John McCain trong hồi ức của cựu quản giáo nhà tù Hỏa Lò

Đại tá Trần Trọng Duyệt cho rằng thượng nghị sĩ Mỹ là người gan góc, có quan điểm vững vàng.

Nằm ở một trong những con phố ngắn nhất Hà Nội, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò như minh chứng của một thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Ở đây có hai phòng trưng bày vật dụng của John McCain và những phi công Mỹ khác từng ở nhà tù này từ năm 1964 tới 1973.

Từng là một tù binh trong nhà tù Hỏa Lò, phi công Hải quân Mỹ John McCain được biết đến là một người thẳng thắn, quyết liệt và luôn sẵn sàng tranh luận về cuộc chiến với những quản giáo Việt Nam. Một trong số này là Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội giai đoạn 1968 - 1973.

Ông Duyệt không thể quên tù binh nổi tiếng kiên quyết không thay đổi quan điểm của mình, người cuối cùng lại khiến ông ngưỡng mộ. "Chính sự gan góc, quan điểm mạnh mẽ đã khiến tôi thích tranh luận với ông ấy", vị đại tá quân đội về hưu hồi tưởng.

Trong những thập niên sau chiến tranh, John McCain - người vừa qua đời ở tuổi 81 - đã để quá khứ ngủ yên và nỗ lực không mệt mỏi nhằm thúc đẩy quá trình hòa giải quan hệ Việt -Mỹ.

john mccain trong hoi uc cua cuu quan giao nha tu hoa lo

Bộ đồ bảo hộ của John McCain được trưng bày tại nhà tù Hỏa Lò, nay trở thành một bảo tàng ở thủ đô. Ảnh: AFP.

5 năm 6 tháng của McCain trong nhà tù bắt đầu vào tháng 10/1967 khi chiếc máy bay ném bom Skyhawk của ông bị bắn hạ trên hồ Trúc Bạch, Hà Nội.

Được người dân cứu lên khi một chân và hai cánh tay bị gãy, McCain được đưa tới nhà tù Hỏa Lò, nơi có khoảng 500 tù nhân chiến tranh bị giam giữ.

McCain phải ở trong phòng giam cách ly và mắc chứng kiết lỵ. Suốt hàng tháng trời, ông chỉ ăn bánh mì và súp bí ngô. Ông giao tiếp với các tù nhân khác bằng cách gõ mật mã lên những bức tường bê tông dày.

john mccain trong hoi uc cua cuu quan giao nha tu hoa lo

Ông Trần Trọng Duyệt chỉ vào những bức ảnh tù binh chiến tranh Mỹ được treo trong nhà. Ảnh: AFP.

Lớp học tiếng Anh và những câu chuyện đùa

Trong cuốn hồi ký của mình, McCain đã viết rằng nỗi đơn độc đó khiến ông cáu kỉnh và la hét với những quản tù. Tuy nhiên, sau đó, ông tiết lộ rằng mọi thứ trở nên dễ dàng hơn vào đầu những năm 1970. Ông đọc văn bản viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được phép đi lại trong sân nhà tù với những người lính Mỹ khác.

Mối quan hệ giữa cựu quản giáo Trần Trọng Duyệt với McCain trở nên tốt đẹp hơn khi cựu phi công Mỹ sắp mãn hạn tù. "Ngoài giờ làm việc, ông ấy dạy tiếng Anh cho tôi. Kỹ năng sư phạm của ông rất đáng nể", ông Duyệt nói.

Ông Duyệt cũng ấn tượng với những kỷ niệm gần gũi, nhớ về cách ông cùng McCain trò chuyện, chia sẻ chuyện gia đình hay những chuyến du lịch.

"Chúng tôi cười với nhau và đồng ý rằng phụ nữ nơi nào cũng vậy - đều ưa nịnh, thích hờn dỗi và hay ghen", ông mỉm cười khi trả lời AFP.

john mccain trong hoi uc cua cuu quan giao nha tu hoa lo

Nhà tù Hỏa Lò ngày nay là một điểm đến lịch sử nổi tiếng với nhiều du khách nước ngoài. Ảnh: AFP.

Cựu tù binh chiến tranh

McCain rời hải quân năm 1981 để theo đuổi sự nghiệp chính trị lâu dài, với vị trí cao nhất là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Arizona. Nhưng những năm tháng trong nhà tù Hỏa Lò là điều để lại nhiều ký ức trong đời ông.

Những năm tháng thời bình, John McCain được ca ngợi nhờ quá trình hòa giải quan hệ Việt - Mỹ, hai quốc gia đã trở thành đối tác sau hơn nửa thế kỷ từ khi chiến tranh chấm dứt.

"John McCain sẽ luôn là tù binh chiến tranh, trải nghiệm này gắn liền với tên tuổi và con người của ông. Lòng cởi mở của ông với Việt Nam và những chuyến trở lại đất nước này cũng như những trải nghiệm thời chiến giúp chữa lành rất nhiều vết thương", theo Alvin Townley, tác giả cuốn Defiant về các tù binh Mỹ từng bị giam trong nhà tù Hỏa Lò.

McCain đã tới thăm Việt Nam nhiều lần sau khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 1995, thậm chí quay lại nhà tù Hỏa Lò - hiện là điểm du lịch nổi tiếng - trong cuộc gặp gỡ thân mật với một cựu tù nhân khác.

Đại tá Duyệt không có cơ hội liên lạc lại với McCain sau này, nhưng ông có thể tưởng tượng những gì mình có thể nói nếu họ gặp lại nhau. "Nếu ông ấy đến Việt Nam, tôi sẽ chào ông ấy, không phải với tâm thế là một cựu quản giáo và một tù nhân, mà là hai cựu chiến binh từ cả hai phía chiến trường, nay lại gặp nhau trong tinh thần hòa giải," ông Duyệt nói.

Khi được thông báo về sự ra đi của McCain, ông Duyệt nói vào ngày 26/8 rằng mình "rất buồn". "Nếu có thể, xin gửi lời chia buồn của tôi đến gia đình ông ấy", ông Duyệt bày tỏ.

john mccain trong hoi uc cua cuu quan giao nha tu hoa lo Nhà sử học Dương Trung Quốc: Ông John McCain là người tiên phong ‘ngoại giao cựu chiến binh’

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, ông John McCain chính là người tiên phong trong “ngoại giao cựu chiến binh”, góp phần thúc ...

john mccain trong hoi uc cua cuu quan giao nha tu hoa lo Tang lễ TNS John McCain sẽ diễn ra dưới vòm Điện Capitol

Tang lễ chính thức của Thượng nghị sĩ John McCain, người vừa qua đời hôm 25/8, sẽ được tổ chức tại Điện Capitol. Đây là ...

john mccain trong hoi uc cua cuu quan giao nha tu hoa lo GS. Tom Patterson: "McCain đã học từ người Việt Nam về lòng vị tha"

John McCain là hiện thân của những gì người ta hy vọng ở một chính trị gia, nhưng hiếm có. Ông là người đã đặt ...

/ VnExpress