Thời gian qua, nhiều tuyến phố đã được cải tạo đồng bộ hệ thống cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông, thay mới vật liệu lát hè, đem lại diện mạo mới cho đô thị Thủ đô. Tuy nhiên, vật liệu lát hè trên một số tuyến phố sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã bị nứt vỡ. Đâu là nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai? Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Ngọc Thắng đã trả lời phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.
Thực hiện khoan rút lõi để đánh giá chất lượng thi công lát hè tại phố Đào Tấn (quận Ba Đình).
- Xin ông cho biết có bao nhiêu tuyến phố đã cải tạo, lát hè bằng đá tự nhiên? Chất lượng đến nay như thế nào?
- Trên địa bàn thành phố có 255 tuyến phố, hè đã được lát đá tự nhiên; tập trung chủ yếu tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Về chất lượng, sau những tồn tại, sai phạm giai đoạn trước năm 2018, từ năm 2019 đến nay, Sở Xây dựng đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu dự án lát đá vỉa hè nói riêng và dự án cải tạo chỉnh trang hè phố nói chung. Nhìn chung, các dự án cơ bản bảo đảm tuân thủ theo thiết kế mẫu được UBND thành phố ban hành. Việc quản lý chất lượng đã được chủ đầu tư, nhà thầu cơ bản tuân thủ. Chất lượng đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng và hiện trạng chất lượng thi công thực tế tại các dự án vẫn còn những bất cập, như: Công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá đầu vào tại một số dự án chưa đạt yêu cầu; công tác giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa thường xuyên, liên tục, chưa kịp thời giải quyết, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, đặc biệt việc phối hợp xử lý thiết kế theo thực tế hiện trạng công trình (vị trí bó gốc cây, cột điện, tủ điện) không bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật. Bên cạnh đó, công tác quản lý sử dụng, bảo trì hè đường sau đầu tư chưa thật sự tốt. Việc tổ chức kiểm tra, rà soát, duy tu, sửa chữa, bảo trì hè hư hỏng, xuống cấp tại một số tuyến chưa kịp thời, vì thế chất lượng sử dụng công trình và cảnh quan đô thị chưa bảo đảm. Đặc biệt là việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt, ô tô, xe máy đi lên vỉa hè (dành cho người đi bộ) là nguyên nhân chính gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.
- Sau hàng loạt bất cập được Thanh tra thành phố chỉ ra, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội xây dựng quy chuẩn thi công, thực hiện giám sát chất lượng. Ông có thể cho biết, việc này sở đã thực hiện như thế nào?
- Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội” (tại Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21-3-2019). Sở Xây dựng cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình lát hè bằng đá tự nhiên, bảo trì hè sau khi lát; tăng cường quản lý chất lượng dự án thi công lát hè trên địa bàn thành phố...
Sở Xây dựng còn tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất, định kỳ các dự án lát đá vỉa hè nói riêng và dự án cải tạo chỉnh trang hè phố nói chung. Trong các đợt kiểm tra, chúng tôi đều lấy mẫu ngẫu nhiên để giám sát chất lượng. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn chủ đầu tư và các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng bảo đảm tuân thủ quy định và thiết kế mẫu hè đường đã được UBND thành phố ban hành trong quá trình triển khai các dự án cải tạo hè đường.
- Thực tế, một số vỉa hè lát đá tự nhiên có độ bền 70 năm đã nhanh chóng xuống cấp sau vài năm sử dụng. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
- Các quyết định của UBND thành phố Hà Nội và văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng đều quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý chính trong quá trình đầu tư và sau đầu tư thuộc về UBND cấp huyện. Trong đó, UBND cấp huyện làm chủ đầu tư hoặc giao các ban quản lý dự án của quận, huyện làm chủ đầu tư dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ khảo sát, thiết kế đến thi công, giám sát thi công công trình. Phòng quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra nghiệm thu và đôn đốc giải quyết công việc theo phân cấp. Hè sau khi đầu tư cũng do UBND cấp huyện quản lý, khai thác sử dụng.
- Xin ông cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này?
- Để khắc phục tình trạng xuống cấp của hè lát đá tự nhiên, bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát, Sở Xây dựng đã đề nghị các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn của UBND thành phố, Sở Xây dựng và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc trong quá trình thực hiện dự án; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ phương tiện giao thông trên vỉa hè không đúng quy định; nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc sử dụng mặt hè trái với công năng và mục tiêu đầu tư, gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.
- Trân trọng cảm ơn ông!
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1046978/khac-phuc-tinh-trang-via-he-lat-da-xuong-cap