Việc đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu công khai sẽ bảo đảm tính minh bạch, vừa thu được tiền về ngân sách vừa không gây ô nhiễm môi trường
Thủ tướng vừa ký quyết định quy định việc tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu bảo đảm chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.
Nên làm
Theo đó, cơ quan chuyên môn sẽ xác định thuốc lá bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không bảo đảm chất lượng hoặc bảo đảm chất lượng. Nếu không bảo đảm chất lượng thì tiêu hủy, bảo đảm chất lượng thì bán đấu giá để xuất khẩu ra nước ngoài theo quy định về pháp luật đấu giá tài sản, tiền thu được sẽ nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước và được sử dụng để phục vụ công tác giám sát, quản lý, phòng, chống buôn lậu thuốc lá.
Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu tại An Giang Ảnh: THỐT NỐT
Bình luận về quyết định trên, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm ủng hộ. Theo ông, việc tiêu hủy thuốc lá lậu được thực hiện từ trước đến nay gây ra 3 thiệt hại: Tốn tiền ngân sách; ô nhiễm môi trường; có thể tiềm ẩn nguy cơ gian lận, không minh bạch. "Giải pháp đấu giá là công khai sẽ bảo đảm tính minh bạch, vừa thu được tiền về ngân sách vừa không gây ô nhiễm môi trường" - ông Phong nói.
Mở rộng ra với các mặt hàng khác, ông Phong cho rằng nhiều mặt hàng quý hiếm, cấp cao có giá trị rất lớn. Nếu bắt giữ được các mặt hàng này thông qua các vụ buôn lậu và tiêu hủy thì gây lãng phí không nhỏ. Do đó, việc mở rộng thí điểm với các mặt hàng nhập lậu khác là hoàn toàn nên làm. Chỉ những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không có giá trị sử dụng, gây hại cho sức khỏe con người… thì mới tiêu hủy.
Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng cần có biện pháp kiểm soát để tránh tiêu cực trong việc đấu giá và xuất khẩu thuốc lá lậu đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, không cho tái xuất bằng đường bộ và đến các nước có chung đường biên giới đất liền; chỉ cho phép tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Ngoài ra, các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan kiểm soát chặt chẽ việc tái xuất, không để tình trạng thẩm lậu trở lại thị trường nội địa.
Địa phương kêu khó
Ông Lê Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang, cho biết để phân biệt đâu là thuốc lá giả hay kém chất lượng thì ở địa phương chưa thể làm được, cần hỗ trợ của các ngành chuyên môn. Phần lớn những vụ bắt giữ đối với mặt hàng này đều thông qua cảm nhận của người tiêu dùng hoặc người dân sống gần nơi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng trình báo. Riêng lực lượng QLTT chỉ phát hiện hàng lậu bằng cảm quan hoặc bằng nhãn mác bên ngoài.
Còn ông Nguyễn Hoàng Vân, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh An Giang, cho biết trong năm 2017, các đơn vị chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh này bắt giữ hơn 1,4 triệu gói thuốc lá nhập lậu và tiêu hủy hơn 1 triệu gói. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã chi hỗ trợ cho các đơn vị 2,53 tỉ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm nay, Chi cục QLTT làm đầu mối thu gom, tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu của các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh với tổng số hơn 652.000 gói. Do giá mặt hàng này còn chênh lệch khá lớn giữa 2 nước nên gia tăng hoạt động buôn lậu. Các đối tượng tham gia vác thuê vẫn khá đông do chưa có nghề nghiệp ổn định nên sẵn sàng tiếp tay cho buôn lậu. Trong khi đó, các đối tượng đầu nậu, người buôn bán thuốc lá được tổ chức hết sức tinh vi và hình thành đường dây vận chuyển qua biên giới rồi sau đó cất giấu, giao hàng cho người bán trong nội địa.
"Trước mắt, kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành trung ương rà soát trang bị cho các lực lượng chống buôn lậu tại địa phương các phương tiện, công cụ hỗ trợ như ca-nô, camera hồng ngoại, ống nhòm ban đêm, súng bắn đạn cao su để đạt hiệu quả cao hơn" - ông Vân nói.
Phức tạp Ông Đào Thế Sơn, giảng viên Khoa Kinh tế - Luật Trường Đại học Thương mại, cho rằng việc đấu giá trên thực chất có thể không đem lại nhiều hiệu quả. Cụ thể, với thuốc lá, 80%-90% thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam thuộc 2 nhãn hiệu Jet, Hero và chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Campuchia lân cận vừa không có nhu cầu lớn với 2 loại thuốc lá này, vừa có giá bán rất rẻ so với Việt Nam nên việc xuất khẩu sang sẽ không khả thi. Thậm chí, vì giá rẻ nên thuốc lá Campuchia còn "nhăm nhe" tràn vào Việt Nam. "Trong đợt đi khảo sát gần đây nhất, chúng tôi tới 8 tỉnh nhập lậu nhiều thuốc lá thì chỉ có 2 tỉnh đề xuất đấu giá để xuất khẩu. Các tỉnh còn lại không mặn mà bởi tìm chỗ bán không dễ, định giá cũng khó khăn, xuất đi giá rẻ mà chi phí rất lớn… Mặt khác, tuy chưa có bằng chứng về mặt an ninh nhưng vẫn đề phòng nguy cơ hình thức đấu giá để tái xuất chỉ là cái vỏ còn thực chất lại thẩm lậu vào thị trường trong nước. Chưa kể trước đây đã thí điểm đấu giá rồi và trong báo cáo tổng kết 2 năm thí điểm thì số tiền thu được không lớn" - ông Sơn phân tích thêm. Tương tự với các mặt hàng khác, ông Sơn cho rằng cái khó là phải quản lý được đối tượng đấu giá, hình thức bán, cần thẩm định được giá trị, chất lượng còn lại của sản phẩm cũng như giá cả. Đó là quy trình rất phức tạp, khó tránh tiêu cực. |
Bắt 170 tấn thịt trâu Trung Quốc: Quái đản siêu rẻ
Nếu như thịt trâu, bò tươi các lò mổ đổ cho nhà hàng cũng phải 230.000đ/kg thì giá thịt đông lạnh chỉ hơn 100.000đ. |
Tri ân khách, nhà hàng lẩu cho người mẫu mặc bikini phục vụ
Để tri ân khách hàng, một nhà hàng lẩu tại TP Hợp Phì, tỉnh An Huy - Trung Quốc đã nghĩ ra một cách táo ... |
Nhật Bản phát hiện tàu chở dầu Triều Tiên tuồn hàng lậu
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra những bằng chứng cho thấy tàu chở dầu mang quốc kỳ Triều Tiên giao dịch với một tàu ... |