Học sinh gây rối, trộm cắp tài sản bị khởi tố hình sự có được đi học?

Liên tiếp các vụ gây rối trật tự, trộm cắp, đua xe trái phép bị khởi tố trong thời gian qua mà người thực hiện hành vi là trẻ vị thành niên đã khiến dư luận lo lắng, bất an. Nhiều người hỏi, nếu bị khởi tố, học sinh có được tiếp tục đi học?

Về Tội gây rối trật tự công cộng, Điều 318 BLHS 2015 quy định, mức hình phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù với một trong các trường hợp: Phạm tội có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng; Xúi giục người khác gây rối...

Với Tội trộm cắp tài sản, đối tượng thực hiện hành vi sẽ phải đối diện mức án cao nhất là 20 năm tù nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Còn về Tội đua xe trái phép, mức hình phạt cao nhất cũng là 20 năm tù đối với một trong các trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên.

Học sinh gây rối, trộm cắp tài sản bị khởi tố hình sự có được đi học? ảnh 1

Nhóm đối tượng gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản có tuổi đời chỉ từ 14-15 tuổi

Tùy theo mức độ hành vi phạm tội, những bị can bị khởi tố về tội này sẽ thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng - luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Theo Điều 419 Bộ luật TTHS 2015, thanh thiếu niên phạm tội nếu có nơi ở rõ ràng, không có dấu hiệu của hành vi bỏ trốn thì sẽ không áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ, chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Người bị cấm đi khỏi nơi cư trú không được đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan…

Trường hợp bị can do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Như vậy, nếu không bị áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ thì thanh thiếu niên phạm tội vẫn có thể được đi học - luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.

Pháp luật hình sự không có quy định cấm học sinh đi học nếu không bị tạm giam hoặc chấp hành án phạt tù, song theo Điều 20 Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh, sinh viên sẽ bị đình chỉ học tập 1 năm nếu đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp kỷ luật cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi học sinh sinh, viên không được làm.

Các hành vi đó bao gồm: Gây rối an ninh, trật tự trong trường hoặc nơi công cộng; Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường, học sinh sinh viên khác; Đánh bạc hay Đua xe, cổ vũ đua xe trái phép...

Cũng theo luật sư Thanh Hà, trường hợp học sinh sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù (kể cả trường hợp bị xử phạt tù được hưởng án treo) thì bị buộc thôi học.

Huệ Linh / anninhthudo.vn