Lượng mưa được dự báo 200-250 mm mỗi đợt trùng với thời điểm triều cường vượt 1,5 m, chiều tối nay TP HCM sẽ ngập nặng.
Trao đổi với VnExpress trưa 24/11, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, chỉ cần lượng mưa hơn 50 mm sẽ khiến 49 tuyến đường bị ngập. Trong đó, nghiêm trọng nhất là Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng (quận 2); Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (quận 7); Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Tỉnh lộ 10, Đường 26.
Trước khả năng bão Usagi gây mưa to (dự báo 200-250 mm mỗi đợt) trùng với thời điểm triều cường đang lên cao, Trung tâm chống ngập đã lên phương án đối phó. Khi diễn biến thời tiết có nguy cơ cao gây ngập, trung tâm sẽ phát động lệnh triển khai ứng cứu đến các đơn vị trực thuộc và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị đến từng điểm cụ thể để xử lý.
Mưa lớn kèm triều cường sẽ khiến hàng chục tuyến đường tại TP HCM ngập nặng. Ảnh: Hữu Khoa.
Hơn 500 người của đơn vị thoát nước rải đều các quận huyện, túc trực 24/24. Chỉ tính riêng công tác trực vớt rác là khoảng 160 người. Hàng chục xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm cố định và di động đều được huy động tham gia chống ngập.
"Mục tiêu là giảm ngập đến mức thấp nhất (độ sâu, phạm vi và thời gian ngập); không để xảy ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân", ông Dũng nói.
Hơn 1.000 cảnh sát túc trực hỗ trợ người dân
Đến trưa nay, UBND huyện Cần Giờ hoàn tất việc di dời hơn 4.100 người ở các vùng thấp trũng, nhà tạm, những khu vực có nguy cơ sạt lở... đến nơi an toàn. Hơn 1.000 công an, dân phòng, công chức, viên chức túc trực sẵn để hỗ trợ dân ứng phó khi có sự cố thiên tai.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 10h ngày 24/11, tâm bão Suagi ở cách đảo Phú Quý khoảng 100 km, Phan Thiết khoảng 180 km, Vũng Tàu khoảng 230 km, Bến Tre 270 km. Sức gió tối đa 100 km/h (cấp 10), giật cấp 12.
Chiều tối nay, bão đi theo hướng Tây với tốc độ 10-15 km/h. Đến 22h, tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre và giữ nguyên sức gió (tối đa 100 km/h). Sau đó, bão giữ nguyên hướng và tốc độ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 10h ngày 25/11, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền Nam Bộ với sức gió tối đa 50 km/h.
Dự báo này tương tự các đài quốc tế của Anh, Mỹ, Hong Kong. Trong đó, đài Hong Kong xác định tâm bão Usagi sẽ đi vào vùng biển Vũng Tàu, Cần Giờ rồi vào đất liền khu vực giáp ranh giữa Long An và TP HCM.
"Khu vực trọng tâm bị ảnh hưởng từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre, huyện Cần Giờ của TP HCM cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn", đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết.
Hướng đi của bão Suagi theo dự báo báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu (gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-8. Biển động rất mạnh, sóng vùng gần tâm bão cao 4-6 m, gần bờ cao 3-5 m.
Từ trưa và chiều nay, trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, khu vực ven biển gió mạnh hơn một cấp. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có thời tiết tương tự.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-500 mm mỗi đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ mưa tầm 100-200 mm.
Một đợt lũ sẽ xuất hiện trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên trong những ngày tới. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các địa phương này.
23 tuyến đường ở TP HCM bị ngập khi mưa dưới 50 mm: Mai Thị Lựu, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư, Tân Hương, Mai Hắc Đế, Lê Thành Phương, Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Công Định, Bàu Cát, Ba Vân, An Dương Vương, Quốc lộ 13, Hồ Học Lãm, Huỳnh Tấn Phát, Tân Quý, Lưu Hữu Phước 2, Mễ Cốc 2, An Dương Vương, Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm. 17 tuyến đường bị ngập khi mưa lớn hơn 50 mm: Quốc lộ 13, Phan Anh, Bạch Đằng, Lương Định Của, Lê Đức Thọ, Quốc lộ 1A, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tôn Thất Hiệp, Lương Văn Can, Gò Dưa, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Cao Văn Lầu, Lê Quang Sung, Hậu Giang. 9 tuyến đường ngập khi triều cường lên cao hơn 1,5 m: Lương Định Của, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hưởng, Xa Lộ Hà Nội, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Tỉnh lộ 10, Đường 26. |
Vì sao Nha Trang ngập nặng, sạt lở nghiêm trọng?
Đô thị hóa nhanh làm hạn chế khả năng thoát nước, mưa lớn trong thời gian ngắn tạo ra dòng chảy mạnh... đã gây ngập, ... |
Thủy triều cao kỷ lục sau 10 năm, ¾ Venice ngập nặng
Du khách và dân địa phương phải lội bì bõm trong nước để di chuyển quanh Venice hôm 29.10 sau khi thủy triều làm mực ... |
Vỡ bờ bao, nhiều nơi ở Cồn Khương ngập nặng
Triều cường lên cao gây vỡ đoạn bờ bao tại Cồn Khương, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, khiến nhiều nơi ngập nặng. |
Hữu Nguyên