Nhiều người Vũ Hán bị dồn tới khu cách ly khi có dấu hiệu nhiễm virus corona, nhưng không được chăm sóc đúng mức trong tình trạng hỗn loạn.
Giới chức Trung Quốc đang tăng cường chiến dịch "siết vòng kim cô" nhằm tìm kiếm và cách ly những người nhiễm virus corona ở tâm dịch Vũ Hán, mở rộng mạng lưới phong tỏa sang ít nhất hai thành phố khác thuộc tỉnh Hồ Bắc là Hoàng Cương và Hiếu Cảm. Chính phủ gọi đây là chiến dịch "thời chiến" hướng tới mục tiêu tối thượng là dập dịch viêm phổi corona (Covid-19).
Từ khi được công bố lần đầu hồi tuần trước, chiến dịch siết vòng kim cô ở Vũ Hán đang đối mặt với những tình huống hỗn loạn, khiến nhiều người cáo buộc giới chức cách ly những bệnh nhân vốn đã dễ bị tổn thương trong điều kiện tồi tệ, không được chăm sóc đầy đủ, thậm chí bị bỏ mặc đến chết.
Bên trong một nhà thi đấu được chuyển đổi thành khu cách ly tạm ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters. |
Thông điệp "cách ly tất cả những ai nên bị cách ly" ở Vũ Hán càng khoét sâu thêm tâm lý bất an trên toàn quốc.
Với tinh thần nhiệt tình cao trong nỗ lực thi hành chỉ thị từ trung ương, các quan chức Vũ Hán đã tìm kiếm cả những bệnh nhân chưa được xác nhận nhiễm virus, có những người bị dồn lên xe buýt mà không có bất kỳ biện pháp bảo hộ nào, làm tăng nguy cơ lây nhiễm, người thân của các bệnh nhân cho hay.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới các trung tâm cách ly được cải tạo từ sân vận động, nhà thi đấu thể thao hay khách sạn được chỉ định, nhưng những cơ sở này không có các hỗ trợ cần thiết giúp họ hồi phục sức khỏe. Thiếu nhân viên y tế tận tình chăm sóc, không ít người đã qua đời.
Một phụ nữ đột ngột bị đưa tới một trung tâm cách ly mà không kịp mang theo thuốc trợ tim và cũng không được nhận từ người nha, con dâu người này cho biết. Một người đàn ông cho biết cảm thấy ngày càng yếu đi khi bị cách ly trong khách sạn, nhưng không có bác sĩ nào tới kiểm tra và ông không được rời phòng.
Một người đàn ông khác được đưa tới trung tâm cách ly tạm thời và bị hôn mê suốt hai ngày, nhưng gia đình nói rằng họ không thể đưa ông nhập viện. Cuối cùng, ông qua đời.
Việc số ca nhiễm mới tăng đột ngột vào hôm qua càng làm tình hình trở nên xấu đi. Giới chức tỉnh Hồ Bắc cho biết họ đã thay đổi cách tính, theo đó, các trường hợp có biểu hiện lâm sàng hoặc được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus sẽ được tính chung vào số liệu ca nhiễm mới. Thay đổi này khiến số ca nhiễm mới tăng vọt khi tỉnh ghi nhận thêm gần 15.000 người nhiễm, trong đó hơn 13.000 người được chẩn đoán lâm sàng, và 242 ca tử vong trong ngày 13/2.
Hôm nay, Hồ Bắc ghi nhận 4.823 trường hợp nhiễm mới virus corona và 116 ca tử vong.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ giúp đỡ bệnh nhân ở Vũ Hán. Ảnh: AP. |
Việc số ca nhiễm bệnh gia tăng đột biến có thể tạo thêm áp lực đối với hệ thống y tế vốn đang vật lộn trong khó khăn vì tình trạng thiếu giường bệnh, nhân viên và vật tư y tế. Đã có rất nhiều bệnh nhân bị lãng quên.
Peng Andong, 59 tuổi, người dân Vũ Hán, bị sốt và viêm phổi nhiều ngày trước khi ủy ban khu phố tuần trước yêu cầu ông vào một khu cách ly tạm thời.
Peng và gia đình được thông báo rằng sẽ có bác sĩ cùng dụng cụ xét nghiệm tại khu cách ly nên họ sẽ kiểm tra và xác nhận tình trạng bệnh và điều trị tích cực cho ông. Vì thế, hôm 5/2, ông đồng ý lên một chiếc xe buýt toàn người ốm nhưng không có đồ bảo hộ phù hợp, để đến một khách sạn được chuyển đổi thành trung tâm cách ly.
Vài ngày sau đó, Peng nhắn tin với người nhà khá đều đặn, cập nhật cho gia đình về tình trạng bên trong khách sạn.
"Cha tôi nói mọi thứ thật sự hỗn loạn trong vài ngày đầu tiên, không có người cung cấp đồ ăn hay nhân viên y tế nào ở đó", Peng Bangze, con trai Peng Andong, kể. Những người khác cũng mô tả tương tự về điều kiện tại các trung tâm cách ly thông qua các cuộc phỏng vấn và bài viết kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội.
Deng Chao, 30 tuổi, cho biết dù các bác sĩ bảo anh gần như chắc chắn nhiễm nCoV, anh vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm chính thức để nhập viện. Thay vào đó, anh được chuyển tới một khách sạn ở Vũ Hán và bị cách ly trong một tuần. Giờ đây, Deng cảm thấy yếu và khó thở hơn trước. Theo lời anh, bảo vệ luôn túc trực ở cửa khách sạn, ngăn người bị cách ly bỏ trốn. Nơi này cũng không có thuốc men hay bác sĩ.
"Nó giống như một nhà tù vậy", Deng vừa nói vừa ho. "Xin hãy đưa tôi đến bệnh viện, tôi cần được điều trị. Ở đây không có ai chăm sóc chúng tôi".
Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh gom bệnh nhân tới các cơ sở y tế tạm thời ở Vũ Hán từ hồi đầu tháng khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy bệnh nhân lây virus cho người nhà trong lúc cách ly tại gia.
Các quan chức tuyệt vọng vội vàng nghĩ ra kế hoạch chuyển đổi sân vận động, trung tâm triển lãm, khách sạn và trường học thành các trung tâm y tế tạm thời nhằm tiếp nhận hàng nghìn người chưa được nhập viện.
Những bệnh nhân có kết quả dương tính với nCoV nhưng chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ sẽ được xếp chung một chỗ. Các trường hợp nghi nhiễm sẽ bị cách ly tại những khách sạn và trường học được trưng dụng. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm virus và bệnh nhân có triệu chứng sốt, nhiều khả năng nhiễm cũng được đưa đến các sơ sở riêng biệt. Một số bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng thì được chuyển tới hai bệnh viện dã chiến mới xây.
Bệnh nhân và người nhà còn phàn nàn về việc họ chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tại những khu vực mà người bệnh cần được cách ly và quan tâm đặc biệt về y tế.
Ngày 8/2, hai ngày sau khi chồng nhập viện vì nhiễm nCoV, bà Ma Xilian, 59 tuổi, được bác sĩ thông báo rằng bà cũng có thể nhiễm bệnh, dựa trên các triệu chứng và một tấm phim chụp X-quang lồng ngực. Bà lập tức được đưa đến một trung tâm cách ly. Bà yêu cầu được về nhà lấy thuốc trợ tim nhưng bị từ chối.
Trong buồng cách ly tại khách sạn, Ma cho hay bà không có bác sĩ, thuốc men, thậm chí cả nước uống.
"Sự quan tâm giữa người với người ở đâu cơ chứ?", con dâu bà viết trong một bài đăng cầu cứu trên mạng xã hội.
Nhiều người nói việc không được chăm sóc y tế tại các trung tâm cách ly tạm chỉ khiến tình trạng bệnh của họ trở nên trầm trọng hơn.
Peng Bangze, con trai Peng Andong, nhớ lại lần đến thăm cha hôm 8/2 sau một ngày không thể liên hệ với ông. Anh phát hiện ra cha mình đã rơi vào hôn mê và nằm một mình trong phòng.
Hoảng loạn, anh kêu gọi giúp đỡ. Khi xe cứu thương đến, cả tài xế lẫn nhân viên an ninh khách sạn đều từ chối giúp anh đưa cha lên xe vì sợ lây nhiễm, Peng kể. Một tiếng sau, anh nhận được cuộc gọi thông báo bệnh viện không còn giường và bảo anh đưa cha về khu cách ly chờ.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân vào bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán. Ảnh: XIAO YIJIU/AP. |
Hai ngày sau, gia đình Peng cuối cùng cũng nhận được cuộc gọi từ giới chức địa phương thông báo đã có giường cho cha anh. Nhưng khi Peng đến khách sạn đưa cha tới bệnh viện, anh nhìn thấy ông nằm úp mặt trên giường, không còn thở nữa.
Nhân viên tại cơ sở cách ly kể trên không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Họ tẩy trùng căn phòng. Thi thể ông Peng Andong được chuyển tới nơi hỏa táng. Peng thu dọn đồ đạc của cha.
"Tôi không hiểu sao chuyện này có thể xảy ra", anh nói. "Nó chỉ diễn ra trong vòng vài ngày. Tại sao nó lại đường đột thế chứ?".
Các nước có bệnh nhân nhiễm virus corona. |
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)
Nhiều khu chợ tại ‘tâm dịch’ Vũ Hán mở cửa trở lại
Dù tình hình dịch virus viêm phổi Covid-19 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vẫn diễn ra hết sức phức tạp, nhưng điều này ... |
Những người nước ngoài mắc kẹt trong sợ hãi ở Vũ Hán
Những người nước ngoài còn lại ở Vũ Hán, trong đó có nhiều du học sinh đang phải sống sợ hãi khi bị kẹt trong ... |
Trung Quốc điều thêm 2.600 lính quân y tới Vũ Hán
Quân đội Trung Quốc triển khai thêm 2.600 y bác sĩ tới Vũ Hán để đối phó virus corona, 1.400 người lên đường ngay hôm ... |
Những cái chết "ngoài sổ sách" ở Vũ Hán
Bác sĩ cho rằng Wei Junlan tử vong vì virus corona, nhưng cái chết của bà không được đưa vào thống kê dịch Covid-19 của ... |