Gần hai năm sau vụ thu hoạch đầu tiên, công ty nông nghiệp của Bầu Đức đã giảm diện tích và không còn ghi nhận doanh thu từ vườn ớt.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào cuối năm 2017, Hoàng Anh Gia Lai dự báo thu hoạch 27.000 tấn ớt và ghi nhận doanh thu gần 1.100 tỷ đồng trong năm sau. Giới phân tích hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch này bởi so với cùng kỳ, hai con số đều gấp hơn 50 lần.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai vẫn tự tin sẽ hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch nhờ sở hữu diện tích vùng trồng lớn và gần Trung Quốc - thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới. Không lâu sau đó, công ty thông báo diện tích nông trường ớt tại ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã lên đến hàng nghìn hecta.
Vụ thu hoạch đầu tiên tại "đại bản doanh" Hàm Rồng rơi vào tháng 12/2017. Toàn bộ hàng được công ty xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Bằng Tường. Nguồn thu vào thời điểm đấy chỉ khoảng 25 tỷ đồng, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 60%.
Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng con số này có thể được cải thiện khi vùng trồng ớt kết hợp với 18 loại cây ăn trái khác như thanh long, chuối, xoài... tạo nên lợi thế quy mô cho công ty khi làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài để cắt giảm các khâu trung gian.
Vườn ớt của Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu (Lào). Ảnh: HAGL. |
Tuy nhiên, chưa đầy hai năm sau, dự án trồng ớt của Bầu Đức cho thấy kết quả ngược lại.Báo cáo tài chính quý đầu năm 2019 của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu chưa đến 40 tỷ đồng và gần như không có lãi sau khi trừ giá vốn bán hàng.
Tình hình tiêu cực hơn trong ba tháng gần nhất khi vườn ớt không đóng góp doanh thu nhưng vẫn phát sinh vốn hơn 4 tỷ đồng. Việc đánh giá các tài sản không hiệu quả và chuyển đổi sang trồng các loại cây dài hạn cũng khiến công ty phát sinh chi phí hơn 300 tỷ đồng.
Bầu Đức từng cho biết, ớt được xếp vào nhóm cây trồng không đầu tư tràn lan nhưng có công lớn trong việc tạo ra dòng tiền nhanh, hỗ trợ cho giai đoạn đầu tập đoàn rẽ hướng vào mảng cây ăn trái và gia vị. Ớt bán được giá cao, nhưng nhược điểm là chỉ trồng hiệu quả một lần. Khi trồng đợt sau, chi phí cải tạo đất và tỷ lệ sâu bệnh cao, trong khi năng suất kém dần nên không thể xếp vào nhóm cây trồng chiến lược.
Giai đoạn thăng hoa nhất của hành trình trồng ớt rơi vào năm 2018 khi công ty thu về gần 500 tỷ đồng từ mặt hàng này và lãi gộp gần 360 tỷ đồng. Ớt vươn lên vị trí thứ hai về tỷ trọng đóng góp doanh thu, chỉ xếp sau các nhóm cây ăn quả chủ lực như chuối, thanh long, xoài...
Kết quả kém xa kỳ vọng ban đầu của ban lãnh đạo công ty, nhưng vẫn được đánh giá là thành công bởi "sứ mệnh" lấy ngắn nuôi dài, làm đòn bẩy cho mảng cây ăn trái trong giai đoạn đầu công ty rẽ hướng sang lĩnh vực mới nhưng không có vốn lưu động từ các tổ chức tín dụng.
Trong kế hoạch phát hành trái phiếu không chuyển đổi để huy động hơn 2.200 tỷ đồng vào giữa năm ngoái, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến rót thêm 360 tỷ đồng để trồng thêm 2.000 hecta vườn ớt. Ban lãnh đạo công ty cho biết đợt phát hành nhằm thu vốn đầu tư nông nghiệp nên tiềm ẩn 3 rủi ro lớn là thị trường tiêu thụ nông sản đối mặt với nhiều rào cản thương mại và chính sách bảo hộ; dịch bệnh; thời tiết bất thường.
Do đó, sau khi hoàn tất đợt phát hành với phần lớn nguồn tiền từ Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), Hoàng Anh Gia Lai thông báo giảm diện tích trồng mới vườn ớt còn 610 hecta. Nguyên nhân được ban lãnh đạo công ty đưa ra là muốn dồn vốn cho chuối – loại cây dễ trồng và liên tục nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu.
Phương Đông
Bầu Đức cho Hoàng Anh Gia Lai mượn 2.500 tỷ đồng
Ngoài việc báo lỗ gần 700 tỷ, báo cáo quý II của HAGL còn cho thấy Bầu Đức đang là chủ nợ cá nhân lớn ... |
Chung kết sớm V-League, chạnh lòng HAGL của bầu Đức
V-League nóng thêm với trận chung kết sớm TPHCM vs Hà Nội trên sân Thống Nhất vào cuối tuần này. HAGL của bầu Đức nổi ... |