Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong giai đoạn cuối tháng 4 và tháng 5, vấn đề lao động, việc làm có nhiều diễn biến khó khăn, chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn trong tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài.
Vấn đề lao động, việc làm có nhiều diễn biến khó khăn, đòi hỏi phải tăng cường hỗ trợ tư vấn, tìm kiếm việc làm mới cho người lao động.
Cụ thể: Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là 8.644 doanh nghiệp (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp), chủ yếu thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử... Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp). Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người, chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng (lao động ngành dệt may 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử 45.075 người). Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), thành phố Hồ Chí Minh (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người).
Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng). Số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng). Số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người (chiếm 1,64% lao động bị ảnh hưởng), trong đó nhiều nhất là lao động ngành dệt may với 3.826 người.
Số lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Tỷ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất (28% lao động là thợ may, 8% lao động là thợ lắp ráp).
Số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm: Các doanh nghiệp thiếu đơn hàng do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao; chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm... khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho không xuất được, không có đơn hàng mới. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh được. Một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa, và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các doanh nghiệp gặp khó để sắp xếp lại hoạt động sản xuất, trong khi đó, sau đại dịch Covid-19, nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp không còn đủ để thực hiện.
Theo đánh giá chung của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.