Indonesia bỏ bài kiểm tra trinh tiết gây tranh cãi với nữ tân binh

Tham mưu trưởng lục quân Indonesia xác định quân đội nước này sẽ chấm dứt bài kiểm tra gây tranh cãi với các nữ ứng viên ghi danh gia nhập lực lượng.

"Việc màng trinh bị rách hay rách một phần từng là một phần của bài kiểm tra. Giờ sẽ không còn điều đó nữa", Andika Perkasa - Tham mưu trưởng quân đội Indonesia cho biết.

Tháng trước, ông Andika khẳng định quy trình tuyển chọn các nam và nữ tân binh cần phải bình đẳng.

Hôm 11/8, người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết lực lượng này vẫn kiểm tra các nữ tân binh về việc họ có mang thai hay không, nhưng sẽ không còn bài kiểm tra trinh tiết.

Indonesia bỏ bài kiểm tra trinh tiết gây tranh cãi với nữ tân binh - 1
Quân đội Indonesia bỏ bài kiểm tra trinh tiết với nữ tân binh. (Ảnh: Reuters)

"Cả nam giới và phụ nữ đều phải trải qua các bài kiểm tra giống nhau", ông Widjojono nói thêm.

Trong khi đó Indan Gilang, người phát ngôn của lực lượng không quân khẳng định các bài "kiểm tra trinh tiết" không còn tồn tại trong thuật ngữ của lực lượng này. Tuy nhiên, các nữ tân binh sẽ phải khám sản để kiểm tra có mắc u nang hoặc những biến chứng khác có thể ảnh hưởng đến năng lực thực hiện nhiệm vụ hay không.

Các nhóm nhân quyền lên tiếng hoan nghênh sau các tuyên bố này.

Andreas Harsono, nhà nghiên cứu Indonesia tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng "đây là quyết định đúng đắn" vì các bài kiểm tra trinh tiết là "sự phân biệt đối xử và gây tổn thương".

Bài kiểm tra tinh tiết ở Indonesia thường được gọi là "kiểm tra bằng hai ngón tay". Với phương pháp kiểm tra thủ công, các bác sĩ sẽ xác định trinh tiết của các nữ ứng viên quân đội và cảnh sát, chủ yếu trong độ tuổi 18-20 và vừa tốt nghiệp trung học có còn hay không.

Trên thực tế, phương thức kiểm tra này tồn tại hàng chục năm và trở thành cơn ác mộng với không ít cô gái nuôi ước mơ đứng trong quân ngũ của Indonesia. Không chỉ có các nữ quân nhân, hôn thê của các nam quân nhân cũng phải trải qua bài kiểm tra tương tự.

HRW từng nhiều lần kêu gọi quân đội Indonesia chấm dứt bài kiểm tra này.

Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định cách làm này hoàn toàn không có căn cứ khoa học trong khi HRW nói những ứng viên mà họ từng phỏng vấn cảm thấy tủi hổ, đau đớn và bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề nếu bị đánh trượt. Kể cả với những người được thông qua, đây cũng không phải là điều gì đó quá đáng tự hào.

Đáp trả những lời chỉ trích này, Tư lệnh quân đội Indonesia, Tướng Moeldoko khi đó vẫn khăng khăng bảo vệ bài kiểm tra này khi nói rằng đó là điều đúng đắn và không có gì đáng để lên án.

Vị quan chức quân đội Indonesia cho rằng dù kết quả bài kiểm tra không đánh giá được năng lực của nữ ứng viên, nhưng sẽ đảm bảo sự chính trực của nữ quân nhân xứng đáng với trọng trách bảo vệ đất nước.

Người phụ trách các vấn đề thông tin của quân đội Indonesia thời điểm đó, Tướng Fuad Basya cũng nhấn mạnh, nếu không thực hiện hoạt động này, rất có thể những người có thói quen xấu sẽ nghiễm nhiên lọt vào hàng ngũ quân đội.

"Nếu một ứng viên không còn trinh tiết, có nghĩa là sức khỏe tinh thần của người này có vấn đề", ông này nhận định.

SONG HY (Nguồn: Reuters)

Mỹ - Indonesia tổ chức ‘đối thoại chiến lược’, cam kết tự do hàng hải Biển Đông Mỹ - Indonesia tổ chức ‘đối thoại chiến lược’, cam kết tự do hàng hải Biển Đông
Mỹ và Indonesia tập trận quy mô lớn chưa từng có Mỹ và Indonesia tập trận quy mô lớn chưa từng có

/ vtc.vn