Kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ bùng nổ trong nửa cuối năm?

Tăng trưởng tín dụng đã đạt 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% (tương đương tăng hơn 1 triệu tỷ đồng) so với cuối năm 2024, tăng 18,87% so với cùng kỳ năm 2024, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

Các tổ chức tín dụng dự báo kết quả kinh doanh sẽ thực sự “bùng nổ”, với đà tăng trưởng mạnh từ nay đến cuối năm, có thể đạt 16,8% vào cuối năm 2025.

Nâng kỳ vọng trong quý III

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III-2025 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây, các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II có sự cải thiện tốt hơn so với quý I, nhưng thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng.

anh-giao-dich-vietcombank-27-10.jpg
Các ngân hàng được dự báo sẽ đạt kết quả cao trong năm 2025. Ảnh: Quang Thái

Cũng theo kết quả điều tra, các tổ chức tín dụng nâng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên 16,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế của năm 2024. Đồng thời, tăng trưởng huy động vốn cũng được điều chỉnh tăng lên 13,9%. Nếu đạt được, đây sẽ là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Dự báo, huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4% (VND tăng 4,4% và ngoại tệ tăng 2,5%) và dư nợ tín dụng được dự báo tăng 4,7%, trong đó VND và ngoại tệ lần lượt đạt 4,7% và 4,8% trong quý III.

Mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II đặc biệt là lãi suất cho vay. Tính đến cuối năm 2025, dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND về cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong quý II và dự kiến tiếp diễn trong quý III cũng như cả năm 2025. Đáng chú ý, có tới 62,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu vay vốn sẽ tăng cao, vượt trội so với nhu cầu thanh toán và gửi tiền.

Trong quý II, các tổ chức tín dụng cho biết tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm dịch vụ, trong đó điều chỉnh giảm lãi suất biên nhiều hơn so với phí dịch vụ đúng như dự kiến.

Xu hướng lãi suất giảm nhẹ này được dự kiến sẽ tiếp tục trong quý III và cho đến cuối năm 2025, với động lực chính vẫn là từ việc giảm lãi suất biên, trái với dự kiến tăng nhẹ vào nửa cuối năm 2025 ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Tình hình thanh khoản hệ thống ngân hàng trong quý II được đánh giá duy trì trạng thái “tốt”, tuy nhiên mức cải thiện “giảm nhẹ” so với quý trước và so với kỳ vọng. Dự báo cho quý III và cả năm 2025, thanh khoản sẽ tiếp tục được cải thiện, nhưng mức độ cải thiện dự kiến vẫn thấp hơn so với năm 2024.

Bên cạnh đó, khoảng 70,2% - 76,3% tổ chức tín dụng đánh giá các yếu tố nội tại của đơn vị tiếp tục cải thiện trong quý II và cả năm 2025. Trong đó, "chính sách lãi suất, tín dụng và tỷ giá" được coi là yếu tố nội tại quan trọng nhất hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh.

Chỉ 3,5% tổ chức tín dụng bày tỏ lo ngại các yếu tố nội tại như nguồn lực, năng lực tài chính, hạ tầng công nghệ hay khả năng đổi mới sản phẩm có thể làm suy giảm hoạt động kinh doanh trong năm nay.

Về phía các yếu tố khách quan, 65,8% - 72,8% tổ chức tín dụng nhận định các yếu tố khách quan, như cầu của nền kinh tế, điều kiện tài chính của khách hàng… có tác động tích cực đến hoạt động của đơn vị trong quý II và cả năm 2025.

Tuy nhiên, chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được dự báo sẽ là yếu tố khách quan quan trọng nhất trong năm nay. Dù vậy, vẫn có 6,03% - 12,93% tổ chức tín dụng bày tỏ lo ngại về các yếu tố ngoại cảnh tiêu cực, trong đó “sự cạnh tranh từ các tổ chức tín dụng khác” tiếp tục là mối lo lớn nhất, với 25% tổ chức tín dụng đánh giá đây là rủi ro chính trong quý II và 23,28% trong cả năm 2025.

Giữ nguyên lãi suất điều hành

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tín dụng.

Ở phía thị trường, các ngân hàng thương mại - với vai trò thực thi các chính sách, đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo nền tảng để tiết kiệm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay. Kết quả lãi suất cho vay bình quân của các khoản cho vay mới ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6% so với cuối năm 2024.

Về tín dụng, tính đến ngày 26-6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6-2024) tín dụng tăng 18,87%, mức tăng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Cơ cấu tín dụng gồm một số ngành chính: Ngành nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%.

Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn. Cụ thể, nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 23,16%. Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%. Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, như Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên đến 100.000 tỷ và thực hiện rất hiệu quả. Ngoài ra, các chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được triển khai một cách tích cực.

Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội, hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi để thuê, mua nhà ở xã hội, hay chương trình gần đây là tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số… đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành một cách đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời sẽ kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng của ngân hàng.

https://hanoimoi.vn/ket-qua-kinh-doanh-cua-ngan-hang-se-bung-no-trong-nua-cuoi-nam-708249.html

Hà Linh / Hà Nội Mới