Hùng Dũng và cái vung tay truyền lửa cho U23 Việt Nam vào chung kết SEA Games 31

Ngọn lửa nhiệt huyết của Hùng Dũng là điểm sáng hiếm hoi trong trận đấu mà U23 Việt Nam không thể hiện được sự vượt trội chuyên môn trước U23 Malaysia.

Gặp U23 Malaysia ở bán kết là thử thách vừa dễ thở, vừa khó nhằn với U23 Việt Nam. Dễ là bởi đối phương không có cầu thủ nổi trội, thiếu kinh nghiệm quốc tế và cũng không có ngôi sao kiểu đàn anh dẫn dắt lối chơi. Nhưng khó là bởi đối thủ có đội hình đồng đều, đá kiểu tập thể, thậm chí chơi "chết bỏ" đúng với tinh thần kiêu hãnh của tuổi trẻ. 

U23 Việt Nam có thời điểm hoang mang trước lối chơi không e sợ của đối thủ, song cũng tận dụng được điểm yếu kinh nghiệm nơi U23 Malaysia để có bàn thắng quý như vàng nhờ công của bộ đôi Hùng Dũng, Tiến Linh.

90 phút bế tắc

HLV Park Hang Seo đã "đọc vị" lối chơi của U23 Malaysia trước trận khi phân tích đối thủ có 2 trung vệ thường xuyên dâng cao làm bóng, tạo khoảng trống cho hai cánh đẩy cao và đội hình nương theo hướng bóng để từ từ dâng lên.

Ông cũng ngầm đánh giá U23 Malaysia không quá mạnh ở khâu phòng ngự khi nêu dẫn chứng U23 Malaysia thủng lưới 6 bàn ở vòng bảng, 3 trong số này đến trước U23 Lào và U23 Campuchia. 

Tuy nhiên, lường được lối chơi là một chuyện, hóa giải được hay không là chuyện khác. U23 Malaysia đã trình diễn lối chơi mà U23 Việt Nam từng phải đương đầu ở vòng bảng. Họ đá rát, áp sát nhanh và bao vây chặt tuyến giữa kiểu U23 Myanmar, nhưng sẵn sàng lùi về dựng bê tông với đủ 11 cầu thủ kiểu U23 Philippines.

U23 Malaysia không giấu ý đồ phòng ngự, phá lối chơi, đưa trận đấu vào loạt đá luân lưu. Gặp đối thủ không có ý muốn chơi bóng đúng nghĩa, U23 Việt Nam một lần nữa được trao quả bóng vào chân.

Hùng Dũng và cái vung tay truyền lửa cho U23 Việt Nam vào chung kết SEA Games 31 - 1

U23 Việt Nam có trận đấu khó khăn. (Ảnh: Ngọc Anh) 

Dù vậy, với cách bố trí con người ở trận này, dễ thấy HLV Park Hang Seo thực ra không giấu bài. Ông đã dùng hết tài nguyên hiện có, cả về nhân lực lẫn lối chơi, nhưng U23 Việt Nam vẫn chơi bế tắc, không có nổi một khuôn mẫu vận hành lối chơi hoàn chỉnh.

Những quả tạt từ hai biên của Văn Xuân, Văn Đô cho thấy U23 Việt Nam rất thiếu ý tưởng. Những pha tấn công có đường nét, đơn cử như cú căng ngang của Văn Đô cho Tiến Linh, hay pha chọc khe của Mạnh Dũng cũng cho Tiến Linh, chỉ xuất hiện thưa thớt, phần lớn đến từ nỗ lực cá nhân hơn bài bản chiến thuật.

Sự bế tắc đeo bám U23 Việt Nam suốt 90 phút, càng tiếp thêm tinh thần cho một U23 Malaysia vốn đã xác định tinh thần chơi đến đâu hay đến đó từ trước. Nhưng, khi khó khăn bủa vây U23 Việt Nam, một lần nữa giá trị của kinh nghiệm đã lên tiếng. Đó cũng là lằn ranh duy nhất minh định khác biệt giữa U23 Việt Nam và đối thủ ở trận này.

Ngọn lửa của Hùng Dũng 

Quả đá phạt trực tiếp của Hùng Dũng cho Tiến Linh ghi bàn có thể xem như chuẩn mực. Bóng đi vừa tầm, có điểm rơi và rót xuống đúng đà băng vào của Tiến Linh. Nó giá trị hơn nhiều so với cả chục quả tạt vu vơ, không có địa chỉ trước đó mà Văn Đô, Văn Xuân thực hiện trong cả trận.

Đó cũng là khác biệt đẳng cấp của cầu thủ đã cùng HLV Park Hang Seo chinh chiến nhiều giải lớn từ năm 2018 đến nay. Mọi pha xử lý của Hùng Dũng đều có ý đồ và kỹ thuật đủ tốt để cụ thể hóa ý đồ ấy.

Nó khác với sự vội vàng trong lối chơi của dàn cầu thủ U23, khi hoặc cầu thủ có ý đồ mà không thực hiện được, hoặc tung ra một đường chuyền, một quả tạt mà không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Hùng Dũng và cái vung tay truyền lửa cho U23 Việt Nam vào chung kết SEA Games 31 - 2

Hùng Dũng tạo ra khác biệt. (Ảnh: Ngọc Anh) 

Hùng Dũng đã in dấu giày vào 3 bàn của U23 Việt Nam tại SEA Games 31. Trong 7 bàn U23 Việt Nam ở giải này, có tới 4 bàn được ghi hoặc kiến tạo bởi các cầu thủ quá tuổi. Chỉ 3 bàn thuộc về lứa U23, 2 trong số đó ghi vào lưới đội yếu nhất bảng U23 Timor Leste, bàn còn lại là quả tạt hỏng nhưng vô tình thành bàn của Văn Đô trước U23 Indonesia.

Nếu ở các giải trước như ASIAD 2018 hay SEA Games 2019, nhóm cầu thủ quá tuổi chỉ đóng vai trò dẫn dắt, thì tại SEA Games lần này, gần như mọi ý tưởng chiến thuật, ông Park "phó thác" cho Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh tự xoay sở. 

May mắn cho HLV Park Hang Seo, bởi dưới cơn mưa tầm tã hay trong thế trận bế tắc tột cùng ở Việt Trì, ngọn lửa Hùng Dũng vẫn âm ỉ cháy. Cú vung tay hướng về khán đài ở hiệp phụ để yêu cầu khán giả cổ vũ nhiệt tình hơn của Hùng Dũng đã cho thấy cái nhiệt của tiền vệ này.

Hơn nửa năm trước, Hùng Dũng mới tập luyện cùng bóng sau chấn thương gẫy chân kinh hoàng ở V-League, song nhờ sự chuyên nghiệp và cần mẫn, tiền vệ sinh năm 1993 đã trở lại ngoạn mục.

Hùng Dũng và cái vung tay truyền lửa cho U23 Việt Nam vào chung kết SEA Games 31 - 3

Hùng Dũng luôn chơi năng nổ và nhiệt huyết. (Ảnh: Hồng Nam) 

Hùng Dũng đã có đủ vinh quang trong sự nghiệp, nhưng vẫn thi đấu năng nổ và "chiến" đến cùng ở một giải trẻ, nơi vốn dĩ anh không còn thuộc về. Còn tấm gương nào ý nghĩa hơn thế để những cầu thủ U23 Việt Nam hôm nay noi theo và tiếp tục nỗ lực? 

Lứa U23 sẽ cần thêm thời gian để rèn kỹ chiến thuật, như chính HLV Park thừa nhận. Đào tạo được cầu thủ đá như Hùng Dũng không phải chuyển đơn giản. Tuy nhiên, khơi dậy tinh thần và thi đấu nhiệt huyết hơn là điều U23 Việt Nam có thể làm được ngay.

Tinh thần ấy phải tiếp tục cháy trong trận chung kết với U23 Thái Lan ở Mỹ Đình, nếu đội bóng của thầy Park còn muốn giữ ngôi vô địch ở lại quê hương. 

https://vtc.vn/hung-dung-va-cai-vung-tay-truyen-lua-cho-u23-viet-nam-vao-chung-ket-sea-games-31-ar677826.html

Hồng Nam / VTC News