Trả lời phỏng vấn của PV Dân Việt, chuyên gia Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo đã phân tích hành động phi pháp của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động tại khu vực phía Nam Biển Đông.
Ngày 19/7 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
"Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam…
Để làm rõ hơn những vi phạm của phía Trung Quốc, PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ Hoàng Việt – chuyên gia Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Thạc sĩ Hoàng Việt – chuyên gia Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế
Thưa ông, là người nghiên cứu về Luật biển và Hải đảo, theo ông, những vi phạm của tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động tại khu vực nam Biển Đông hiện nay cụ thể là như thế nào?
- Xuất phát từ thông tin của một số nhà nghiên cứu quốc tế, sau đó được báo chí Việt Nam lên tiếng, tối 19/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã liên tiếng rõ ràng về sự việc này.
Đó là việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò dầu khí Hải dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cụ thể là rất gần với khu vực bãi Tư Chính của chúng ta.
Bãi Tư Chính là bãi san hô ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển. Theo các Công ước của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - đối với những bãi ngầm này thì không phải là đối tượng đòi hỏi về chủ quyền trên đó. Để đòi hỏi chủ quyền phải là vùng đất nổi lên trên mặt nước.
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. (Ảnh: Huỳnh Phạm)
Trung Quốc cho rằng bãi Tư Chính nằm trong “Vạn An Bắc” thuộc cấu trúc của quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là “Nam Sa”, đồng thời phía Trung Quốc khẳng định nước này có có toàn bộ chủ quyền trên đó, đặc biệt là khu vực này nằm trên “đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Thế nhưng, theo đúng UNCLOS 1982, với những bãi như Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân – luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là đối tượng yêu sách chủ quyền được. Đặc biệt, theo phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 trong vụ việc Philippines kiện Trung Quốc những bãi này nằm trong vùng biển thuộc nước nào thì nước đó có quyền.
Như vậy, bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, theo Luật biển năm 1982, Việt Nam có đầy đủ quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng này.
Quyền chủ quyền là các quyền liên quan đến thăm dò, khai thác các tài nguyên cả tài nguyên sinh vật và tài nguyên không sinh vật trên khu vực này.
Quyền tài phán là quyền cho phép đặt các ống dẫn dầu, các đường dây cáp ngầm… trên thềm lục địa này. Nhưng quyền này phải thuộc về các quốc gia ven biển. Cụ thể, trong trường hợp này là Việt Nam. Chỉ duy nhất Việt Nam mới có quyền thăm dò, khai thác tất cả các tài nguyên trong khu vực này.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc cho tàu thăm dò đi ngang vào khu vực đặc quyền của Việt Nam thì rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm tới UNCLOS 1982 mà bản thân Trung Quốc cũng là một thành viên trong Công ước này. Đã là thành viên thì Luật Điều ước quốc tế năm 1969 quy định các quốc gia khi tham gia vào Công ước quốc tế phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy định công ước đó.
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
Ngoài ra, theo UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc là thành viên, mỗi quốc gia ven biển sẽ có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và vùng thềm lục địa có thể lên đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982 và Luật quốc tế nói chung. Hành động phi pháp này của Trung Quốc còn xâm phạm quyền lợi của Việt Nam và gây nguy hiểm cho thế giới khi phá vỡ luật chơi chung.
Trung Quốc đã "phớt lờ" Luật quốc tế
Lý luận của Trung Quốc khi tranh chấp với Việt Nam là khu vực này nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc là một phần của cái gọi là “khu vực thuộc quần đảo Trường Sa”. Phải chăng phán quyết của Tòa Trọng tài 3 năm trước không có hiệu lực và ý nghĩa thực chất? Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Theo UNCLOS 1982 đã quy ước rất rõ: Một bãi ngầm chìm hoàn toàn trong nước thì không thể coi là đảo và không thể là một cấu trúc thuộc Trường Sa. Cấu trúc đối với Trường Sa phải dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là về địa lý thì nó không phải là phần nối dài của thềm lục địa vì nó bị cách bởi rãnh sâu ở giữa; Thứ hai, muốn đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ thì phải nổi trên mặt nước còn đối với những bãi luôn luôn chìm dưới mặt nước biển thì không thể là đối tượng đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở trên đó.
Về “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đã đưa ra những phán quyết của mình mà phiên Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 đã khẳng định rõ các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử của vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” là không có căn cứ và vô giá trị.
Khu vực nhà dàn DKI trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. (Ảnh: Huỳnh Phạm)
Bên cạnh đó, Tòa Trọng tài năm 2016 cũng cho biết, những người đến đánh bắt cá đầu tiên tại khu vực này không chỉ là người Trung Quốc mà còn những người dân của đất nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Nhật Bản. Vì vậy Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào đối với “đường lưỡi bò” cũng như các vấn đề về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, dù tự nhận là một “nước lớn, luôn tuân thủ luật pháp quốc tế” nhưng Trung Quốc đã phớt lờ Luật quốc tế. Có nghĩa Trung Quốc đang đi ngược lại với Luật quốc tế, thậm chí đối với phiên tòa năm 2016 Trung Quốc còn thách thức và coi đây như một tờ giấy lộn. Đây là điều Trung Quốc đã vi phạm và chúng ta cần phải cho thế giới và người dân hiểu được điều đó.
Trước những hành xử của Trung Quốc như vậy, theo ông một số nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và các nước trong khu vực có nên lập thành một liên minh pháp lý có thể đưa những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ra công luận?
- Việc này thì nên nhưng cũng có những khó khăn. Hiện Philippines đã khởi kiện thành công Trung Quốc năm 2016, còn lại các nước khác như Việt Nam, Malaysia chưa khởi kiện. Nếu chúng ta thành lập một liên minh các nước Đông Nam Á thì câu hỏi đặt ra là các nước khác có đồng ý hay không, vì một số nước có những lợi ích, tính toán quan điểm của riêng mình. Chưa kể, hiện nay chính Việt Nam và các nước như Malaysia, Philippines còn tranh chấp một số đảo ở Trường Sa, đồng thời cũng có những yêu sách chồng lấn với nhau nên còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, ASEAN đang thảo luận sôi nổi về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Theo ông, COC sẽ giải quyết tranh chấp biển Đông ra sao?
- COC được kỳ vọng là quy tắc ứng xử nhằm kiểm soát các xung đột, kiểm soát các tình trạng căng thẳng trên Biển Đông, không cho nó leo thang thêm.
Nhưng đối với COC, Trung Quốc chưa chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Đặc biệt, Trung Quốc luôn nói một đường làm một nẻo.
Mặc dù phía Trung Quốc nói rằng rất ủng hộ COC nhưng họ chỉ mong muốn sử dụng COC như một công cụ để ràng buộc không cho ASEAN hợp tác với Hoa Kỳ cũng như việc các nước ASEAN sẽ xây dựng các đảo nhân tạo giống như Trung Quốc đã làm.
Chính vì vậy, việc tranh luận về nội dung và các điều khoản cũng như tính ràng buộc của COC vẫn còn tranh cãi, chưa đi đến hồi kết. Với cách hành xử và ứng xử của Trung Quốc bất chấp luật quốc tế như vậy thì tiến trình của COC vẫn rất là mong manh vì Trung Quốc không tuân thủ và tôn trọng nó dẫn đến việc này khó có thể tiến hành được.
Hiện nay, Việt Nam đã có những biện pháp cả ngoại giao và trên thực địa để phản đối, ngăn chặn hành động phi pháp của Trung Quốc. Nếu tình hình không khả quan, theo ông chúng ta phải làm gì?
- Hiện nay, Việt Nam vẫn kiên quyết giải quyết xung đột bằng phương pháp hòa bình. Đây cũng là phương pháp tốt trên thế giới và được công luận quốc tế ủng hộ.
Ngoài ra, chúng ta vẫn duy trì các tàu chấp pháp ở thực địa, yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Với những biện pháp chúng ta đang dùng như vậy, nếu trong trường hợp Trung Quốc vẫn không “xuống thang” mà tiếp tục “leo thang” thì chúng ta phải xem xét đến trường hợp pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra toà giống như Philipines đã làm với Trung Quốc năm 2016.
Cho dù, đối với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, Trung Quốc nói phớt lờ nhưng những phán quyết của phiên tòa cũng đã giáng một đòn rất mạnh vào uy tín của Trung Quốc trên cộng đồng quốc tế. Cho nên Trung Quốc cũng phải có những cân nhắc trong trường hợp này.
Trân trọng cảm ơn ông!