Thời điểm “nguy kịch” nhất đối với PVN (năm 2016 - 2017) đã qua, nhưng cũng mới chỉ ở mức “nhẹ nhõm đôi chút”. Quan trọng nhất là giá dầu đã tăng trở lại, hàng loạt biện pháp cấp bách trong tái cơ cấu Tập đoàn, đổi mới cách quản lý, tiết giảm chi tiêu… được thực hiện từ đầu năm 2017 đã phát huy tác dụng.
Bài cuối: Làm gì để đột phá?
Hàng loạt khó khăn
PVN đang phải đối mặt với những khó khăn gì?
Trước hết là khó khăn trong việc thực hiện Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn
Luật Dầu khí đầu tiên được ban hành 1993 khi mới mở cửa, bắt đầu giai đoạn phát triển của ngành dầu khí. Tuy đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 nhưng chưa được đánh giá tổng kết sau 25 năm thực hiện để rút ra những nội dung không còn phù hợp với thực tế, cản trở sự phát triển của hoạt động dầu khí như: Luật Dầu khí hiện hành chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí); chưa có các điều khoản điều chỉnh hoạt động khâu trung nguồn và hạ nguồn (khác biệt với các nước, các giai đoạn và nội dung quản lý nhà nước); chưa có điều khoản khuyến khích phù hợp đối với các đối tượng dầu khí phi truyền thống (khí than, khí sét, băng cháy…) nên chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực này. Trong thời gian vừa qua, một số hợp đồng cho đối tượng khí than và khí sét đã được ký trên cơ sở các điều kiện khuyến khích tối đa áp dụng cho đối tượng dầu khí truyền thống nhưng còn chưa tương xứng và phù hợp đối với các đối tượng dầu khí phi truyền thống.
Thực tế triển khai hoạt động dầu khí từ khi ban hành Hợp đồng dầu khí mẫu (ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP) đến nay cho thấy, nhà thầu rất khó chấp nhận quy định về ổn định tại hợp đồng mẫu mới và rất khó khăn cho Tập đoàn trong việc thuyết phục nhà thầu tuân thủ quy định này. Về lâu dài, quy định như vậy là một rào cản lớn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí. Các nước có ngành dầu khí phát triển đã áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu. Cụ thể như quy định mức thu hồi chi phí trong tương quan với các yếu tố khác như mức đầu tư hoặc chi phí chưa được thu hồi, áp dụng mức thuế tài nguyên, tỉ lệ chia dầu khí lãi ưu đãi đối với lượng dầu gia tăng do áp dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất- Cánh chim đầu đàn của công nghiệp Lọc - Hóa dầu Việt Nam |
Khó khăn nữa là về các các quy định liên quan đến đầu tư ra nước ngoài.
Theo Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật Quản lý vốn số 69/2014/QH13 ngày 26.11.2014) và Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15.11.2017 về quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí thì mọi dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN đều phải được cấp trên (cơ quan đại diện Chủ sở hữu (Bộ Công thương) hoặc Thủ tướng Chính phủ đối với Dự án có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên hoặc trình Quốc hội đối với Dự án có vốn từ 20.000 tỷ đồng trở lên, quyết định chủ trương đầu tư. Quy định về vai trò trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu là hết sức cần thiết, song cũng cần phải có những nghiên cứu cụ thể, cần nhắc những điều chỉnh phù hợp để tăng tính chủ động, chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, đáp ứng tiến độ đầu tư (thời gian hoàn thiện thủ tục dài), trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Luật cũng chưa có qui định rõ ràng cho việc phân cấp thẩm quyền đối với doanh nghiệp là công ty con của PVN thực hiện đầu tư ra nước ngoài.
Luật Đầu tư 2014 được ban hành ngày 26.11.2014 và có hiệu lực từ 1.7.2015 chỉ quy định thẩm quyền cho việc quyết định chủ trương/quyết định đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí là hoạt động rủi ro, việc quyết định chuyển nhượng, tái cấu trúc hoặc kết thúc dự án... đúng lúc, đúng thời điểm là hết sức quan trọng nhưng không được Luật quy định cấp có thẩm quyền nên sẽ lúng túng trong thực hiện và doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được. Đồng thời, Luật đầu tư cũng quy định đòi hỏi mọi thay đổi về địa điểm, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, nguồn vốn, tiến độ... đều phải thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Trong khi dự án dầu khi có tính rủi ro cao và có tính mở tương đối nên nhà đầu tư khó có thể hoạch định được chính xác 100% trong giai đoạn tiền đầu tư.
Theo quy định của Điều 52 - Luật Xây dựng (Luật số 50/2014/QH13) thì đối với các dự án nhóm A, trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng làm cơ sở xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dự án điện đã được duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Theo quan điểm của PVN, đây là các dự án điện quan trọng, bắt buộc phải triển khai phù hợp tới tiến độ Quy hoạch để bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, với các dự án đã được duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cần cân nhắc có nên điều chỉnh bỏ quy định phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng sẽ giảm bớt các thủ tục, thời gian và chi phí.
Một khó khăn nữa là khó khăn trong bảo lãnh Chính phủ và thu xếp vốn cho các dự án
Do quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13.10.2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 22% phần lợi nhuận sau thuế chỉ được trích lập 3 quỹ (khoảng 30% giá trị lợi nhuận sau thuế), phần còn lại nộp hết vào ngân sách nhà nước; do đó phần để lại cho doanh nghiệp nói chung và PVN nói riêng không đủ thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư nên việc yêu cầu bảo lãnh là bắt buộc và khách quan.
Và không thể không nói đến việc nhiều mỏ dầu ở các khu vực cận biên mà PVN khai thác đang dần cạn kiệt theo quy luật, và cũng đã khai thác quá lâu. Chưa bao giờ PVN lại phải dùng đến những từ như “khai thác kiểu đi mót khoai”; “khai thác vét”... Trong khi đó việc tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng ở vùng nước sâu xa bờ lại vấp phải sự cản trở quyết liệt của nước ngoài... Đây là yếu tố quan trọng nhất, thậm chí có tính quyết định tới định hướng phát triển của PVN trong tương lai. Một yếu tố nữa cũng gây khó khăn cho việc tìm kiếm thăm dò ở vùng nước sâu là phải có vốn cực lớn, có thiết bị công nghệ hiện đại - đặc biệt là phải có những giàn khoan có khả năng hoạt động ở mực nước sâu trên một nghìn mét... Bên cạnh đó là khả năng rủi ro rất cao...
Vì vậy, PVN phải tham mưu cho Chính phủ sớm có chiến lược Biển Đông cho dầu khí để phát huy tối đa tính chủ động và hiệu quả.
Việc cần làm
Với những “khó khăn chồng chất khó khăn “như thế, vậy con đường nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển tới đây?
Chính xác là chỉ có một con đường: Chính phủ và các bộ có liên quan cần khẩn trương triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng đã ban hành về định hướng phát triển ngành dầu khí những năm sắp tới. Đặc biệt quan tâm đến hai yêu cầu cực kỳ quan trọng và có tính quyết định tới vận mệnh trong tương lai của PVN là: Xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm quyền chủ động cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; bảo đảm vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường…
Như vậy, “việc cần làm ngay” là phải sửa đổi Luật Dầu khí, phải xác định cho rõ PVN cần cơ chế đặc thù thì là đặc thù cho khâu nào? Và để PVN vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường thì các cơ chế, chính sách kèm theo là gì?
Còn về phía Tập đoàn Dầu khí, cần tăng cường tuyên truyền về những khó khăn, thách thức, đối với PVN nhằm tạo sự đồng thuận. Chúng ta cũng cần thẳng thắn nêu ra những gì là ưu điểm, thành công, và đâu là hạn chế, yếu kém. Đặc biệt cần làm rõ đặc tính kinh tế - kỹ thuật đặc thù của ngành dầu khí, nhất là trong khâu khai thác thăm dò.
Một việc rất quan trọng mà lãnh đạo PVN đang triển khai quyết liệt là đẩy mạnh việc cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Vừa qua PVN đã rất thành công trong việc cổ phần hóa ba đơn vị lớn là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), tới đây sẽ tiếp tục tái cơ cấu Công ty mẹ theo hướng tinh gọn - hiệu quả.
Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã “xắn tay áo” cùng PVN tháo gỡ dần những rào cản… Với những gì mà Đảng, Chính phủ đang làm để cho PVN phát triển bền vững và những gì lãnh đạo PVN đang triển khai, chúng ta hoàn toàn tin được là PVN sẽ có những bước phát triển mang tính đột phá, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, của nhân dân.
Nguyễn Như Phong
Tính đặc thù của ngành dầu khí
Gần đây có dư luận cho rằng, khai thác dầu khí là ngành “độc quyền” nên “hơi một tí” là đòi phải có “đặc ... |
Hướng đi nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Người dầu khí lao động như thế nào?
Một thời kỳ dài, được vào làm việc ở PVN là ước mơ của không ít người, đặc biệt là ở các đơn vị tìm ... |
Hướng đi nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Non trẻ nhưng vinh quang
Trong lĩnh vực năng lượng, nước ta có ba tập đoàn chủ lực đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập ... |