Chiều hôm đó, Trương cùng hai cán bộ nữa mang hợp đồng đến tận nhà ông Cường. Việc ký hợp đồng được diễn ra nghiêm túc, trang trọng ngay tại bàn làm việc của ông.
Khoảng mười ngày sau, ông in ra một bộ khoảng 5 tập phim rồi mang đến cho Diệu Linh. |
Ông Cường trở về nhà. Đầu tiên là dọn dẹp bàn làm việc, bày biện lại sách vở cho thật ngăn nắp rồi lau chùi ... |
Thành cười:
- Bố ơi, bây giờ có gì mà thiên hạ không biết. Có khi bố vừa đặt bút viết chữ “Kịch bản phim truyện” thì thiên hạ đã biết và đồn đại rồi. Từ hôm ấy đến nay, bố đưa kịch bản cho bao nhiêu người, chuyện anh Trương biết cũng chẳng có gì lạ đâu. Nhưng mà con thấy kênh truyền hình này được đấy bố ạ. Họ toàn chiếu phim đứng đắn. Dạo này còn chiếu phim kinh điển nữa. Hôm nọ, con thấy chiếu cả những phim từ thời Xôviết như “Bài ca người lính”, “Người thứ 41”, rồi “Khi đàn sếu bay qua”. Các phim kinh điển của Việt Nam cũng chiếu nhiều.
***
Khoảng một tiếng đồng hồ sau Trương đi ôtô đến. Anh mang theo một túi quà.
Trương đon đả:
- Cháu có chút hoa quả biếu chú. Dạo này chú khỏe chứ?
Ông Cường đỡ lấy túi hoa quả, rồi nói:
- Cảm ơn anh. Nhờ giời, tôi cũng được.
Trương nhìn ông:
- Nhưng cháu thấy chú mới 64 mà như thế này thì hơi già đấy.
Ông Cường khẽ thở dài:
- Với tôi bây giờ thì già hay trẻ có ý nghĩa gì nữa đâu.
Uống được một chén nước thì Trương đặt vấn đề ngay:
- Cháu đến đây là để bàn với chú việc này. Hôm nọ, cháu được cô Lê Phương cho xem kịch bản của chú. Cô ấy định đầu tư sản xuất phim. Cháu rất thích kịch bản này nhưng không dám nói. Cháu nghĩ, cô Phương là người rất tinh nên khi đọc kịch bản cô ấy sẽ thấy ngay và sẽ làm, chứ chẳng đến lượt cháu. Nhưng hôm nay, nghe tin cô ấy không làm vì đòi sửa một số chỗ nhưng chú không đồng ý nên cháu đến để xin chú cho chúng cháu đầu tư sản xuất.
Ông Cường vẫn nhớ lại câu chuyện cũ với hai nhóm làm phim trước.
Ông nói với ý hơi mỉa mai:
- Rất cảm ơn ý của anh. Nhưng tôi hỏi thật nhé, anh đã đọc kỹ kịch bản của tôi chưa?
Trương nói:
- Cháu đọc kỹ rồi.
Ông Cường nhìn như xoáy vào mắt Trương và hỏi:
- Có thật không? Hay anh chỉ nghe người này, người kia nói.
Trương vỗ vào đùi ông Cường và bảo:
- Nếu như bây giờ cháu tóm tắt được một cách trung thành kịch bản ấy thì chú phải hứa rằng không giao phim này cho ai làm mà để cho đài chúng cháu.
Ông Cường “à” lên một tiếng, rồi nói:
- Thôi được rồi, anh nói thế thì tôi tin. Nhưng anh có điều kiện gì? Có phải lại thêm cảnh nóng không và thêm những cảnh chém giết trong phim không?
Trương lắc đầu:
- Chú ạ, cháu cũng đoán là khi đến đây nói chuyện với chú về phim thì chú sẽ nói điều này. Cháu xin thưa với chú, chúng cháu sẽ đầu tư sản xuất bộ phim này và toàn quyền do chú quyết định. Chú là tác giả kịch bản và đạo diễn. Kể cả ê-kíp quay phim, diễn viên, chú chịu trách nhiệm hết. Chúng cháu không có một ý kiến gì. Chúng cháu chỉ đầu tư tiền cho chú và sau khi xong phim thì phát sóng. Cháu cũng nói luôn với chú là chúng cháu sẽ trả chú 20% lợi nhuận quảng cáo của bộ phim này. Nhưng không có tiền cho đạo diễn, không có nhuận bút cho kịch bản.
Ông Cường cười:
- Hay đây. Tôi thấy thương vụ này là có lý đây. Anh nói như thế là rất sòng phẳng. Vậy thì chúng ta sẽ bàn bạc với nhau một cách nghiêm túc.
Trương nói:
- Chúng cháu tin chú. Chú sẽ biết làm phim thế nào cho hay và chẳng dại gì làm phim để thiên hạ cười. Nếu chú đồng ý như vậy thì chiều nay cháu sẽ cho người soạn hợp đồng. Mọi công việc sẽ bắt đầu ngay từ ngày mai.
Ông Cường gật đầu nói:
- Tôi đồng ý. Nhưng xin hỏi anh, với bộ phim này thì anh sẽ đầu tư cho bao nhiêu tiền?
Trương nói:
- Thưa chú, chúng cháu đã tính toán rồi. Bộ phim này không cần đầu tư nhiều tiền. Bởi vì không có những đại cảnh lớn, không có những bối cảnh đắt tiền. Tất nhiên là để giảm chi phí, chúng cháu cũng có những cách riêng của chúng cháu. Nhưng những cách đó không ảnh hưởng gì đến bộ phim và toàn quyền do chú lựa chọn. Có nghĩa là như thế này: chúng cháu có thể lựa chọn một nhà hàng cho bối cảnh ăn tiệc, nhà hàng ấy sẽ tài trợ toàn bộ bữa ăn, không lấy tiền bối cảnh, giúp đỡ mình trong lúc quay. Nhưng nếu như chú không thích nhà hàng, khách sạn đó, chú yêu cầu phải quay nơi khác mà nơi đó có thể chúng cháu phải trả tiền, nhưng chúng cháu vẫn sẽ nghe chú. Cháu nói thế để chú yên tâm.
Ông Cường vỗ hai tay vào nhau nhẹ nhẹ:
- Hoan hô. Thế là xã hội này vẫn còn có những người thích làm ăn nghiêm túc như anh.
Trương bật cười:
- Chú nói gì mà bi quan thế. Không phải là còn người như cháu, mà còn rất nhiều người. Về chuyện tiền bạc thì chú đừng ngại.
Ông Cường chưa buông tha:
- Tôi đã đàm phán với hai người, trong đó có cô Phương. Họ đều khen kịch bản, nhưng đòi thêm cảnh nóng, thêm chém giết, máu me, tình ái, tiền bạc... Họ nói có như thế mới bán được phim. Chứ làm phim đứng đắn, tử tế thì không bán được. Thế tại sao anh lại dám đầu tư mạo hiểm như vậy?
Trương cười buồn:
- Chú ạ, làm phim cũng có năm, bảy đường. Chú thấy kênh của cháu đấy, chúng cháu có chiếu những phim - cháu cứ tạm gọi là phim thị trường hiện nay đâu. Nhưng kênh của chúng cháu vẫn có người xem. Cháu vẫn có thu nhập khá và chẳng ai chê trách được cháu điều gì. Thế thì cháu ăn ít một chút, mà giúp xã hội được một điều gì đó tốt đẹp thì chẳng hay hơn sao.
Ông Cường:
- Hoan hô. Tôi rất hoan nghênh ý kiến của anh. Rất may là đã có người hiểu bộ phim này của tôi. Thôi được rồi. Chiều nay, anh cho người mang hợp đồng soạn sẵn đến đây để tôi ký. Còn ý anh đã như vậy thì tôi cũng xin nói luôn. Chúng ta hãy dẹp những chuyện tiền bạc sang một bên để làm một bộ phim đúng ý của tôi và vừa ý của anh.
***
Chiều hôm đó, Trương cùng hai cán bộ nữa mang hợp đồng đến tận nhà ông Cường. Việc ký hợp đồng được diễn ra nghiêm túc, trang trọng ngay tại bàn làm việc của ông.
Ký hợp đồng xong, ông Cường bắt tay Trương và nói:
- Tôi đúng là cũng cực đoan. Sau hai lần đàm phán với hai nhóm làm phim trước không thành, tôi cứ nghĩ rằng kịch bản bộ phim này sẽ bỏ xó. Nhưng thật không ngờ lại được gặp một người như anh.
Trương nói:
- Chú cứ nói thế. Thực ra, mấy người kia là cũng nói hơi quá lên thôi. Họ mà biết hôm nay cháu ký được hợp đồng thế này sẽ tiếc lắm.
***
Chiều hôm ấy, Bình và Thiệu đưa con về chơi với ông.
Ông Cường vui vẻ khoe với con gái:
- Từ ngày mai bố sẽ bắt tay vào thành lập đoàn làm phim.
Bình vui vẻ hỏi:
- Thế ai làm chủ nhiệm phim cho bố?
Ông Cường:
- Bố sẽ mời ê-kíp làm phim cũ của bố.
Bình băn khoăn:
- Bố ạ, theo con ê-kíp làm phim cũ của bố đều cao tuổi rồi. Không xốc vác được đâu. Bố nên chọn quay phim, phó đạo diễn, thư ký trường quay nhanh nhẹn một chút. Làm phim bây giờ tốc độ cao chứ không còn ai làm phim kiểu như bố ngày xưa nữa, tiền đâu cho xuể. Ngày xưa, bố làm phim có khi cả nửa tháng trời, thậm chí một tháng mới làm được một tập. Con nhớ hồi bố làm phim nhựa, có khi 6, 7 tháng, thậm chí một năm mới làm xong một bộ phim nhựa dài hai tiếng đồng hồ. Nhưng con nghe nói bây giờ người ta làm trong 2 ngày là được một tập phim truyền hình. Làm càng nhanh thì càng bớt được chi phí. Chứ làm kỹ quá như bố thì có khi lỗ vốn.
Ông Cường gật gù:
- Điều ấy bố biết. Nhưng tay Trương này rất hay. Nó khẳng định với bố là chỉ cần chất lượng, tiền bạc bao nhiêu không thành vấn đề. Mà bố có dính đến tiền đâu, họ quản lý tiền cơ mà. Miễn là nó theo yêu cầu của mình.
Bình khuyên:
- Bố cũng nên cảnh giác. Bây giờ họ đang cần bố thì nói như thế. Nhưng đến khi họ thấy tốc độ làm phim chậm, tiền bỏ ra lớn hơn dự toán, quảng cáo lại khó thu, chưa nhìn thấy nguồn nào là không chừng sẽ sinh chuyện đấy. Bố làm thế nào thì làm, nhưng vẫn phải giữ sức khỏe. Bây giờ bắt đầu vào hè rồi. Trời nắng lắm. Bố phải rất giữ gìn đấy.
Thành nói:
- Chị yên tâm đi. Phim này toàn cảnh trong nhà, ít ở ngoài lắm.
***
Sáng hôm sau, ông Cường đến Trường mẫu giáo tư thục Lá Xanh, tìm gặp Diệu Linh.
Diệu Linh mời ông vào phòng khách:
- Hôm nay, cháu nhìn thấy trên đầu chú có vầng sáng nhạt. Chắc là chú có niềm vui.
Ông Cường ngạc nhiên:
- Sao? Cháu nói cháu nhìn thấy trên đầu chú có vầng sáng à?
Diệu Linh mỉm cười đôn hậu và nói:
- Cháu nói vui thế mà. Nhưng mà đúng là chú có niềm vui. Chú có thể nói cho cháu biết chú có điều gì vui thế ạ? Có phải chú đã tìm thấy người đầu tư cho bộ phim rồi không?
Ông Cường trố mắt nhìn Diệu Linh và nói:
- Sao cháu lại còn có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác như thế?
Diệu Linh bật cười và nói:
- Có gì đâu. Cháu biết chú đang ngày đêm suy nghĩ về bộ phim này. Mà chú đã viết xong kịch bản thì chỉ còn tìm nhà đầu tư để sản xuất. Chú đến tìm cháu, thấy nét mặt chú vui vẻ thì cháu đoán là như vậy.
Ông Cường nói:
- Đúng, cháu ạ. Đã có người đầu tư làm phim này rồi. Đó là kênh Việt Lạc của anh Trương.
Diệu Linh gật đầu và nói:
- Cháu biết kênh truyền hình đó. Đấy là một kênh giải trí đứng đắn nhất hiện nay. Chú có thân với anh Trương không mà anh ấy lại chọn chú?
Ông Cường nói:
- Trước đấy chú cũng đã đưa cho mấy người xem kịch bản. Họ cũng muốn làm, nhưng ai cũng đòi chú thêm cảnh nóng, rồi thêm cảnh chém, giết. Chú không chịu. Nhưng không ngờ có anh Trương chấp nhận không thay đổi gì, mọi việc tùy chú, miễn là phim hay. Anh ta tin tưởng chú tuyệt đối.
Diệu Linh nói:
- Thế thì tốt quá rồi. Chú bắt tay vào làm phim thôi ạ.
Ông Cường nhíu mày và nói:
- Chú sẽ bắt tay ngay ngày hôm nay. Việc đầu tiên là chú vừa phải làm kịch bản phân cảnh, vừa phải chọn ê-kíp làm phim. Có việc này chú muốn nhờ cháu. Lần trước chú đã nói rồi. Có mấy diễn viên chính, đặc biệt là người đóng vai hoa hậu thì cháu chọn giúp chú.
Diệu Linh nói:
- Cháu có làm đạo diễn bao giờ đâu mà biết chọn diễn viên.
Ông Cường nói:
- Không. Chú và quay phim cũng sẽ chọn, nhưng cháu tư vấn giúp chú. Bởi vì nếu nói về việc hiểu thế giới người đẹp thì chắc chắn là cháu hơn chú rất nhiều. Cháu đồng ý nhé.
Diệu Linh gật đầu và nói:
- Vâng. Khi nào chú chọn diễn viên thì báo cho cháu.
***
Mấy ngày sau, ông Cường thành lập được đoàn làm phim. Chủ nhiệm phim là người trước đây chủ nhiệm phim cho ông nhiều năm. Đó là một phụ nữ tên là Thanh, tuổi gần 60 và cũng đã nghỉ hưu. Được ông mời, bà Thanh vui lắm.
Bà nói:
- Anh để tôi làm chủ nhiệm cho. Mình sẽ làm theo kiểu của mình, chứ không theo bọn trẻ được đâu anh ạ.
Ông lại đến gặp quay phim Hoàng Minh Đức. Đó là một thanh niên khoảng hơn 30 tuổi và đang được đánh giá là một nhà quay phim trẻ có tài.
Nghe ông Cường nói về bộ phim, Minh Đức hào hứng:
- Cháu nhận lời quay phim này. Nhưng chú phải nhớ một điều là phim ảnh bây giờ có các góc độ quay khác lắm, không cổ điển như ngày xưa của chú đâu đấy nhé.
Ông Cường nói:
- Thằng này hay nhỉ? Việc gì mà mày phải rào đón như thế? Chú đã tin mày, tìm đến mày thì mày phải biết là mày có giá trị như thế nào chứ?
Đức cười hì hì và nói:
- Được đại ca tin tưởng như vậy thì còn gì hơn nữa. Nhưng bao giờ chọn diễn viên ạ?
Ông Cường nói:
- Có lẽ phải bắt đầu luôn.
Đức nói:
- Chú để cho cháu xem kịch bản một ngày, xem mặt ngang mũi dọc, hình hài cái cô diễn viên chính này như thế nào, rồi cháu sẽ đến trao đổi với chú.
***
Sau hai ngày mang kịch bản về nhà xem, Minh Đức đến nhà ông Cường.
Anh nói:
- Chú ạ, đây là một nhân vật khó thể hiện đấy. Theo như trong kịch bản thì đó là người vừa có nét đẹp của phụ nữ Á Đông, vừa có nét kiêu sa, vừa có sự đôn hậu, nhưng cũng lại có sự phá phách. Cháu có cảm giác chú nhồi tất cả vẻ đẹp của Đông, Tây, kim, cổ vào con người này. Nhưng đây, cháu xin giới thiệu với chú những gương mặt này. Chú chọn xem sao.
Nói rồi, Đức bày ra một loạt ảnh những người đẹp, rồi giới thiệu:
- Con bé này chú biết rồi nhé. Nó đã đóng ba phim. Năm ngoái, nó được giải “Cánh diều vàng”, là ngôi sao đang lên. Chú thấy chưa? Hình thể thì khỏi chê, ba vòng đều đạt chuẩn quốc gia, lại biết ngoại ngữ.
Ông Cường nhìn chòng chọc vào tấm ảnh:
- Cái mặt này thì được, nhưng nom không lương thiện lắm.
Đức bật cười:
- Nhân vật của chú thì cũng có lương thiện lắm đâu. Nó chỉ lương thiện về sau thôi, còn phần đầu nó có lương thiện lúc nào.
Ông Cường giơ tay ngăn lại:
- Thằng cháu, mày đừng cãi với chú về chuyện ấy.
Đức lại gạt một người nữa sang:
- Chú xem đi, cô em này thế nào? Người mẫu, cao 1m72. Cũng đã đóng ba phim, lại hát hay, đánh đàn ghi-ta được. Ngày xưa cũng đã từng học ở Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, khoa Múa. Như vậy là đáp ứng được nhu cầu văn thể của chú nhé.
Ông Cường nhìn tấm ảnh, rồi nói:
- Ừ. Gương mặt này trông hiền hậu. Cũng tàm tạm.
Đức lại gạt một người nữa sang:
- Đây, cô này.
Ông nhìn như bị hút vào tấm ảnh. Đó là một cô gái nhìn trong ảnh thì rõ ràng không xinh, nhưng bù lại thì có ảnh mắt rất lạ lùng. Ánh mắt của người trong ảnh rất có hồn, nhìn ông như đang dò hỏi.
Ông ngạc nhiên nhìn tấm ảnh và nói:
- Này, ánh mắt của con bé này biết nói, cậu ạ. Hình như nó đang hỏi tớ rằng cháu có được hay không?
Đức nói như reo lên:
- Sư phụ quả là có con mắt tinh đời. Con bé này chưa đóng phim bao giờ. Nó là hoa khôi của Học viện Ngoại giao và chưa có điều ong, tiếng ve gì. Nó đang tham gia diễn kịch ở Nhà hát kịch Trung ương, nhưng cũng chưa được vai nào khá cả.
Ông Cường xếp tấm ảnh vào cùng ảnh cô trước, rồi nói:
- Còn đứa nào nữa thì mang hết ra đây xem nào.
Đức nói:
- Không. Giới thiệu với cụ 3 đứa đấy đã. Nhưng hôm này tổ chức tuyển chọn, cháu cũng sẽ mời thêm mấy đứa nữa. Mà bây giờ đám người mẫu, ca sĩ nhảy sổ sang đóng phim đầy.
Ông Cường nhíu mày và nói:
- Hôm nào tổ chức chọn diễn viên, tôi sẽ mời tác giả cuốn tự truyện này đến giúp chúng ta chọn. Ý cậu thế nào?
***
Một việc làm ông Cường rất khó chịu là ngay vào buổi sáng của ngày hôm sau, khi bàn bạc với quay phim Đức, ông vào đọc báo mạng thì đã thấy một loạt tờ báo nói về bộ phim của ông với những tít rất giật gân. Nào là “Cuộc đời của một hoa hậu sát thủ lên phim”, “Kẻ sát đàn ông đã được dựng thành phim”, rồi “Những mối tình của một hoa hậu kỳ lạ nhất Việt Nam đã được dựng thành phim”. Và ngay ở dưới thì những diễn viên này, diễn viên khác đã được đạo diễn chọn làm vai chính. Lại có cả những bài bình luận về những người chọn được đóng vai nọ, vai kia trong phim.
Ông Cường ngạc nhiên.
Ông lấy điện thoại gọi cho Đức.
Giọng ông bực bội:
- Này Đức, cậu tiết lộ những thông tin mình làm phim cho báo chí đấy à?
Đức nói:
- Ai bảo anh thế? Em có điên đâu. Kịch bản phân cảnh phim còn chưa xong thì có gì mà tiết lộ. Em không nói với bất cứ đứa nào.
Ông Cường bực bội:
- Cậu vào mấy trang báo điện tử mà xem. Không còn thiếu gì về bộ phim này nữa. Thậm chí chúng nó chọn cả diễn viên chính hộ mình.
Đức cười:
- Ôi giời ơi, ông anh đọc báo mạng làm gì. Đừng có đọc. Đọc chỉ thêm bực mình thôi. Kệ chúng nó.
Ông Cường nói:
- Tại sao lại không đọc?
Minh Đức hỏi ông:
- Chú nói cho cháu xem chú đọc ở những báo nào? Chú đọc tên lên.
Ông Cường đọc tên mấy tờ báo.:
- Cà phê chấm com này; Việt Đẹp chấm VN này; Thế giới đẹp chấm com này…
(Xem tiếp kỳ sau)