Học đại học làm gì?

“Anh không tua bằng máy quay. Chúng ta dừng xe, em đón xe ôm về cơ quan tua băng rồi quay lại, bọn anh đợi”.

“Anh không tua bằng máy quay. Chúng ta dừng xe, em đón xe ôm về cơ quan tua băng rồi quay lại, bọn anh đợi”.

Cách đây 15 năm, hệ thống truyền hình vẫn sử dụng băng từ (tín hiệu analog) để ghi hình và phát sóng. Mỗi chiếc camera chuyên dụng loại Betacam của hãng Sony có giá tới cả tỷ đồng, phóng viên quay phim giữ gìn cẩn thận như con đẻ. Mỗi khi ra ngoài quay phóng sự, nhiệm vụ của phóng viên biên tập là phải chuẩn bị băng quay sẵn, và tua về đầu bằng máy tua băng. Việc tua băng bằng máy quay cũng có thể thực hiện, nhưng khá hại máy. Lần đó đi công tác miền núi, ra khỏi thành phố tôi mới phát hiện mình chưa tua băng, và quay phim viên đã dạy tôi bài học không bao giờ quên về kỹ năng chuẩn bị đồ dùng tác nghiệp.

Trường đại học không dạy tôi những kỹ năng đó, tất nhiên, nó quá nhỏ và không thể tính tới nếu không va vào thực tế. Trong khi đó, nghề truyền hình lại bận rộn và nhiều rủi ro đến mức cái phương thức "cứ làm nhiều khắc có kinh nghiệm" cũng khó mà áp dụng, bởi có thể sẽ trả giá rất đắt trên sóng. Bởi thế, thời tôi mới học nghề, một thời gian rất dài chỉ được đi theo để học hỏi.

Ở trường, tôi được học về phỏng vấn. Nhưng thực tế để một cuộc phỏng vấn được hoàn thành, phải có kỹ năng tìm kiếm nhân vật, liên hệ, thuyết phục, đến hiện trường thì phải chọn bối cảnh, góc máy, khi tiến hành phỏng vấn thì phải dựa theo cảm xúc, biểu hiện của nhân vật. Tóm lại, không chỉ là chuyện hỏi – đáp.

Ở trường, tôi được học về phóng sự. Nhưng kỹ năng tìm hiểu thông tin, khai thác các nguồn tin là một chuyện, làm thế nào để luôn nắm được tin sớm nhất, có được tin độc quyền lại là một chuyện khác. Lý thuyết về độ ngắn dài, về hình thức thể hiện phóng sự là một chuyện, bắt được chi tiết hay, tìm được cái tứ để phóng sự trở nên đắt giá lại là chuyện khác. Và cách xử lý hàng đống quan hệ để một chuyến công tác có thể triển khai, lại càng là một kỹ năng khác nữa.

Những kỹ năng ấy, tôi phải học hàng năm trời, bỡ ngỡ còn hơn buổi đầu tới giảng đường. Và tỉ lệ sử dụng kỹ năng được học trên thực tế so với lý thuyết học trong nhà trường có lẽ phải lên tới 70-30%.

Với vị trí quản lý cấp phòng, trong 6 năm qua tôi đã phỏng vấn, tuyển dụng số nhân sự lên tới cả trăm. Vì đơn vị tôi công tác trong lĩnh vực truyền thông, nên hầu hết nhân sự ứng tuyển đều còn trẻ, là sinh viên mới ra trường, thậm chí chưa ra trường. Những cuộc phỏng vấn thường có công thức thế này: 1. Ứng viên nói về bằng cấp và các thành tích trong học tập của mình rất trơn tru và tự hào. 2. Ứng viên nói khá chung chung về các kỹ năng mà mình có (và sẽ lại quy về bằng cấp để chứng minh). 3.Ứng viên hỏi rất rành mạch về cơ chế đãi ngộ (lương bổng, phụ cấp, kỷ luật lao động...) nhưng lại lúng túng khi được hỏi bạn mang tới cho chúng tôi cái gì?

Kết quả những cuộc phỏng vấn ấy, là một nửa các ứng viên đều tự rút lui ngay sau cuộc phỏng vấn. Có lẽ các bạn cảm thấy hoang mang khi nhận ra chính mình cũng không biết gì nhiều. Phần còn lại, sau khi cân nhắc kỹ càng, chúng tôi mời thử làm việc với một số ít ỏi, và vẫn phải đào tạo cho các bạn từng li từng tí – cái cách mà chúng ta vẫn nói là "cầm tay chỉ việc từ đầu".

Đôi khi bực mình, tôi rất muốn bật ra rằng, Rốt cuộc nhà trường đã dạy các bạn cái gì thế? Nhưng tôi đã luôn kiềm được, vì thực ra tôi biết rõ câu trả lời.

Một khoá đào tạo ngắn hạn, tôi tuyển được 40 người. Sau một tháng, chỉ giữ lại được 8. Và sau khi đẩy đi làm 3 tháng, thì chỉ còn trụ lại được 2 người.

Một bạn phóng viên trẻ được giao đề tài làm phóng sự tại một tỉnh lân cận Hà Nội. Riêng cho việc liên hệ với nhân vật, bạn mất 2 ngày. Ngày thứ 3, bạn phóng xe sang rồi về tay không, vì nhân vật và câu chuyện không như bạn tưởng. Ngày thứ 4 bạn tiếp tục liên hệ lại đề tài, từ đầu, nhưng không quên hỏi rằng ngày cuối tuần bạn được nghỉ một hay hai ngày?

Bỏ qua vấn đề về thái độ, thì hàng loạt kỹ năng yếu khiến bạn loay hoay với những việc rất đơn giản, mà ngay cả quy trình rất rõ ràng cũng không giúp được gì nhiều.

Các bạn tôi, những người có đơn vị kinh doanh riêng, hoặc phụ trách săn tìm nhân sự cho các công ty, cũng rất đau đầu với vấn đề kỹ năng của nhân lực. Một chuyên viên tuyển dụng cho biết, tỉ lệ chọi giữa nhân sự được đào tạo trong nước và từ nước ngoài là 5-1. Tức là 5 người học ở nước ngoài, thì mới có một người nhận bằng trong nước được tuyển. Các mô hình câu lạc bộ hướng nghiệp ở các quốc gia phát triển tạo ra nhiều cơ hội thực tập đúng chuyên ngành ngay từ khi còn đi học. Và các giảng viên thường cũng là chuyên gia đang hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực, có thể đưa sinh viên vào nhiều dự án để vừa học vừa làm.

Sự nặng về lý thuyết mà thiếu kỹ năng (thậm chí là kỹ năng cứng – những thứ thuộc về quy trình) vẫn là vấn đề trầm kha của các trường đại học. Nó tạo ra những thế hệ lao động được xem là có trình độ cao, nhưng ngoài bằng cấp ra thì lại rất thiếu kỹ năng.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cuối năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động tốt nghiệp đại học cao gấp 3,2 - 3,9 lần cao đẳng và trung cấp. Đó là một thực tế đáng sợ.

Nhưng có thực tế khác còn đáng sợ hơn, đằng sau những khuyến khích học nghề vì thừa thày thiếu thợ, trong vài năm qua, số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng (CĐ), trung cấp chỉ trên 50% so với đầu vào. Nghĩa là ngay cả khi các em đã chọn học nghề, thì cũng bỏ cuộc đến một nửa.

Một kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 vừa kết thúc, cái gọi là trượt đại học không còn là nỗi ám ảnh, vì với quyền đăng ký nhiều nguyện vọng các thí sinh dù điểm tổng 3 môn dưới 10 cũng có rất nhiều lựa chọn để vào 1 trường đại học nào đó. Nhưng một lần nữa, các trường cao đẳng và trung cấp dạy nghề sốt sắng với các chiến dịch tuyển sinh sao cho đủ sĩ số khai giảng năm học tới. Trong khi theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có tới 85% học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm.

Quay trở lại với nghề truyền hình, có một điều mà tôi biết chắc chắn, các học sinh tốt nghiệp cao đẳng hay trung cấp truyền hình nổi tiếng giỏi trong kỹ năng dựng phim/ phóng sự (biên tập hình ảnh, âm thanh). Họ không khó để xin việc đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, để có hợp đồng và mức lương tốt, thường thì họ sẽ phải hợp thức hoá bằng một tấm bằng đại học tại chức hoặc văn bằng 2. Mà đó thì lại là vấn đề của hệ thống.

“Ghế” Phó Chủ tịch tài chính VFF và tấm bằng đại học “Ghế” Phó Chủ tịch tài chính VFF và tấm bằng đại học
Bằng đại học sẽ không còn xếp loại học lực: Đừng để “vàng, thau lẫn lộn“ Bằng đại học sẽ không còn xếp loại học lực: Đừng để “vàng, thau lẫn lộn“
"Tự học suốt đời quan trọng hơn văn bằng khá giỏi"
Nâng tại chức lên hay kéo chính quy xuống? Nâng tại chức lên hay kéo chính quy xuống?
Có đánh đồng chất lượng sinh viên? Có đánh đồng chất lượng sinh viên?
/ vnexpress.net