giá trị xây lắp khi quyết toán công trình (hơn 97 tỷ đồng) theo đúng cam kết của NĐT, phê duyệt giá đất cụ thể làm cơ sở xác định tiền SDĐ để thanh toán hợp đồng BT;… Nghiêm túc kiểm điểm, đề xuất cấp thẩm quyền hình thức xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, nhất là đối với công trình, dự án BT; không để xảy ra tình trạng thực hiện khác với báo cáo, đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Trong quá trình tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết luận thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm, phải chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Khánh Hòa xử lý theo pháp luật”, Thanh tra Chính phủ lưu ý.
Ít xử lý hình sự sai phạm trong các dự án BT, vì sao?
Báo CAND từng phản ánh nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai xảy ra ở Khánh Hoà, trong đó có sai phạm dự án BT xây Trường chính trị tỉnh. Trong số những người từng là cán bộ chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, có 2 ông Lê Đức Vinh và Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là một trong số ít sai phạm liên quan đến việc thực hiện hợp đồng BT bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo một luật sư Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, cho đến khi Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 được thông qua và BLHS sửa đổi 2017, hàng loạt tội danh mới liên quan đến xây dựng, đầu tư công, đấu giá tài sản, quản lý sử dụng tài sản Nhà nước,… mới được quy định. Theo nguyên tắc vận dụng pháp luật, với các tội danh về đầu tư công, đấu giá, dự án BT, BOT xảy ra trước 0h ngày 1/1/2018 (thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực) và chưa bị phát hiện, điều tra, khởi tố, khi xác định có hành vi phạm tội và có đủ căn cứ, yếu tố về cấu thành tội phạm, các chủ thể, cá nhân liên quan có thể bị điều tra, khởi tố và truy tố về các tội được quy định trong BLHS 1999. Hơn nữa, hầu hết các dự án BT vừa qua bị phát hiện có sai phạm đều được ký trước thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực. |