Huawei xây dựng hình tượng nạn nhân của sức ép Mỹ dù vẫn được các công ty Mỹ âm thầm quay lại hợp tác.
Dòng laptop của Huawei vừa bất ngờ trở lại trên cửa hàng trực tuyến của Microsoft sau một thời gian vắng mặt, ảnh hưởng từ các lệnh cấm của chính quyền Mỹ với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Hôm 17/6, Microsoft cho biết đã đưa trở lại các laptop Huawei trên các gian hàng trực tuyến. Tuyên bố đồng thời khẳng định Microsoft sẽ tiếp tục cập nhật Windows cho các sản phẩm của Huawei thời gian tới. Loạt thiết bị gồm MateBook 13, MateBook và MateBook X Pro đều được bán trở lại.
"Microsoft đã đánh giá các vấn đề phức tạp về kinh doanh, cũng như quy định của Bộ Thương mại Mỹ về Huawei và quyết định nối lại việc bán hàng các sản phẩm tồn kho của công ty này tại Microsoft Store. Chúng tôi vẫn cam kết cung cấp trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng Huawei bằng cách tiếp tục đưa ra cập nhật phần mềm mới" - đại diện Microsoft cho biết.
Động thái của Microsoft được cho là nằm trong lộ trình nới lỏng lệnh cấm 90 ngày của chính phủ Mỹ, tương tự Google với Android. Tuy nhiên, Microsoft hiện chỉ bán những thiết bị Huawei tồn kho, đồng nghĩa với việc chưa rõ Microsoft sẽ nhập thêm những chiếc laptop mới của Huawei hay không.
Khi được The Verge hỏi về vấn đề này, người phát ngôn của Microsoft nhắc lại rằng: "Microsoft đang bán hàng tồn kho hiện có và tuân thủ các quy định hiện hành của Mỹ".
Cuối tháng 5, Microsoft đã ngừng một số hợp tác với Huawei, đồng thời âm thầm gỡ bỏ các thiết bị chạy Windows của công ty Trung Quốc trên website bán hàng của mình, trong đó có MateBook X Pro. Model này là một trong những laptop bán chạy nhất tại Mỹ, được đánh giá là có thiết kế đẹp, giá cả phải chăng, là lựa chọn thay thế MacBook cho những ai ưa thích Windows.
Động thái âm thầm này của Microsoft cho thấy những ảnh hưởng không nhỏ của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc với công ty Mỹ.
Bên cạnh đó, Huawei cũng chuẩn bị ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh mới tiếp tục hợp tác với Android và các dịch vụ của Google.
Mẫu điện thoại mới Huawei Prime 2019 sử dụng hệ điều hành EMUI 9 được phát triển dựa trên nền tảng Android Pie mới nhất. Tương tự các smartphone Huawei hiện có trên thị trường, Y9 Prime 2019 tiếp tục hoạt động tốt với nền tảng Android cũng như các dịch vụ của Google như Gmail, YouTube, CH Play và các ứng dụng bên thứ ba hiện hành.
Thông tin này cho thấy, Huawei không thực sự ở trong trạng thái quá bi quan. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của công ty này tới các đối tác Mỹ đang khiến các công ty Mỹ phải âm thầm thảo luận với chính quyền Tổng thống Trump trì hoãn hoặc giảm nhẹ các lệnh cấm đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Các lệnh cấm hiện nay không cho phép các nhà cung cấp Hoa Kỳ bán hàng cho Huawei, công ty thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, nếu không có sự chấp thuận đặc biệt.
Các nhà sản xuất chip cho rằng mảng sản phẩm như điện thoại thông minh và máy chủ của Huawei thường sử dụng các linh kiện có sẵn và khó có thể gây ra mối lo ngại về bảo mật tương tự như thiết bị hạ tầng mạng 5G của công ty công nghệ Trung Quốc. Do đó, mảng thiết bị này nên được cân nhắc giảm nhẹ các quy định trong lệnh cấm.
Năm ngoái, Huawei đã chi 70 tỷ đô la mua linh kiện, trong đó khoảng 11 tỷ đô la là mua linh kiện từ các công ty của Mỹ bao gồm Qualcomm, Intel và Micron Technology Inc. Nếu ngừng làm ăn với công ty Trung Quốc, thiệt hại của các công ty Mỹ là khó khăn không một công ty nào khác có thể bù đắp.
Trong bối cảnh như vậy, Huawei không quá bi thảm như cách mà CEO của công ty này là Nhậm Chính Phi cho rằng, họ sẽ bị sụt giảm tới hơn một nửa doanh số điện thoại thông minh do tác động của lệnh cấm.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí trước đó, Huawei tuyên bố đang tính toán các phương án để đối phó với kịch bản doanh số smartphone ở thị trường nước ngoài sụt giảm 40% - 60%. Nếu điều này xảy ra, đây thực sự sẽ là một đòn giáng mạnh vào Huawei khi mà các thiết bị điện tử tiêu dùng (chủ yếu là smartphone) đóng góp 45% doanh thu của Huawei trong năm ngoái.
Song dường như Huawei sẽ rất khó ngồi yên nhìn kịch bản này diễn ra. Theo cây bút Tim Culpan của Bloomberg, đây lại là tin tốt lành cho chiến dịch khắc họa bản thân là một "nạn nhân" đang bị Mỹ bắt nạt của Huawei.
Theo tính toán của nhà báo này, khoảng 51% số lượng smartphone được Huawei xuất xưởng trong quý I/2019 được bán ra tại thị trường Trung Quốc.
Thị trường Tây Âu, nơi Huawei đang gặp phải nhiều khó khăn nhất khi bị một loạt nhà mạng cắt đứt quan hệ hợp tác, chỉ chiếm tỷ trọng 13,7% trong cùng kỳ.
Trung Đông và châu Phi, Trung và Đông Âu, mỗi khu vực chiếm khoảng 9%, trong khi Mỹ Latinh chiếm 8%. Nhật Bản, Canada và Mỹ, ba thị trường có thể được coi là "thù nghịch" nhất với Huawei, tổng cộng chỉ chiếm chưa đến 1%. Phần còn lại đến từ khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Huawei chỉ "đang chuẩn bị" cho kịch bản lượng smartphone bán ra ở các thị trường nước ngoài sụt giảm một nửa. Việc vạch ra tất cả các kịch bản để lên phương án đề phòng tình huống xấu nhất là điều mà các lãnh đạo công ty nên làm. Và làm cho thế giới tin rằng Huawei đang thực sự bị vùi dập bởi chiến dịch bài trừ Huawei do Mỹ dẫn dắt là sẽ giúp cho công ty nhận được sự ủng hộ nhiệt thành ở quê nhà.
Rõ ràng, Huawei hiểu lợi thế của mình và đang sử dụng vũ khí mạnh nhất của mình là chủ nghĩa dân tộc để giảm thiệt hại từ lệnh cấm của Mỹ, đặc biệt là bù đắp doanh thu từ các thị phần ở các thị trường đối đầu bằng doanh số điện thoại thông minh ở trong nước.
Huawei đã đặt mục tiêu tăng thị phần smartphone trong nước từ mức 20% lên 50% vào năm nay.
Kim Hoa
Huawei hoàn tiền nếu điện thoại không dùng được Google, Facebook
Theo Huawei Central, hãng công nghệ Trung Quốc cam kết hoàn lại 100% số tiền mua điện thoại cho người dùng nếu thiết bị không ... |
CEO Huawei nói công nghệ của Mỹ là "thượng nguồn"
Ông Nhậm Chính Phi cho rằng công nghệ của Mỹ đã đi trước Trung Quốc hàng trăm năm và đất nước ông đang cố gắng ... |