Những ngày đầu năm 2022 này, Karate Việt Nam đón nhận tin vui khi HLV Lê Tùng Dương và VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm đều có tên trong danh sách HLV, VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2021. Việc này bắt nguồn từ thành tích giành đến 3 HCV tại Giải vô địch châu Á năm 2021 của đội tuyển Karate Việt Nam.
Xa hơn là cả một hành trình vượt khó do dịch COVID-19 gây ra để chạm đến những cột mốc mới. Dù vậy vẫn cần đến sự đầu tư xuyên suốt để Karate Việt Nam có thể duy trì thành tích, để thành công không là nhất thời.
Cột mốc mới
Sau 2 năm không tham gia thi đấu quốc tế, ngay trong lần trở lại vào cuối tháng 12 vừa qua tại Giải vô địch Karate châu Á ở Kazakhstan, đội tuyển Việt Nam đã ghi dấu ấn với việc giành đến 3 HCV ở lứa tuổi U21 và lứa tuổi trưởng thành (còn gọi là nhóm Senior).
Điều đáng chú ý là trong cả 3 tấm HCV này đều có dấu ấn của một võ sĩ là Hoàng Thị Mỹ Tâm. Cô gái từng vô địch trẻ châu Á năm 2019, vô địch Đông Nam Á năm 2019 tiếp tục tiến bộ vượt bậc với việc giành HCV hạng cân 55kg đối kháng lứa tuổi U21 và sau đó lên ngôi vô địch lứa tuổi trưởng thành.
Đến nội dung đồng đội đối kháng nữ lứa tuổi trưởng thành, cùng với các đồng đội như Hồ Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Ngoan, Hoàng Thị Mỹ Tâm cũng đóng góp vào chức vô địch của đội tuyển Việt Nam.
Như thế, cô gái người Hà Tĩnh này đã trở thành VĐV đầu tiên của Karate Việt Nam cùng giành ngôi vô địch ở tất cả nội dung tham dự tại một giải quốc tế cấp độ châu lục. Đáng lưu ý, khi tham dự Giải vô địch Karate châu Á, Hoàng Thị Mỹ Tâm vẫn thuộc đội tuyển trẻ quốc gia.
Dù vậy, khi nhận thấy khả năng phát triển của võ sĩ này, Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đã đưa cô lên thi đấu cả ở lứa tuổi trưởng thành tại Giải vô địch châu Á, dành cho những VĐV ưu tú nhất của mỗi quốc gia tham dự.
Không kể, chức vô địch đồng đội nữ đối kháng tại Giải vô địch châu Á cũng là cột mốc đặc biệt. Đó là lần đầu tiên Karate Việt Nam giành được chức vô địch nội dung này tại Giải vô địch châu Á, để từ đó thấy được độ dày về lực lượng ở nội dung đối kháng nữ của Karate Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Ông Vũ Sơn Hà, phụ trách bộ môn Karate (Tổng cục TDTT) từng nhấn mạnh rằng, đó là thành tích đặc biệt của Karate Việt Nam.
Và về mặt nào đó, định hướng và cách xây dựng lực lượng trong thời gian qua đang đi đúng hướng để khẳng định thêm về thế mạnh của Karate Việt Nam là các nội dung đối kháng nữ. Chỉ riêng sân chơi ASIAD, cả 4 tấm HCV của Karate Việt Nam đều thuộc về các võ sĩ nữ (Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Vũ Kim Anh – ASIAD năm 2002; Vũ Thị Nguyệt Ánh – ASIAD năm 2006; Lê Thị Bích Phương – ASIAD năm 2010). Ở khía cạnh khác, việc tin tưởng sử dụng đội ngũ HLV nội cũng đang mang đến hiệu ứng tích cực.
Theo ông Vũ Sơn Hà, Karate Việt Nam đang có lớp HLV nội đủ trình độ đảm đương các nhiệm vụ thi đấu quốc tế. Họ chịu khó học hỏi và luôn tiếp thu các kỹ thuật mới nên có thể đáp ứng yêu cầu huấn luyện trong bối cảnh các kỹ thuật thi đấu của Karate thế giới luôn thay đổi.
Trong khi đó, HLV trưởng đội tuyển Karate Việt Nam Lê Tùng Dương cũng nhận định rằng, đó là dấu mốc đặc biệt kể từ khi cầm quân tại đội tuyển quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh đội tuyển không thi đấu quốc tế trong suốt 2 năm.
Vẫn cần sự đầu tư quyết liệt
Thực tế, Karate Việt Nam vẫn luôn có những lứa VĐV, đặc biệt ở nội dung đối kháng và biểu diễn quyền nữ, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ ở những sân chơi châu lục và phần nào là thế giới.
Vấn đề ở đây là chỉ cần các VĐV được thi đấu liên tục thì sẽ luôn bảo đảm được yêu cầu. Rõ nhất là trường hợp võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan từng được đầu tư thi đấu quốc tế liên tục để giữ vị trí trên bảng xếp hạng 10 võ sĩ hàng đầu thế giới trong hạng cân của mình, qua đó có thể giành vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020.
Đáng tiếc, Nguyễn Thị Ngoan phải ngừng tập luyện vì lý do bất khả kháng nên kế hoạch trên không thành hiện thực. Lúc đó, quỹ thời gian không đủ để các nhà quản lý, HLV xoay chuyển kịp nên đành chấp nhận không có vé tham dự Olympic Tokyo 2020.
Dù vậy, trường hợp Nguyễn Thị Ngoan cũng là ví dụ rõ nét về việc có thể luôn bảo đảm nhiệm vụ ở sân chơi châu lục và thế giới nếu có sự đầu tư quyết liệt, xuyên suốt. Và điều đó chỉ có thể giải quyết bằng việc thi đấu cọ xát liên tục ở các giải đấu ở hệ thống thi đấu Karate thế giới. Còn việc vượt khó như trong 2 năm vừa qua khi chỉ có tập luyện và thi đấu nội bộ cũng sẽ khó tạo nên nền tảng bền vững.
Đấy là chuyện bất khả kháng và giải pháp tình thế dù rằng cách giải quyết đã thực sự linh hoạt đến mức có thể. Trong đó rõ nhất là việc tổ chức thi đấu nội bộ cũng như cách thức tổ chức giải đấu quốc gia, có trao thưởng để động viên, khích lệ, khiến VĐV bung sức để thi đấu.
Còn về lâu dài, chỉ khi các VĐV được thi đấu, tập huấn quốc tế thì mới có thể tạo nên thành công bền vững. Vấn đề chỉ còn nằm ở khâu tính toán kinh phí thi đấu, tập huấn quốc tế dành cho VĐV trọng điểm nào của Tổng cục TDTT cũng như khả năng chung tay đóng góp của đơn vị chủ quản của VĐV đến mức nào.
Bởi rõ ràng, với kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn Karate (Tổng cục TDTT) cũng chỉ có thể bảo đảm yêu cầu tối thiểu về số giải đấu quốc tế cho 1-2 VĐV trọng điểm.
Không kể, khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát cũng như nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều biện pháp thích ứng với dịch thì việc các giải đấu quốc tế bị hoãn, hủy như trong năm 2020 khó xảy ra.
Vì vậy, bằng cách nào đó, các VĐV phải được tạo điều kiện tối đa tham dự và đương nhiên, phải bảo đảm an toàn tối đa cho bản thân cũng như được quan tâm về tiêm phòng vaccine COVID-19. Nếu không, nguy cơ tụt hậu về trình độ là có thật, nhất là khi trong năm 2022, Karate Việt Nam có 2 sân chơi quan trọng là ASIAD 19 tại Trung Quốc và SEA Games 31 tại Việt Nam
Nối lại mạch giành HCV ASIAD
Lần gần nhất Karate Việt Nam giành được HCV tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) là vào năm 2010 nhờ công của nữ võ sĩ Lê Bích Phương. 2 kỳ ASIAD gần đây, Karate Việt Nam chỉ có thể giành HCB. Với thành tích tại Giải vô địch châu Á vừa qua, các nhà quản lý, HLV đội tuyển Karate Việt Nam đang hy vọng nối lại mạch giành HCV ở sân chơi ASIAD. (Minh Khuê)
Minh Hà
Bị xử ép, võ sĩ Iran cởi huy chương bỏ về, không thèm chụp ảnh lưu niệm |
Nguyễn Thị Ngoan - Từ phim kiếm hiệp đến chức vô địch karate thế giới |