Hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới 2022 - 2023

Sáng nay (5/9), hơn 23 triệu học sinh trên cả nước tham gia lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023 trong bối cảnh bình thường mới, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt.

Nguyễn Phương Uyên Linh, học sinh lớp 11 trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thức dậy từ sớm thay bộ áo dài mới, chỉnh lại đầu tóc gọn gàng và tranh thủ ăn sáng để kịp tới trường khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Dù học lớp 11 nhưng đây là lần đầu tiên Uyên Linh được tham gia lễ khai giảng năm học mới dưới mái trường Việt Đức, năm ngoái, ảnh hưởng dịch COVID-19, học sinh toàn thành phố phải khai giảng online.

Nữ sinh mong muốn, năm học 2022 - 2023 sẽ diễn ra suôn sẻ, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. "Gần 3 năm qua, dịch bệnh khiến việc học nhiều lần bị gián đoạn, kiến thức của chúng em phần nào bị ảnh hưởng. Hy vọng năm nay việc học sẽ ổn định, học sinh không phải nghỉ giữa chừng vì dịch, được tới trường thường xuyên để củng cố, bồi đắp thêm các kiến thức trọng tâm, chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng sắp tới", Uyên Linh nói.

Hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới 2022  - 2023 - 1

Học sinh khai giảng năm học mới. 

Trước thềm năm học mới, Thủ tướng ra Chỉ thị số 14 về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Chỉ thị nêu rõ, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên một số địa phương còn nhiều hạn chế. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa được chú trọng trong các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tình trạng trường lớp học quá tải vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn và các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như ở các vùng sâu, vùng xa. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chậm được giải quyết.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhân ngày khai trường năm học mới, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học 2022 - 2023 bắt đầu trong tình hình mới, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, những việc ngành giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức.

"Thách thức của việc khắc phục hậu quả rất nặng nề của dịch bệnh để lại. Thách thức của việc đổi mới giáo dục phổ thông. Thách thức của việc nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Thách thức của việc phổ cập. Thách thức của việc đưa trẻ đến trường trên phạm vi cả nước. Thách thức của sự vượt lên chính mình để khẳng định chất lượng giáo dục và đào tạo và tăng cường, tạo dựng thêm niềm tin về phía xã hội vẫn luôn là thách thức rất lớn đối với toàn ngành", Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục mong toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới. Ông mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho  xã hội.

Bộ trưởng Sơn cũng mong cácị phụ huynh hết sức chia sẻ với những khó khăn của của ngành Giáo dục để có sự đồng hành, hỗ trợ đối với ngành mang đến kết quả giáo dục tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong tương lai.

https://vtc.vn/hon-23-trieu-hoc-sinh-ca-nuoc-buoc-vao-nam-hoc-moi-2022-2023-ar697007.html

HÀ CƯỜNG / VTC News