Các nhà đầu tư vẫn đặt cược vào vị thế số 1 của KDF trên thị phần kem, thương hiệu tốt, ưu thế về hệ thống phân phối rộng lớn trên cả nước cùng các bước đi mới trong ngành hàng thực phẩm đóng gói sẽ mang đến đà tăng trưởng mới cho DN.
Một trong những thương vụ niêm yết đáng chú ý nhất cuối năm nay là việc xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường tài chính của CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) với giá chào sàn dự kiến lên đến 60.000 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa DN rơi vào tầm 3.360 tỷ đồng. Liệu đây có phải là mức giá quá đắt?
Câu trả lời có thể là có. Theo số liệu công bố, năm 2016, KDF đạt doanh thu thuần 1.397 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2015. Lợi nhuận ròng đạt 143 tỷ đồng, tăng trưởng 85%. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19,7%. Mặc dù vậy, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2016 chỉ đạt 2.547 đồng.
Trong năm nay, công ty đặt kế hoạch đạt 1.824 tỷ đồng doanh thu. Dù vậy, EPS được dự kiến mới chỉ đạt 3.700 đồng/cổ phiếu, đưa chỉ số PE ngày chào sàn có thể rơi vào tầm 16 lần – một tỷ lệ cũng không phải là thấp để hấp dẫn nhà đầu tư.
Tuy vậy, có thể các nhà đầu tư vẫn đặt cược vào vị thế số 1 của KDF trên thị phần kem, thương hiệu tốt, ưu thế về hệ thống phân phối rộng lớn trên cả nước cùng các bước đi mới trong ngành hàng thực phẩm đóng gói sẽ mang đến đà tăng trưởng mới cho DN.
Theo Công ty chứng khoán Vndirect, KDF hiện chiếm đến 35% thị phần kem trong nước và sở hữu hơn 70.000 điểm bán lẻ. Hai nhãn hiệu kem nổi tiếng của KDF là Merino và Celano được đánh giá có độ nhận diện cao và được giới trẻ khá yêu thích. Đối thủ gần nhất của KDF là Unilever hiện chỉ đạt thị phần khoảng 10%. Đây sẽ tiếp tục là con bài chủ đạo duy trì đà tăng trưởng của KDF trong các năm tới. Mới đây, công ty đã khánh thành nhà máy mới ở Bắc Ninh, giúp cải thiện thêm thị phần ở các tỉnh phía Bắc.
Ở mảng sữa chua, tuy gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành nhưng cũng mang lại đến 360 tỷ đồng doanh thu cho công ty, tăng trưởng 20% so với năm trước. Dù vậy ở phân khúc này, do thị trường cạnh tranh quá quyết liệt từ nhiều tên tuổi lớn như: Vinamilk, TH Milk, Friesland Campina... nên nhìn chung tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai là khó xảy ra cho KDF ở thị trường sữa chua.
Nhưng bước đi đáng xem nhất của KDF là ở mảng thực phẩm. Theo phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Euro Monitor International, thị trường thực phẩm chế biến và đóng gói của Việt Nam có giá trị lên đến 7.698 tỷ đồng trong 2016. Tỷ lệ thâm nhập ở Việt Nam vẫn còn thấp với mức tiêu thụ bình quân theo đầu người mới chỉ 1,5 USD, thấp hơn rất nhiều so với các thị trường phát triển như Singapore (16,9 USD). Nhu cầu tận hưởng các sản phẩm có chất lượng tốt sẽ đi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan.
Hiện các nhà lãnh đạo của KDF kỳ vọng ngành hàng này sẽ tạo nên sức bật mới cho công ty. Dự kiến mảng đông lạnh sẽ đóng góp doanh thu 156 tỷ đồng trong năm nay, so với con số khiêm tốn chỉ 21 tỷ đồng năm ngoái vì mới gia nhập ngành. Ngoài bánh bao, trong thời gian tới công ty sẽ cho ra mắt thị trường các sản phẩm mới như khoai tây chiên, rau củ đông lạnh, xúc xích... Sự phân mảnh quá lớn của thị trường cũng mang lại cơ hội lớn cho KDF để tập trung đầu tư và vươn lên trở thành người dẫn đầu.
Nhưng không giống như bánh bao, đối với các thực phẩm đông lạnh khác, KDF sẽ thuê ngoài sản xuất trước khi doanh thu đạt một mức nhất định. Để giảm thiểu rủi ro, KDF sẽ hợp tác với các nhà sản xuất OEM ở giai đoạn đầu trong khi tập trung vào marketing. Trong khi đó, KDF sẽ tìm hiểu các quy trình về kỹ thuật và sản xuất. Một khi sản phẩm đạt được doanh thu hàng năm ít nhất 300 tỷ đồng, KDF sẽ đầu tư vào tự sản xuất. Một chút thận trọng sẽ giảm bớt rủi ro cho một tay chơi mới như KDF.
“Chúng tôi lạc quan về KDF, công ty con kinh doanh kem và thực phẩm đông lạnh của KDC và dự báo lợi nhuận sau thuế sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 21% từ 2016-2019 chủ yếu nhờ mảng kem và ưu đãi thuế”, Công ty Chứng khoán Bản Việt đưa ra nhận định.