Nhìn thấy ông Cường nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, một niềm xót xa vô bờ bến bỗng dưng dâng lên trong lòng Diệu Linh.
Hồng nhan đa truân (Kỳ 18)
Hữu Tùng ăn được mấy miếng thì cầm bát cơm sang mâm khác để tán tỉnh mấy cô diễn viên. Còn lại ông Cường và ... |
Hồng nhan đa truân (Kỳ 17)
Diệu Linh đi chợ, nấu cơm, còn Quân lăng xăng giúp chị nhặt rau. Bữa cơm hôm ấy thật là đầm ấm, hạnh phúc và ... |
Cô mượn bút ghi nắn nót dòng chữ: “Cháu kính chúc chú sớm khỏe”
Trong phòng ông Cường lúc này có phó đạo diễn Tùng và mấy diễn viên nữa. Ông Cường nằm mệt mỏi trên giường, đầu óc như muốn nổ tung ra vì chưa thấy Diệu Linh đến thăm. Ông hờ hững, lạnh lùng với mọi người đến thăm và lấy cớ mệt quá để không tiếp chuyện với ai. Ông cứ nằm thiêm thiếp, trong lòng bấn loạn không hiểu vì sao mọi người trong đoàn làm phim đến mà lại không thấy Diệu Linh đâu.
Thấy Diệu Linh bước vào, phó đạo diễn Hữu Tùng nói:
- Diệu Linh à, em vào đây. Mọi người cũng đang thắc mắc là sao chưa thấy em đến.
Nhìn thấy ông Cường nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, một niềm xót xa vô bờ bến bỗng dưng dâng lên trong lòng Diệu Linh.
Cô nhìn ông bằng ánh mắt đầy thương cảm và nói:
- Cháu xin lỗi chú. Hôm qua vì không có cảnh nên cháu không đến. Cháu lại không gọi điện thoại nên không biết. Sáng nay đến chỗ quay không thấy ai, cháu hỏi mọi người thì mới biết chú bị ốm. Bây giờ chú thấy sức khỏe thế nào?
Nét mặt ông Cường giãn ra và tươi tỉnh, bừng sáng.
Hữu Tùng nhận ra ngay sự thay đổi nhanh chóng ấy. Anh khẽ quay đi, mỉm cười kín đáo.
***
Như một bản năng tự nhiên, trong những ngày ông Cường nằm viện, Diệu Linh đến chăm sóc ông như con cháu trong nhà.
Một lần Bình mang cháo đến cho ông. Ông Cường ăn được vài ba thìa thì nhăn mặt:
- Bố không ăn nữa. Đắng miệng lắm.
Bình nài nỉ:
- Bố cố ăn thêm một chút.
Ông Cường vẫn lắc đầu. Bình thở dài, rồi mang cháo đi đổ.
Một lát sau, Diệu Linh vào, cũng xách theo cạp lồng cháo.
Bình than thở:
- Bố em chẳng chịu ăn. Em vừa phải mang cháo đi đổ.
Diệu Linh mang cháo đến giường ông Cường dỗ dành :
- Chú ăn thêm chút nữa nhé. Bác sĩ bảo không ăn là bao nhiêu thuốc vứt đi hết.
Ông Cường gắng gượng ngồi dậy và ăn hết chỗ cháo của Linh.
Bình nói dỗi:
- Cháo của con thì chẳng ăn, lại ăn của chị Linh.
Ông Cường ngượng, nói lảng:
- Cháo con nấu mặn quá.
Bình kéo Diệu Linh ra ngoài:
- Chị ạ, chị giúp em với. Bố em là người khó tính. Nhiều khi bọn em nấu ăn cứ bị ông chê.
Diệu Linh nói:
- Ừ. Chị cũng rảnh. Để chị lo cơm cháo cho. Em cứ yên tâm.
***
Vậy là hằng ngày Diệu Linh nấu cháo, làm đồ ăn mang vào cho ông Cường.
Đối với ông Cường, đó thực sự là những ngày hạnh phúc.
Tuy nhiên, đoàn làm phim vẫn phải tiếp tục các cảnh quay cho đúng tiến độ nên ông nói với phó đạo diễn Hữu Tùng:
- Chú cứ cho đoàn quay đi. Chỗ nào cần thì gọi Diệu Linh đến.
Hữu Tùng là người tinh ý nên vẫn cho đoàn làm phim quay và dặn Diệu Linh:
- Em cố gắng dành thời gian chăm sóc bác ấy cho khỏe. Bác ấy mà ốm thêm một thời gian nữa thì gay lắm. Em biết đấy, mỗi ngày thế này là chi hết mấy triệu bạc, đủ các thứ tiền. Sớm được ngày nào là đỡ chi phí ngày ấy.
Diệu Linh hiểu ý:
- Anh cứ yên tâm.
***
Hôm ông Cường ra viện, Diệu Linh, Bình, Thành và bà Thanh đón ông về nhà. Khi đưa ông Cường về phòng, như một thứ bản năng, Diệu Linh dọn dẹp giường chiếu cho ông.
Thành và Bình nhìn nhau ngạc nhiên. Hai anh em hình như cũng cảm nhận được điều gì đó khác thường.
Thành nói với Bình:
- Chị này hay nhỉ? Cứ như chị ấy là con trong nhà này ấy.
Ông Cường nằm ở nhà được thêm một hôm nữa, rồi nằng nặc đòi đi ra đoàn làm phim.
Những cảnh quay lại tiếp nối nhau tiếp tục.
***
“Ở khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có một thầy giáo dạy văn học nước ngoài tên là Vương.
Thầy Vương có bố là một nhà báo nổi tiếng, chuyên viết về văn hóa và lịch sử. Ở trường, thầy Vương là giáo viên dạy văn học nước ngoài xuất sắc nhất. Không những là một thầy giáo, thầy Vương còn là một vận động viên bóng chuyền, một cầu thủ bóng đá có tiếng ở trường. Là người đọc nhiều sách, am hiểu văn học nước ngoài nên cách giảng dạy của thầy Vương không giống các thầy cô khác. Sinh viên rất thích các giờ giảng của thầy Vương.
Ngay từ hôm đầu tiên bước vào lớp Báo chí mới, Vương đã bị ánh mắt của Diệu Linh mê hoặc. Từ hôm đó, cứ ngày nào lên lớp, được nhìn thấy Diệu Linh với Vương là một hạnh phúc. Diệu Linh nhanh chóng cảm nhận thấy tình cảm của thầy Vương đối với mình và tự nhiên cũng thấy một chút tự hào dâng lên trong lòng.
Một hôm, khi tan trường, thầy Vương đi sau Linh và nói:
- Linh à, thầy muốn mời Linh đi uống nước có được không?
Diệu Linh nói:
- Dạ, vâng ạ. Để em rủ thêm mấy bạn nữa nhé.
Thầy Vương nói:
- Không. Tôi chỉ muốn gặp mình em thôi.
Diệu Linh vừa muốn từ chối, vừa muốn nhận lời. Cô im lặng.
Thầy Vương vượt lên trước, rồi nói:
- Tôi chờ em ở quán cà phê của khách sạn Metropole.
Thầy Vương lái ôtô đi. Một lát sau Diệu Linh cũng đạp xe đến.
Thầy Vương nhìn Linh đi xe đạp thì ngạc nhiên:
- Sao em còn đi xe đạp?
Linh nói:
- Em thấy đi xe đạp thích hơn xe máy. Lúc nào thong thả thì em đạp xe, coi như tập thể dục.
Thầy Vương nói:
- Cũng hay thật. Bao nhiêu năm nay anh toàn đi xe ôtô. Quen xác mất rồi.
Thầy Vương chuyển cách xưng hô từ “tôi” sang “anh” một cách rất tự nhiên.
Diệu Linh tinh ý, nhã nhặn hỏi:
- Thầy đi ôtô quen rồi thì cứ đi ôtô. Hơn nữa, đi ôtô an toàn hơn. Nhà thầy cách trường có xa không ạ?
Thầy Vương nói:
- Nhà tôi cách trường 5 cây số, ở trong thị xã Hà Đông.
Diệu Linh nói:
- Thế thì thầy đi ôtô là phải rồi. Em không thích đi ôtô hoặc xe máy. Có lẽ là em quen rồi.
Thầy Vương hỏi:
- Thầy nghe nói em giỏi tiếng Pháp lắm phải không?
Diệu Linh nói:
- Giỏi thì không giỏi, nhưng em được bố rèn từ nhỏ, sau này em cũng học trường chuyên Pháp nên cũng biết chút chút.
Thầy Vương ngân nga đọc cho Diệu Linh nghe một bài Sonne tiếng Pháp.
Tất nhiên là Diệu Linh chưa đủ trình độ để hiểu bài thơ ấy.
Đọc xong bài thơ, thầy Vương hỏi:
- Em hiểu hết bài thơ ấy chứ?
Diệu Linh bật cười:
- Trời ạ, làm sao em hiểu được hết. Để hiểu được thơ tiếng Pháp thì trình độ phải cao siêu. Ngày xưa thầy học tiếng Pháp bao nhiêu năm?
Thầy Vương nói:
- Tại sao chỉ có 2 đứa mình ở đây mà em cứ gọi anh là “thầy” thế?
Hai người ngồi uống cà phê một lúc, thấy trời tối, Diệu Linh tế nhị xin phép về. Khi cô đi được một đoạn, cô thoáng nhìn thấy xe của thầy Vương chầm chậm đi theo đằng sau.
Thầy Vương đi theo Diệu Linh về đến tận nhà.
Nhìn thấy Linh vào nhà thì thầy Vương phóng xe đi luôn.
Từ sau hôm ấy, Linh và thầy Vương thường xuyên gặp nhau hơn.
Một hôm, thầy Vương thổ lộ:
- Linh à, em hiểu tình cảm của anh đối với em chứ?
Diệu Linh im lặng.
Đúng lúc ấy, thầy Vương có điện thoại.
Không biết người đầu dây đằng kia nói gì mà nét mặt Vương bỗng dưng lạnh lùng và thậm chí trong ánh mắt còn có nét ác độc.
Thầy Vương nói:
- Thôi, được rồi. Nếu em muốn có đủ trình để nộp thì lúc nào em đến gặp tôi. Riêng môn ấy, em nghỉ tổng cộng 5 buổi. Theo quy định, nghỉ 3 buổi là không được thi.
Im lặng một lúc, thầy Vương nói dứt khoát:
- Thôi, đi thế nào thì em hiểu rồi đấy. Tất nhiên là tôi không đòi hỏi, nhưng còn người này, người khác nữa. Nói thế để hiểu cho nhanh nhé.
Thầy Vương tắt máy, quay sang Linh và nói với vẻ khó chịu:
- Sinh viên bây giờ càng ngày càng tệ. Đi học thì lười nhác, vô kỷ luật. Cứ đến lúc thi cử thì mới cuống lên chạy đi xin xỏ. Học sinh ở lớp này, trừ em học nghiêm túc, ghi chép đầy đủ, còn chúng nó nếu cho thi không dùng phao thì có khi 10 đứa thì trượt 7. Ngồi trong lớp cứ nhắn tin nhoay nhoáy, học hành gì đâu.
Diệu Linh dò hỏi:
- Người lúc nãy gọi để xin điểm anh à?
Thầy Vương lạnh lùng:
- Xin điểm, xin cả ngày nghỉ. Lần trước nó cũng nhờ một người đến xin, nhưng thời buổi này cái gì cũng giá của nó.
Nghe thầy Vương nói thế, tự nhiên bao nhiêu thiện cảm trong lòng Diệu Linh mất sạch. Cô nhìn thầy Vương sững sờ. Ánh mắt của cô từ kinh ngạc chuyển sang sợ hãi.
Trong một thoáng, Vương hiểu được ánh nhìn đó.
Vương nói chống chế:
- Nó cứ vật nài đến mang quà cáp biếu nhưng mà anh không nghe. Mai anh đến sẽ bắt nó làm bản kiểm điểm. Nếu chấp nhận cho nó thi, nâng điểm cho nó thì những đứa khác thế nào?
Lời nói chống chế vụng về của thầy Vương không xua đi được nỗi ghê sợ trong lòng Diệu Linh.
Cô nói:
- Thôi, em xin phép thầy. Em về đây. Em cảm ơn tất cả những gì thầy đã nghĩ về em từ bấy đến nay.
Nói xong, Diệu Linh đi luôn.
Những ngày sau, thầy Vương tìm mọi cách để gặp gỡ, giải thích với Diệu Linh về cuộc điện thoại đấy nhưng Diệu Linh dứt khoát xa lánh.
***
Một buổi tối, Tổng biên tập Trần Hoàng Vũ của Tạp chí Người đẹp Việt đến nhà chơi với ông Tường.
Ông Tường và bà Tường giữ Vũ ở lại ăn cơm.
Trong bữa cơm, đang rất vui vẻ, bỗng ông Vũ nhìn Diệu Linh và nói:
- Này, con bé Linh. Mày học hành ở lớp thế nào?
Diệu Linh vui vẻ:
- Cháu học tốt, học giỏi nữa là đằng khác.
Tổng biên tập Vũ nói:
- Tới đây ở trường có cuộc thi Hoa khôi sinh viên, cháu có tham gia không?
Diệu Linh nói:
- Cháu không tham gia đâu ạ.
Vũ ngạc nhiên:
- Sao không tham gia? Con bé này… Mày xinh đẹp, giỏi giang như thế, phải biết tận dụng thế mạnh của mình chứ. Bây giờ cứ thi Hoa khôi của trường đi. Ít hôm nữa, chú tổ chức thi Hoa hậu toàn quốc Người đẹp Việt, mày phải tham gia.
Rồi Trần Hoàng Vũ hào hứng:
- Em cũng tham gia tài trợ cho cuộc thi ở trường. Em muốn cháu em phải đoạt giải Hoa khôi.
Ông Tường nhăn mặt:
- Thôi chú ạ. Cứ để yên cho nó học.
Trần Hoàng Vũ cười :
- Ông anh tôi cổ hủ lắm - Rồi ông quay sang Linh - Cháu phải đăng ký thi đi nhé.
***
Đoàn làm phim tiếp tục các cảnh quay.
Ông Cường sức khỏe có vẻ vẫn còn yếu nên chỉ đến hiện trường để trao đổi những nét chính về các vai diễn với Diệu Linh và phó đạo diễn Hữu Tùng. Ông chủ yếu ngồi một chỗ để xem hai người chỉ huy.
Chẳng biết từ lúc nào, Diệu Linh đảm nhiệm vai trò phó đạo diễn một cách rất tự nhiên và được mọi người chấp nhận. Chính Hữu Tùng cũng phải ngạc nhiên về khả năng chỉ đạo diễn xuất cũng như cách cư xử đối với diễn viên hết sức dịu dàng, tế nhị của Diệu Linh. Các diễn viên đều cảm thấy rất dễ chịu khi làm việc với cô.
Một lần, sau một cảnh quay, trong lúc Diệu Linh còn đang ngồi nghỉ, Hữu Tùng nói chuyện với ông Cường:
- Anh à, em thấy con bé này có năng khiếu làm nghề đạo diễn.
Ông Cường nheo mắt nhìn Hữu Tùng và nói:
- Cậu thấy thế thật à?
Hữu Tùng nói:
- Em nói thật đấy. Anh thấy không, ngày xưa anh đi học đạo diễn ở Liên Xô bao nhiêu năm, rồi học đạo diễn ở Trung Quốc, đi tu nghiệp ở Ba Lan. Bao nhiêu năm làm đạo diễn, bao nhiêu năm em đi làm thư ký trường quay cho anh mà anh còn phải ca thán về nghề nghiệp. Em học đạo diễn ở trong nước, ở nước ngoài, rồi làm thư ký trường quay và phó đạo diễn cho anh bao nhiêu năm mà nhiều lúc còn thấy lúng túng. Vậy mà con bé này không học hành ngày nào mà tại sao lại cứ làm đạo diễn nhẹ như không ấy. Điều kỳ lạ là đám diễn viên này có nhiều đứa vốn không coi ai ra gì, là những sao lớn, sao bé cả đấy mà lại nghe con bé này răm rắp.
Ông Cường mỉm cười:
- Thực ra Diệu Linh làm được là vì giữa kịch bản phân cảnh và kịch bản không khác nhau là mấy. Nó là người viết ra cuốn sách ấy, là nhân vật chính nên việc chỉ đạo diễn viên dễ dàng hơn. Bây giờ nếu đạo diễn phim khác, đề tài khác thì chưa chắc đâu.
Hữu Tùng vẫn nói tiếp:
- Không, anh ạ. Em thấy con bé này có năng khiếu thực sự đấy. Ông anh tính xem sau phim này có nên bồi dưỡng nó thành đạo diễn. Biết đâu nền điện ảnh nước nhà lại thêm một đạo diễn giỏi.
Ông Cường thở dài:
- Tôi không còn thời gian để đào tạo nữa. Có lẽ sự nghiệp điện ảnh của tôi sau phim này là chấm dứt.
Hữu Tùng nhìn ông bằng ánh mắt lạ lẫm:
- Dạ, thưa ông anh, cách đây ba năm ông anh cũng nói với em rằng ông anh chấm dứt sự nghiệp điện ảnh. Hàng năm trời ông anh không bén mảng đến rạp xem phim, không biết điện ảnh nước nhà sống hay chết, không cần biết có thằng nào hay không. Nhưng rồi vớ được cuốn tiểu thuyết hay, tự ông anh lại chuyển thể thành kịch bản, rồi làm đạo diễn. Biết đâu sau phim này, ông anh lại vớ được kịch bản khác hay hơn thì sao?
Ông Cường nói:
- Ừ, cũng không biết thế nào nhỉ?
Hữu Tùng vẫy Diệu Linh vào hỏi:
- Diệu Linh này, anh hỏi thật em nhé. Trước đây em đã từng làm đạo diễn phim nào chưa hoặc đạo diễn kịch chẳng hạn?
Diệu Linh:
- Em chưa. Lúc em học ở trường thì cũng có vài lần dàn dựng mấy tiết mục ca nhạc, chứ chưa làm đạo diễn. Chẳng qua là từ hôm em đi theo đoàn làm phim đến giờ, em để ý thấy chú Cường và anh chỉ huy diễn xuất thì em học mót được một chút ấy chứ.
Hữu Tùng:
- Nói thật nhé, anh và chú Cường vừa có nhận xét về em và thực sự là anh ngạc nhiên đấy. Anh nghĩ là cho em làm đạo diễn từ giờ đến hết phim thì có khi cũng không có gì vấp váp đâu.
Diệu Linh:
- Anh cứ đùa em. Chẳng qua là mấy cảnh quay này đơn giản, Phương Minh vào vai tốt nên hầu như em không phải chỉ đạo gì về diễn xuất.
Ông Cường:
- Lúc nào cháu đến nhà, chú sẽ đưa cho cháu xem một số cuốn sách nói về nghề đạo diễn. Chú hy vọng những cuốn sách đó có thể giúp ích được cháu phần nào. Đó là những cuốn sách mà ngày xưa đi học ở Nga, chú đã dịch từ tiếng Nga sang.
Diệu Linh từ tốn:
- Dạ, cháu cảm ơn chú. Lúc nào chú cho cháu xem. Nhưng cháu xem để biết thôi, chứ nói thực là cháu không định làm nghề đạo diễn. Cháu biết khả năng của cháu chứ. Cháu chỉ tự tin dạy ký xướng âm cho trẻ mẫu giáo và…
Diệu Linh buột miệng, định nói về những vầng sáng của mỗi người, nhưng cô lại im lặng.
Ông Cường hỏi:
- Và cái gì?
Diệu Linh chống chế:
- Và nấu ăn. Bật mí với chú, cháu nấu ăn cũng không tồi đâu nhé.
Ông Cường gật đầu và nói:
- Công nhận là món cháo mà cháu nấu cho chú ăn mấy hôm chú ốm ngon thật. Có hôm chú ăn không hết bát cháo, cái Bình nhà chú ăn hộ và bảo là “cháo chị Linh nấu rất đặc biệt. Hương vị ấy rất quen nhưng không định hình được là có những loại gia vị nào”.
Diệu Linh cười:
- Món cháo ấy cháu học được từ sư phụ cháu đấy.
Ông Cường ngạc nhiên hỏi:
- Sư phụ cháu là ai?
Diệu Linh nói:
- Cháu có biết một sư thầy tên là Đàm Tuệ Minh. Sư thầy đang trụ trì một ngôi chùa. Cháu đã theo sư thầy học thiền mấy năm. Chính sư thầy đã dạy cháu nấu món cháo này. Thực ra, món cháo này không có chút thịt nào đâu, chỉ có các loại rau và gia vị thôi.
Ông Cường ngạc nhiên:
- Lạ nhỉ? Hóa ra một cô gái như cháu mà biết cả tu thiền nữa.
Diệu Linh mỉm cười nhã nhặn:
- Cuộc đời luôn luôn nổi sóng, nổi gió, còn tu thiền làm cho người ta lặng lại. Giống như mặt hồ có những lúc có sóng, nhưng cũng cần nhiều lúc phẳng như gương.
Ông Cường bật cười:
- Cháu nói nghe triết lý quá.
Cảnh quay lại tiếp tục.
(Xem tiếp kỳ sau)