Hồi sinh sông Tô Lịch: Dân không quan tâm chỉ số, chỉ mong hết mùi hôi

Theo chuyên gia Nhật Bản, người dân sống cạnh các dòng sông chết không quan tâm đến các chỉ số kỹ thuật, chỉ mong xử lý triệt để mùi hôi thối.

Ở Hà Nội, không chỉ người dân sống gần sông Tô Lịch phải chịu đựng mùi hôi thối mà sống cạnh các con sông Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ, Tích, Đáy đều chung số phận…

Suốt 3 thập kỉ qua, câu chuyện "hồi sinh" sông Tô Lịch nhiều lần được nhắc đến. Tuy nhiên, 3 thập kỉ qua đi, nhiều đứa trẻ sinh ra bên dòng sông hôi thối giờ đã lập gia đình và lại sinh ra những đứa trẻ khác cũng vẫn phải hít thở mùi hôi thối của con sông này.

Về lâu dài, khi có điều kiện, TP vẫn nên hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị, xây dựng hệ thống  thu gom nước thải đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, người dân sống ở hai bên bờ dòng sông ô nhiễm mong mỏi nhất là xử lý được triệt để mùi hôi thối.

Bà Nguyễn Thị Hương (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) kể: "Sau mỗi trận mưa, trời nắng lên hoặc nổi gió, mùi thối từ dưới sông bốc lên rất khó chịu. Không ít gia đình vì không chịu nổi đành phải cho thuê lại nhà, chuyển tới nơi khác sinh sống.

Ngần ấy năm trôi qua, sông Tô Lịch vẫn có một màu đen kịt. Giờ đây dòng sông đen hơn, nặng mùi hơn, người dân cũng không còn sức kêu than nữa”.

Sông Tô Lịch ô nhiễm, bốc mùi hôi thối

Nói về sông Kim Ngưu, bà Vũ Thị Hoàn (ở dãy D ngõ 357 đường Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng) ngán ngẩm: “Những hôm trời nắng nóng, mùi bốc lên không chịu được. Một số người vẫn đi lại, chạy bộ, tập thể dục…, nhưng hầu hết phải đeo khẩu trang".

Nạo vét bùn ở sông Kim Ngưu

Sống cạnh sông Lừ, anh Nguyễn Văn Tuấn nhận xét: “Trời mưa, xong nắng lên là nó bốc mùi kinh khủng, hôi, nồng lắm. Hôm nào gió thổi thì nhà tôi phải đóng kín cửa”.

Bà Nguyễn Thị Lan, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông bức xúc: "Gia đình tôi sống cạnh sông Nhuệ nhiều thế hệ, trước đây sông không ô nhiễm nặng như mấy năm gần đây, mang tiếng ở Hà Nội nhưng khổ đủ bề. Những ngày trời nắng nóng, mùi hôi từ sông bốc lên rất khó chịu".

Sông Nhuệ nước đen kịt, bốc mùi hôi thối

Còn ông Nguyễn Hữu Nghĩa (54 tuổi, làng đào Ngọc Trục thuộc phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) nuối tiếc: “Chỉ khoảng hơn chục năm trước, chúng tôi vẫn thả lưới, đánh dậm... để kiếm con tôm, con cá. Nước sông Nhuệ còn được các hộ làm nông dùng để cấy hái, trồng cây cảnh, sản xuất hoa màu. Nhưng những năm gần đây, nước sông ô nhiễm, không những tôm cá không sống nổi, mà người lội sông còn bị mẩn ngứa, mắc bệnh ngoài da”.

 

 

 

Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay cần đặt ra là xử lý mùi hôi thối bốc lên từ các dòng sông. Trong khi chúng ta vẫn nghĩ rằng hàng ngày vẫn có 78% nước thải chưa qua xử lý chảy ra sông thì không thể xử lý được. Nhưng vừa qua Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản đã tài trợ thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và cho thấy, mặc dù hàng ngày hàng giờ vẫn có nước thải chưa qua xử lý chảy liên tục vào khu thí điểm nhưng kết quả mùi hôi thối đã giảm 200 lần.

Theo cảm nhận của người dân sông cạnh khu thí điểm, chỉ trong 3 ngày mùi hôi thối đã gần như không còn nữa. Cô An (55 tuổi, đường Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy) chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới thấy sông Tô Lịch sạch sẽ như vậy. Buổi sáng đi tập thể dục qua đây, thấy nước sông chuyển màu rõ rệt, không đen xì như ngày trước, mùi hôi thối cũng không còn nữa”.

Cũng theo cô An, người dân ở đây rất phấn khởi và hi vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra cả con sông Tô Lịch.

Ngồi hóng mát bên bờ sông Tô Lịch, ông Nguyễn Bá Thành (đường Hoàng Quốc Việt) kể, mọi khi đi qua đây ông bịt khẩu trang vẫn ngửi thấy mùi, bây giờ mùi hôi đã biến mất. "Người dân sinh sống ven sông được hít thở không khí trong lành, chúng tôi lo nếu hệ thống này bị dỡ đi thì lại khổ sở vì mùi hôi thối mất”.

Ông Nguyễn Bá Thành thường xuyên hóng mát bên bờ sông Tô Lịch, đoạn được thử nghiệm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Nhật Bản

Theo anh Trần Thanh Toàn (công nhân công ty môi trường Hà Nội, người phụ trách vớt rác, vệ sinh đang làm việc trên sông Tô Lịch), sau khi đặt thiết bị công nghệ để xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch thì hiệu quả thấy rõ là mùi hôi thối giảm rất nhiều so với trước.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định: “Đây là công nghệ rất tiến bộ. Các vi khuẩn có hại thì bị giảm đi, còn vi sinh vật có lợi thì tiếp tục phát huy chức năng của nó trong hệ sinh thái nước. Nó làm cho không còn mùi hôi nữa và giải quyết được các chất hôi, thối trong bùn mà từ lâu nay các công nghệ khác chưa giải quyết được triệt để”.

TS Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản cho hay: “Ở Nhật Bản, ngoài các quy định về quy chuẩn chất lượng nước như QCVN còn có quy chuẩn về 'Thế nào là một dòng sông an toàn, không bốc mùi hôi thối'.

Người dân Việt Nam sống cạnh các dòng sông chết không biết và không quan tâm về các chỉ số kỹ thuật nhưng điều họ mong mỏi nhất là cơ quan quản lý nhà nước xử lý được triệt để vấn đề mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông ô nhiễm đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến cuộc sống”.

Hoàn toàn có thể dùng công nghệ Nhật Bản làm sạch sông Tô Lịch, Hồ Tây
Gần 1 tháng sau khi thả, đàn cá Koi Nhật Bản trên sông Tô Lịch sống ra sao?
Thủ tướng giao Hà Nội đánh giá kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch
/ vietnamnet.vn