- Châu Âu và Iran nói thỏa thuận hạt nhân sắp hồi sinh, Mỹ không tin
- Iran tăng tốc thông qua đạo luật để ngăn chặn nạn bạo lực đối với phụ nữ
Giới chức Iran đang cân nhắc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, trong bối cảnh khu vực này đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tình hình Ukraine.
AFP ngày 15/5 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Majid Chegeni cho biết, nước này "đang nghiên cứu" về khả năng xuất khẩu khí đốt cho châu Âu, nhưng "chưa đưa ra kết luận cuối cùng". The ông Chegeni, "Iran luôn tìm cách phát triển ngoại giao năng lượng và mở rộng thị trường".
Iran có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn. Năm ngoái, nước này xuất khẩu trung bình 20 triệu mét khối khí đốt sang Iraq mỗi ngày, và khoảng 9 triệu mét khối sang Thổ Nhĩ Kỳ, theo Tehran Times.
Tuy vậy, việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu gặp khó do các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân mà Washington rút khỏi năm 2018, còn tiến trình đàm phán cứu vãn thỏa thuận này vẫn chưa đạt kết quả.
Ông Chegeni không nói rõ liệu Tehran sẽ vượt qua các gói lệnh trừng phạt của Mỹ ra sao. Châu Âu vài tuần gần đây thể hiện mong muốn mở rộng đối tác cung cấp khí đốt, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga có thể gián đoạn do tình hình ở Ukraine.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng, giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng vọt. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi hãng vận hành đường ống Ukraine ngày 10/5 thông báo dừng trung chuyển một phần khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Liên minh châu Âu (EU) năm 2021 nhập khoảng 155 tỷ m3 khí đốt của Nga, chiếm 45% tổng lượng nhập khẩu. Trong đó, nhiều quốc gia phụ thuộc gần như hoàn toàn vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, còn đa phần nhập khẩu tới một nửa nhu cầu từ các tập đoàn mà Moscow kiểm soát.
Ngoài Iran, giới chức vùng Kurdistan của Iraq cũng đang tính toán khả năng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Tờ Rudaw dẫn lời Đại sứ Nga tại Iraq Elbrus Kutrashev nói rằng Moscow "hoàn toàn" không phản đối kế hoạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Iraq sang châu Âu.
Theo nhà ngoại giao Nga, khả năng khí đốt tự nhiên ở vùng Kurdistan được xuất sang châu Âu "không phải là vấn đề đối với Nga, mà là vấn đề đối với người châu Âu".