Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ và những điều đáng chú ý

Ngày 7/6, Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) chính thức khai mạc tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ và kéo dài tới hết ngày 10/6. Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden đặt mục tiêu củng cố ảnh hưởng của Mỹ và tái gắn kết với các nước láng giềng để xây dựng một tầm nhìn chung sau nhiều năm Washington có vẻ “lãng quên” khu vực này.

Nội dung nghị sự được cho là sẽ trải rộng trên nhiều vấn đề từ hợp tác kinh tế, năng lượng, chống buôn bán ma túy cho tới di cư...

Sau một năm bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19, Hội nghị Thượng đỉnh OAS năm nay được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vài tuần qua, các thông tin cho thấy dường như như nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của Mỹ Latinh và Caribbean sẽ không tham dự hội nghị. Mỹ trước đó đã quyết định không mời lãnh đạo các nước Cuba, Venezuela và Nicaragua dự sự kiện này. Đây là động thái gây nhiều tranh cãi, dẫn tới việc lãnh đạo nhiều quốc gia Mỹ Latinh tẩy chay hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ và những điều đáng chú ý -0

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Bán cầu Brian Nichols tại cuộc họp báo về Hội nghị Thượng đỉnh OAS hôm 6/6 ở Los Angeles. Ảnh: wvnews

Ngày 6/6, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tuyên bố sẽ không tham dự và cử ngoại trưởng đi thay, trừ khi tất cả các quốc gia trong khu vực được mời. Lãnh đạo các nước Guatemala, Bolivia và Honduras cũng tuyên bố không tham dự mà chỉ cử cấp thấp hơn, trong khi Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou không tới Mỹ vì mới mắc COVID-19. Nhiều nước đã phê phán quyết định trên của Washington là không công bằng và phản tác dụng. Thậm chí còn có tin đồn Argentina sẵn sàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác làm đối trọng.

Tới thời điểm này, các trợ lý của người đứng đầu Nhà Trắng vẫn chưa biết chính xác rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đề xuất những gì với các đối tác tại Hội nghị Thượng đỉnh OAS lần thứ 9. Điều đó một phần là vì nhóm tổ chức hội nghị thượng đỉnh vẫn đang thảo luận các chi tiết, hoặc các quan chức chủ trương để Tổng thống Joe Biden công bố bất ngờ.

Tuy nhiên, quan chức Nhà Trắng khiến báo giới cảm nhận được những gì sắp xảy ra: Đó sẽ là một đề xuất khung kinh tế nhằm giải quyết các vướng mắc như sự đứt gãy chuỗi cung ứng; một sáng kiến nhằm thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe và an ninh y tế để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai và củng cố chuỗi cung ứng; một quan hệ đối tác mới về khí hậu và năng lượng với các quốc gia Caribbean; một kế hoạch an ninh lương thực có thể thu hút nhiều ngân quĩ hơn; và một đề xuất mới liên quan tới vấn đề người di cư mà các nước khác nhau cùng chia sẻ trách nhiệm.

Rất khó dự báo mức độ Tổng thống Joe Biden điều chỉnh các yếu tố chính trị trong nước vì chính sách đối ngoại. Điều này khiến nhiều nhà lãnh đạo Mỹ Latinh và Caribbean không thoải mái, vì họ cho rằng, chính sách của Washington đối với khu vực Tây bán cầu không nên bị coi là “con tin” trong cuộc đấu đá chính trị nội bộ tại Mỹ. Chủ nghĩa dân túy ngày càng tăng ở Mỹ khiến ông chủ Nhà Trắng rất khó thúc đẩy các thỏa thuận thương mại. Căng thẳng chính trị trong nước xoay quanh vấn đề di cư cũng khiến nhà lãnh đạo Mỹ gặp khó khi bãi bỏ một số chính sách áp đặt thời cựu Tổng thống Donald Trump. Và môi trường chính trị đặc biệt ở Florida, tiểu bang có nhiều người gốc Cuba và Venezuela sinh sống, khiến ông Joe Biden khó điều chỉnh chính sách ngoại giao đối với La Habana và Caracas.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cáo buộc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là như một phần của cuộc đối đầu toàn cầu qui mô lớn hơn, đồng thời chủ trương kêu gọi đông đảo đồng minh và đối tác tham gia cùng Washington gây sức ép với Moscow. Song sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh đối với nỗ lực của Nhà Trắng hiện khá trái chiều. Dù nhiều người phê phán chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, song họ cũng đang cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow. Nhiều người lâu nay thậm chí còn hoài nghi ý định của Washington và thường tránh đồng quan điểm với người hàng xóm khổng lồ này. Trong thời gian diễn ra hội nghị OAS, liệu Tổng thống Joe Biden có thể thuyết phục các đối tác như người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin không?

Không có quốc gia nào “căng thẳng” trước Hội nghị Thượng đỉnh OAS nhiều như Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mới đây đã liên tiếp công kích Mỹ liên quan tới quyết định không mời một số quốc gia tham dự hội nghị này. Ông nhấn mạnh: “Mỹ Latinh không phải là “tòa án phía trước” hay “sân sau” của một quốc gia nào cả, và Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ cũng không phải là “Hội nghị thượng đỉnh nước Mỹ”.

Theo quan chức ngoại giao Trung Quốc, “kế hoạch của Washington can thiệp vào các vấn đề khu vực bằng cách tận dụng ưu thế của mình với tư cách là chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh OAS sẽ thất bại”. Chính phủ Trung Quốc lâu nay muốn xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh, và dấu ấn kinh tế của Trung Quốc tại những nước này là khó có thể phủ nhận.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của các nước Nam Mỹ và lớn thứ hai đối với khu vực Mỹ Latinh nói chung, chỉ sau Mỹ. Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm quan hệ hợp tác an ninh, văn hóa và công nghệ nhiều hơn với các nước Mỹ Latinh. Theo các chuyên gia, Tổng thống Joe Biden sẽ cố gắng thúc đẩy các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh tham gia vào một khuôn khổ kinh tế và từ chối các đề nghị của Trung Quốc. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh OAS lần thứ 9, ông Joe Biden được đánh giá là khó có khả năng đề xuất các thỏa thuận thương mại lớn, điều một số nước Mỹ Latinh chờ đợi hơn cả. Nhập cư vẫn là điểm nóng chưa được giải quyết và yếu tố chính trị trong nước sẽ chi phối mạnh cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực này… Dù vậy, giới chức Mỹ vẫn khẳng định Tổng thống Joe Biden sẽ không tới hội nghị ở Los Angeles với hai bàn tay trắng và các nhà lãnh đạo khu vực sẽ chứng kiến một sự bất ngờ thú vị.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/hoi-nghi-thuong-dinh-chau-my-va-nhung-dieu-dang-chu-y-i656350/

Khổng Hà / VTC News