- Đề xuất lộ trình thu học phí phù hợp với khả năng chi trả của người dân
- Các đại học khối Y Dược đồng loạt tăng học phí, cao nhất gần 80 triệu đồng
Thành phố Hà Nội dự kiến trình HĐND thành phố nghị quyết quy định mức thu học phí mới từ năm học 2023-2024. Theo phương án dự kiến, TP Hà Nội sẽ đề xuất HĐND thành phố tạm dừng hỗ trợ học phí từ năm học 2023-2024; áp dụng học phí theo khung quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ và bằng mức học phí của năm học 2022-2023; đồng thời TP cũng sẽ có phương án hỗ trợ học phí đối với học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách.
Hà Nội dừng chính sách hỗ trợ, học phí một số cấp học dự kiến tăng gấp đôi
Theo Dự thảo Nghị quyết về học phí năm học 2023-2024 của TP Hà Nội để lấy ý kiến, dự kiến trình HĐND TP Hà Nội trong thời gian tới, học phí các cấp từ mầm non đến phổ thông được điều chỉnh theo Nghị quyết 81 của Chính phủ. Cụ thể, học phí với học sinh vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng, vùng nông thôn 100.000-200.000 đồng, vùng dân tộc thiểu số 50.000-100.000 đồng.
Thực tế, mức này bằng khung học phí mà Hà Nội áp dụng năm học 2022-2023 (dao động 50.000-300.000 đồng/tháng với trẻ mầm non và học sinh phổ thông). Tuy nhiên, nếu so với mức thu 19.000-217.000 đồng/tháng của năm 2021-2022, học phí một số bậc học áp dụng cho năm học 2023-2024 dự kiến sẽ tăng mạnh.
Cụ thể, người có con học THPT ở các xã miền núi đóng học phí 100.000 đồng một tháng, tăng hơn bốn lần so với mức cũ là 24.000 đồng. Các bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng khoảng hai lần, từ 19.000-24.000 đồng lên 50.000 đồng. Tương tự, phụ huynh có con học mầm non và THCS ở nội thành sẽ phải đóng học phí gần gấp đôi, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng một tháng. Nếu học trực tuyến, các trường thu 75% mức học phí đã được ban hành.
Hà Nội cũng công bố dự thảo về mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao, không thay đổi so với năm 2022. Trong đó, mức học phí thấp nhất là 5.100.000 và cao nhất là 6.100.000.
Trên cơ sở mức trần học phí, Thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của địa bàn, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và kết quả kiểm định để quyết định mức thu học phí cụ thể (tỷ lệ tăng học phí không quá 7,5%) sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD&ĐT phân cấp quản lý.
Đề xuất mức học phí năm 2023-2024 bằng mức sàn theo quy định của Chính phủ
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Nhằm chia sẻ với người dân trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm học 2022-2023, Hà Nội áp dụng chính sách hỗ trợ mức học phí của học sinh các cấp học. TP đã chi ngân sách khoảng 1.133 tỷ đồng để cấp bù phần chênh lệch và hỗ trợ 50% học phí. Do đó, số tiền thực đóng của phụ huynh năm học 2022-2023 không tăng so với trước.
Hiện nay, đời sống người dân thành phố đã ổn định sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; nền kinh tế cũng đang dần phục hồi, thể hiện rõ ở các chỉ số đã nêu, vì vậy, thành phố Hà Nội dự kiến đề xuất HĐND thành phố tạm dừng hỗ trợ học phí từ năm học 2023-2024.
Tuy nhiên, để bảo đảm ổn định mức học phí so với năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội dự kiến đề xuất mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức học phí năm học 2022-2023 và bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
“Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định mức sàn học phí của học sinh các cấp học là 300.000 đồng/học sinh/tháng, mức trần học phí của học sinh mầm non, tiểu học là 540.000 đồng/học sinh/tháng; mức trần học phí của học sinh THCS, THPT là 650.000 đồng/học sinh/tháng thì thành phố Hà Nội đề xuất mức thu học phí tất cả học sinh các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đều là 300.000 đồng/học sinh/tháng, tức là mức thấp nhất trong khung quy định của Chính phủ”-ông Cương cho hay.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi đối tượng học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục. Cụ thể, các đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh khuyết tật và các đối tượng chính sách khác được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Ước tính, tổng số trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí năm học 2023-2024 là 16.623 học sinh. Tổng kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo mức thu học phí đề xuất dự kiến khoảng 16,6 tỷ đồng.