Đợt sóng thần cao tới 5 m cuốn trôi xe cộ, đốn ngã cây cối, phá hủy nhà cửa và khiến hơn 400 người thiệt mạng.
Những ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn sau khi sóng thần tấn công các bãi biển Indonesia đêm 22/12. Ảnh: Reuters. |
Cơ quan Khí tượng Indonesia (BMKG) hôm nay xác nhận đợt sóng thần tấn công các bãi biển thuộc eo biển Sunda đêm 22/12 cao tới 5 m, khác với thông tin được công bố trước đó là 3 m, theo Reuters. Con sóng lớn này được kích hoạt sau khi một mảng lớn tương đương 90 sân bóng đá trên sườn núi lửa Anak Krakatau trượt xuống đại dương, gây lở đất ngầm và đột ngột dồn nước biển vào bờ.
Trong thông cáo do BMKG đưa ra hôm 23/12, nhà chức trách Indonesia nói rằng độ cao của sóng thần ở nơi cao nhất chỉ là 0,9 m, các nơi khác khoảng 0,3 m. BMKG sau đó tiếp tục điều chỉnh con số này.
Sức tàn phá của đợt sóng thần cao 5 m được thể hiện rõ dọc các bãi biển, khi nhiều ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, thân cây đổ chồng chất trên đường phố và nhiều ô tô bị cuốn trôi. Nhà chức trách xác nhận 429 người thiệt mạng, 154 người mất tích, hơn 1.400 người bị thương và hàng nghìn người phải sơ tán đến những nơi cao hơn trong thảm họa này.
BMKG hôm nay cảnh báo núi lửa Anak Krakatoa đang hoạt động mạnh và yêu cầu người dân tiếp tục sơ tán tới nơi có độ cao ít nhất 500 m so với mực nước biển, cũng như tránh xa khu vực bờ biển. "Thời tiết cực đoan có thể gây sạt lở tại các vách đá ở miệng núi lửa và chúng tôi sợ rằng điều này có thể gây sóng thần", giám đốc BMKG Dwikorita Karnawati cho biết tại một cuộc họp báo.
BMKG đã phát triển hệ thống giám sát chú trọng tới các rung chấn núi lửa ở Anak Krakatau để có thể đưa ra cảnh báo sớm. "Chừng nào núi lửa còn hoạt động, người dân vẫn cần phải cảnh giác", Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia, nhấn mạnh.
Hiện 371 nhân viên tìm kiếm cứu nạn Indonesia đang làm việc tại các bờ biển vừa trải qua thảm họa. Họ đều mặc áo phao để đề phòng trường hợp sóng thần có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế ở Indonesia cho biết số người chết và bị thương sẽ còn tăng lên.
Anak Krakatau (Con của Krakatau) xuất hiện từ tàn tích của núi lửa Krakatau và nổi lên khỏi mặt biển từ năm 1928. Núi lửa này cao khoảng 305 m, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây đảo Java 80 km và bắt đầu hoạt động hồi tháng 6.
Khi còn hoạt động, Krakatau từng phun trào vào năm 1883 và gây loạt sóng thần khiến 36.000 người thiệt mạng và tro bụi của nó khiến nhiệt độ bề mặt toàn cầu giảm 1 độ C.
Indonesia cảnh báo miệng núi lửa sụp đổ, gây sóng thần lớn
Nhà chức trách Indonesia cảnh báo người dân tránh xa các bờ biển gần nơi núi lửa Anak Krakatau đang phun trào. |