Chỉ còn ít tuần nữa là học sinh tiểu học sẽ kiểm tra, thi học kỳ I. Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, vấn đề được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm tại thời điểm này là việc thi học kỳ I sẽ được diễn ra bằng hình thức nào, nhất là đối với học sinh đầu cấp như lớp 1.
Linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá
Theo hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành, đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
Nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện. Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung chính trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng giáo dục và đào tạo để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Ở trường hợp này, theo quy định, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Hướng dẫn cũng nêu rõ, đối với các lớp 3, lớp 4, lớp 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch COVID-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá. Các nhà trường thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc. Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán, môn Tiếng Việt.
Bộ GD&ĐT tạo yêu cầu việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của người học. Nội dung đề kiểm tra phù hợp với yêu cầu cần đạt về nội dung học tập và các thành phần năng lực của môn học.
Chỉ tập trung vào kiến thức cốt lõi
Năm nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước nên đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nói chung, đặc biệt là học sinh các lớp đầu cấp. Thực tế cho thấy, thời gian học trực tiếp bị gián đoạn hoặc học trực tuyến kéo dài đều ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Chị Hà Ngọc Anh, phụ huynh có con học lớp 1 tại Hà Nội chia sẻ: “Mặc dù gia đình đã rất cố gắng, nỗ lực tạo điều kiện để kèm cặp con suốt nhiều tháng dài học trực tuyến nhưng hiệu quả thực tế không cao. Nếu so với các anh chị trước đây được học trực tiếp, con thiếu hụt nhiều hơn cả về kiến thức, kỹ năng do các con chưa quen với việc ngồi nghiêm chỉnh trước màn hình để theo dõi bài giảng suốt cả tiếng đồng hồ.
Thiếu vắng sự kèm cặp trực tiếp của giáo viên để giám sát việc con đánh vần, viết những nét chữ đầu tiên, làm quen với con số hay điều chỉnh cách cầm bút, tư thế ngồi học cũng là những thiệt thòi không dễ bù đắp do bố mẹ không phải là cô giáo với đầy đủ các kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm xử lý tình huống”. Nhiều phụ huynh có con học lớp 4 và lớp 5 cũng thừa nhận, dù đã có thời gian làm quen với hình thức học trực tuyến, thuần thục các kỹ năng xử lý máy tính nhưng các con đều bị “rơi rớt” nhiều kiến thức. Lý do là sự tập trung khi học trực tuyến không thể cao như học trực tiếp; lớp học đông, sự hạn chế trong tương tác giữa giáo viên và học sinh cũng khiến cho hứng thú học tập của các con bị giảm sút.
Ngoài ra, việc “dồn” chương trình từ 2 buổi/ngày khi học trực tiếp thành 1 buổi/ngày khi học trực tuyến cũng buộc giáo viên phải tinh giản nội dung dạy học. Do vậy, phụ huynh đề xuất, việc kiểm tra học kỳ I cũng cần tinh giản, chủ yếu chỉ tập trung vào các kiến thức cốt lõi, không kiểm tra với các nội dung thực hiện tinh giản hoặc giáo viên giao học sinh tự học, tự thực hành. Nếu học trực tuyến thì cũng nên kiểm tra theo hình thức trực tuyến để đảm bảo sự phù hợp và tương thích.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Dù các trường thực hiện kiểm tra định kỳ theo hình thức nào, trực tiếp hay trực tuyến thì câu hỏi, bài tập kiểm tra phải được thiết kế đảm bảo các mức theo quy định, tập trung vào nội dung học tập “cốt lõi”, tránh gây áp lực không cần thiết đối với học sinh.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 được quy định tại Quyết định số 2551 không đủ để thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, các cơ sở giáo dục đề xuất Sở GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT đề xuất phương án điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Ngày đầu học sinh TP Hồ Chí Minh đến trường trở lại
Sáng 13/12, học sinh các khối 9 và 12 các trường THCS và THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã trở lại trường ... |
Linh hoạt tổ chức dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh trong điều kiện dịch bệnh
Linh hoạt tổ chức dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh trong điều kiện dịch bệnh |