Huyền thoại 'nhà thầu khoán' Dinh Độc lập và hầm vũ khí bí mật chấn động lịch sử

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Trần Văn Lai một mình chuyển hàng chục tạ vũ khí tập kết an toàn giữa lòng địch góp phần làm nên chiến thắng Tết Mậu Thân 1968.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, để có thể tung ra những đòn đánh táo bạo ngay giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, lực lượng biệt động phải xây dựng nhiều cơ sở bí mật, với vỏ bọc tinh vi. Với lớp vỏ bọc là một nhà thầu khoán nổi tiếng, chuyên nhận các công trình của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, trong đó cả Dinh Độc Lập, ông Trần Văn Lai có điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ tình báo tối mật.

Chương trình Mật Danh của VOV1 khắc hoạ phần nào chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai - còn được biết đến với biệt danh “Năm Lai” hoặc cái tên trong vỏ bọc: nhà thầu khoán Mai Hồng Quế.

Ngôi nhà số 287/70 đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM) – nơi ông và người vợ thứ hai là bà Đặng Thị Thiệp (tên thật Đặng Thị Tuyết Mai) từng sinh sống – chính là một trong những cơ sở đặc biệt. Tại đây, một phần quan trọng trong kế hoạch tấn công Dinh Độc Lập và bốn mục tiêu trọng yếu khác trong dịp Tết Mậu Thân 1968 được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Để có vũ khí cho trận đánh chiến lược ngay giữa nội đô, ông Trần Văn Lai lên kế hoạch đào hầm bí mật dưới các căn nhà do mình đứng tên. Việc đào hầm bắt đầu từ năm 1965, hoàn thành vào năm 1966. Bà Đặng Thị Thiệp là người duy nhất được ông tin tưởng chia sẻ kế hoạch này.

Ông Trần Văn Lai tại căn hầm vũ khí bí mật giữa lòng thành phố.

Ông Trần Văn Lai tại căn hầm vũ khí bí mật giữa lòng thành phố.

“Năm 1965 là tôi đào hầm với ông ấy. Phá dỡ ngôi nhà để lấy cớ sửa sang, khi ấy dân chúng không ai nghi ngờ. Đào từ trên xuống, làm chắc chắn lắm. Năm 1966 là xong hầm", bà Thiệp kể lại.

Căn hầm có thể chứa 15 người, hơn hai tấn vũ khí, cùng lối thoát hiểm và hệ thống thông khí. Lối vào hầm được che giấu dưới sàn nhà thông thường. Mắt thường khó nhận ra giữa những viên gạch bông với nắp hầm gần cầu thang và có chốt vặn ở giữa để mở, kích thước nắp là 60 cm x 40 cm.

Sau khi hoàn tất, căn hầm được cấp trên trực tiếp kiểm tra và đánh giá đạt yêu cầu. Từ năm 1967, ông Lai tổ chức nhiều chuyến vận chuyển vũ khí từ căn cứ Củ Chi vào giấu trong hầm. Tất cả các hoạt động đều được thực hiện bí mật và khéo léo. Vũ khí được ngụy trang trong các vật dụng sinh hoạt đời thường như ván gỗ khoét rỗng, giỏ hoa hay sọt trái cây để qua mắt quân địch.

Hàng tấn vũ khí được bí mật cất giấu an toàn ngay giữa trung tâm Sài Gòn mà không bị phát hiện. Đó chính là yếu tố quyết định giúp lực lượng biệt động có đủ hỏa lực đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, đồng thời hỗ trợ cho các mục tiêu khác trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Với vai trò là nhà thầu khoán thường xuyên ra vào Dinh Độc Lập, ông Lai tận dụng vỏ bọc để vẽ sơ đồ chi tiết, theo dõi hoạt động của địch, tổ chức đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu, thậm chí chuyển cả tiền vàng về phục vụ cách mạng.

 

6 năm kiên trì chuẩn bị dưới sự chỉ đạo của Quân khu ủy, ông lập nên những chiến công tình báo thầm lặng mà đặc biệt hiệu quả.

Trong mắt hàng xóm, ông Lai chỉ là ông Mai Hồng Quế - nhà thầu khoán điển trai, hào hoa, lịch lãm – nguyên mẫu cho nhân vật ông chủ hãng sơn trong bộ phim nổi tiếng Biệt động Sài Gòn. Chỉ sau này, khi sự thật được tiết lộ, mọi người mới biết đó chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai – người đã sống và chiến đấu âm thầm giữa lòng địch suốt nhiều năm.

Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, chính quyền Sài Gòn tăng cường đàn áp, hàng loạt cơ sở cách mạng bị phá vỡ. Vỏ bọc Mai Hồng Quế của ông cũng bị lộ. Ông phải rút khỏi Sài Gòn, toàn bộ tài sản gây dựng dưới lớp vỏ bọc bị tịch thu. Chính quyền ngụy treo thưởng tới 2 triệu USD để bắt được ông.

Bà Thiệp nhớ lại: “Khi đó gia đình phải liên tục thay chỗ ở. Các con không được mang họ cha, phải gọi ông là ‘bác Năm’. Ông Lai về quê tôi ở Quảng Ngãi lánh nạn. Năm 1972, bị địch bắt dưới tên giả Phạm Sửu, giam ở Chi khu Sơn Tịnh, tra tấn dã man.

Tôi một mình nuôi đàn con, còn phải lo giấy tờ chứng minh ông bị bệnh tâm thần để cứu ông. Không khai thác được gì, họ buộc phải thả, nhưng vẫn theo dõi ông sát sao".

Sau ngày giải phóng, ông Lai tiếp tục công tác tại Bộ Tư lệnh TP.HCM rồi chuyển về Phòng Tổng kết chiến tranh. Là thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe, ông nghỉ hưu năm 1981 và qua đời năm 2002.

Năm 2015, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hai người vợ của ông – bà Chinh được công nhận liệt sỹ, bà Thiệp được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai.

Câu chuyện của ông Trần Văn Lai là một trong vô vàn huyền thoại Biệt động Sài Gòn được tái hiện qua phim ảnh, sách vở, và đặc biệt là các “địa chỉ đỏ” còn tồn tại đến hôm nay. Những di tích như căn hầm chứa vũ khí, chiếc xe đạp Peugeot Pháp, những lon sữa giấu tài liệu, hay chiếc máy đánh chữ trong văn phòng Tổng thống Sài Gòn – đều là những chứng tích sống động.

Tại Bảo tàng Thái Bình, chiếc xe Volkswagen trắng mang biển số EL6899 từng được ông Lai sử dụng vẫn đang được trưng bày. Đây vật chứng cho thấy sự hóa thân trọn vẹn trong vai trò “ông thầu khoán” thành đạt giữa lòng địch.

Anh Trần Trọng Nghĩa – cháu nội ông – xúc động chia sẻ: “Khi được nghe chính các cô chú là nhân chứng sống kể lại, chúng tôi càng hiểu và cảm nhận rõ sự hy sinh lớn lao của cha ông để giành được độc lập hôm nay". Những người con, cháu của lực lượng biệt động đang nỗ lực lưu giữ, bảo tồn và truyền lại ngọn lửa truyền thống đó cho thế hệ mai sau.

Trong chuyến thăm căn hầm chứa vũ khí ngày 31/1/2018, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết lưu bút bày tỏ sự “ngưỡng mộ và cảm kích trước tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”. Cố Tổng Bí thư cũng đề nghị thành phố cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn các di tích để vừa phát huy giá trị lịch sử, vừa là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Những “địa chỉ đỏ” như căn hầm ở ngôi nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là chứng tích của một thời chiến đấu oanh liệt, mà còn là biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, trí tuệ sắc sảo và sự hy sinh thầm lặng vì độc lập tự do của Tổ quốc.

https://vtcnews.vn/huyen-thoai-nha-thau-khoan-dinh-doc-lap-va-ham-vu-khi-bi-mat-chan-dong-lich-su-ar943798.html

Lê Chi / VTC News