Trước những gia tăng căng thẳng gần đây trên Biển Đông, Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục cùng ASEAN bác bỏ các yêu sách hàng hải phi lý trên Biển Đông.
Tại buổi họp báo ngày 22/10, nữ Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, trong thời gian đại dịch xảy ra, Indonesia tiếp tục bảo vệ vùng biển Natuna khỏi điểm nóng của xung đột Biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Indonesia) |
Bà Marsudi nói: “Ngoài việc thực thi pháp luật nhất quán, Indonesia cùng với các nước ASEAN khác đã ghi nhận lập trường vững chắc về việc bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 thông qua các công hàm ngoại giao gửi lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về ranh giới của thềm lục địa”.
Biển Đông đã trở thành vùng biển dễ xảy ra xung đột sau khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với gần 90% vùng biển này. Yêu sách của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia.
Indonesia không phải là quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, hoạt động của một số tàu đánh cá Trung Quốc và các cuộc tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia càng khiến Jakarta quan ngại. Indonesia đã hai lần gửi công hàm phản đối “đường 9 đoạn” và các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc.
Theo Ngoại trưởng Indonesia, trong vấn đề chủ quyền, ngoại giao có tác dụng ngăn chặn các hành động gây tổn hại đến sự toàn vẹn của Cộng hòa Indonesia. Do vậy, Indonesia đã tiến thành 13 cuộc đàm phán về lãnh thổ trong năm qua. Trong đó, đàm phán lãnh thổ với Malaysia đã có tiến triển và đang trong giai đoạn hoàn thiện về kỹ thuật.
Ngoại trưởng Indonesia cho biết, Indonesia đang cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao bền vững với các nước Thái Bình Dương bằng cách ưu tiên tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ.
Việt Nam tái khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN về Biển Đông tại LHQ
Việt Nam nhấn mạnh cần tránh các hành động gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình ... |