Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, khi các trường đại học được tự chủ trong việc tính toán chi phí đào tạo mà người học phải trả cho trường, nhất định phải đảm bảo công khai, minh bạch. Không thể cộng đủ các thứ để bắt sinh viên gánh.
Cần quy định rõ chi phí đào tạo gồm những gì
Đề xuất thay khái niệm “học phí” bằng “giá chi phí đào tạo” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất khi sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đang nhận được sự quan tâm của dư luận, với nhiều tranh cãi. Bởi trước đó chưa lâu, người dân cũng đã “rối tung” với các khái niệm “thu phí”, “thu giá” BOT mà Bộ Giao thông và Vận tải đưa ra.
Về bản chất, việc chuyển từ phí sang giá là thay đổi hoàn toàn quan niệm. Bởi phí là Nhà nước ấn định theo Luật phí, Lệ phí và các cơ sở giáo dục, đào tạo không được phép thay đổi phí đó, bởi Nhà nước đã ấn định rồi.
Còn nếu chuyển sang “giá dịch vụ đào tạo”, tức là sẽ phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Họ sẽ có quyền tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý và được nhà nước chấp nhận, trở thành chi phí đào tạo mà người học phải trả cho trường.
Nói một cách dễ hiểu nhất là các trường sẽ được tự chủ trong việc tính toán ra một khoản chi phí đào tạo mà người học sẽ phải trả nếu chấp nhận vào học. Chi phí này sẽ có cao, có thấp, tùy vào chất lượng của từng trường, chứ không "cào bằng” một mức như trước.
Còn quyền lựa chọn thuộc về người học, chọn những “dịch vụ đào tạo” phù hợp với khả năng và túi tiền của mình.
Điều khiến nhiều người băn khoăn nhất nếu áp dụng cơ chế này là: Làm thế nào để biết các trường tính đúng, tính đủ? Ai giám sát việc đó?
Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, dù các trường được tự chủ trong việc đưa ra mức giá dịch vụ đào tạo, nhưng Nhà nước phải quy định chứ không phải tính bất kể cái gì cũng được.
Chẳng hạn trong chi phí đào tạo có thể bao gồm tiền lương trả cho giáo viên, chi phí giảng đường, chi phí thiết bị giảng dạy học tập… Nhưng nếu lấy tiền đi du lịch, nghỉ mát, vẽ ra đủ thứ tiền khác để tính vào giá dịch vụ đào tạo thì nhất quyết không được.
Đồng tình với việc chuyển từ “học phí” sang “chi phí đào tạo” đối với giáo dục đại học, nhưng ông Cường cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có tiêu chí tính giá dịch vụ, như quy định mục nào được tính, mục nào không được tính vào chi phí đào tạo mà sinh viên phải đóng. Có tiêu chí rõ ràng sẽ dễ trong việc giám sát các trường có thực hiện đúng quy định hay không.
“Thu giá dịch vụ đào tạo” - nghe không quen tai
Từ thực tế của trường mình, bà Nguyễn Thị Thu Dung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Thái Bình – cho rằng, học phí vẫn là cụm từ quen thuộc, nếu gọi là “giá dịch vụ” thì nghe không quen tai.
“Nói thật là trong quá trình quản lý, trường tôi xây dựng tự chủ cũng thực hiện theo giá dịch vụ đào tạo, nhưng chúng tôi vẫn đóng mở ngoặc là học phí để phụ huynh, sinh viên dễ hiểu” – bà Dung chia sẻ.
Ngoài ra, theo bà Dung, khi phụ huynh đến nộp học phí mà nói giá dịch vụ thì thấy không phù hợp môi trường sư phạm, giống như đi mua bán vậy. Vì vậy, bà kiến nghị dự thảo luật cần giữ tên gọi học phí, nhưng quy định cụ thể là bao gồm những gì.
Ông Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân – cũng cho rằng, luật cần quy định để các cơ sở giáo dục không thể tính giá bao nhiêu cũng được, mà phải quy định những gì được tính giá, những gì không. Toàn bộ những khoản thu vào và chi ra phải công khai để bản thân người học cảm thấy số tiền đã đóng là xứng đáng.
“Học giá”
Đây là từ ngữ tràn ngập mạng xã hội từ sáng qua, sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội cho biết, sẽ ... |