Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp Việt Nam

Tham gia dự án SCORE, 91% DN tiết kiệm được chi phí sản xuất và giảm đến 42% tỷ lệ thôi việc của người lao động.

Giúp các DNNVV khắc phục hạn chế

Ông Nguyễn Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI, Giám đốc chi nhánh VCCI tại TP.HCM nhận định trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt việc thế giới đang bước tới cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự thay đổi về chính sách tiền lương, việc cạnh tranh thông qua ưu thế về nguồn lao động dồi dào với chi phí thấp không còn được coi là thế mạnh của DN Việt Nam.

Thay vào đó, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mới đóng vai trò quyết định tới khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, đối với các DNNVV, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi mỗi DN không ngừng phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh hạn chế nhiều về nguồn lực công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực.

Nhằm hỗ trợ các DNNVV khắc phục những hạn chế, hội nhập sâu rộng, đồng thời tích cực và chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ tháng 6/2011, VCCI HCM đã phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) triển khai Chương trình Phát triển DN bền vững (SCORE). Dự án SCORE đã triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn giúp cho các DNNVV trong ngành chế biến gỗ tại các tỉnh Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, Long An và TP.HCM.

Sau đó, dự án mở rộng cho một số ngành trọng điểm như công nghiệp phụ trợ, dệt may… để cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và cải thiện môi trường làm việc, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Kết quả, hiện nay đã có 146 DN với 1.153 nhân viên được tham gia đào tạo. Trong đó, 92% DN tham gia hài lòng về chất lượng đào tạo và 91% DN tham gia cho biết đã tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Tham gia 3 chương trình của SCORE trong 3 năm, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty gỗ Tường Văn (Bình Dương) cho biết, công ty đã đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng. Các nhân viên sau khi qua đào tạo đã có tinh thần hợp tác đội nhóm thay vì đối đầu, phát huy sáng kiến và có thấm nhuần văn hóa Kaizen.

“Kết quả trong vòng 3 năm qua, công ty đã có những sáng kiến mới như bố trí dây chuyền sản xuất giảm từ 14 ngày xuống còn 9 ngày, tiết kiệm trung bình hàng năm hơn 840 triệu đồng và giá trị lớn nhất mà dự án mang lại đó là tinh thần hợp tác nơi làm việc và sáng kiến chế tạo”, ông Minh khẳng định.

Tương tự, tham gia dự án SCORE từ tháng 4/2013, DNTN Đức Tâm (Đồng Nai) đã giảm được lỗi sản phẩm và giảm chi phí đáng kể. Nếu như trước khi tham gia SCORE sản phẩm khi hoàn thành có lỗi khoảng 50% do xước, cấn, móp thì…

“Sau hai tháng tham gia dự án lỗi sản phẩm đã giảm xuống còn 3% và cải tiến giảm lượng điện tiêu thụ của hệ thống đến 57%. Những cải tiến này có tác động quan trọng đến hiệu suất sản xuất. Tôi đánh giá đây là thành quả quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển dài hạn của DN”, ông Nguyễn Công Thanh, Giám đốc DNTN Đức Tâm cho biết.

Phải đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Brian Mtonya, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo DN Việt cần phải dấn sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ dừng ở công nghệ lắp ráp sản phẩm, mà còn phải tận dụng được làn sóng tăng trưởng như một nền tảng nhằm xuất khẩu cho chuỗi cung ứng với các giá trị gia tăng cao hơn. DN phải nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hình thành và phát triển các DN nội địa năng động, sáng tạo và độc lập, phải có khả năng phát triển các sản phẩm “được làm tại Việt Nam”.

Điều cần phải thực hiện ngay trước mắt đối với các DN Việt Nam là đẩy mạnh thiết kế, sáng tạo sản phẩm cũng như công nghệ marketing… Đây là những dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao. Mặc dù DN Việt cũng đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chỉ mới dừng lại ở nhà cung cấp cấp 3 thông qua một trung gian. DNNVV có thể tham gia sâu chuỗi giá trị này nếu như được tham gia dự án SCORE để có được những kỹ năng nhất định.

Hiện tại, theo thống kê tại Việt Nam có đến 97% số DN là vừa và nhỏ với số lao động từ 2-99 người/DN. Việc triển khai dự án không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí nâng cao năng suất mà còn cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, thúc đẩy văn hoá DN, nâng cao chất lượng hoạt động cho các DNNVV, tạo ra môi trường thuận lợi cho DN hướng tới sự phát triển bền vững.

Đồng tình và chia sẻ với các DN Việt Nam, ông Othmar Hardegger, Tổng Lãnh sự Thụy Sĩ tại TP.HCM cho biết, 99,7% DN tại Thụy Sỹ là DNNVV với 2/3 lao động của toàn Thụy Sỹ làm việc trong các DN này. Lực lượng này trở thành xương sống, mang tới những giá trị cốt lõi cho xã hội.

Chính vì vậy, Thụy Sỹ sẽ tích cực hỗ trợ các DN Việt Nam, nhất là các DNNVV để phát triển bền vững thông qua việc tiếp tục hỗ trợ vốn cho giai đoạn 3 của dự án SCORE. Giai đoạn này có nội dung chính là các chương trình đào tạo mang tính quốc gia, tạo điều kiện cho các DN cải thiện năng suất, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang lại tính cạnh tranh cho nền kinh tế.

“Thuỵ Sỹ cam kết hỗ trợ để các DNNVV Việt Nam phát triển bền vững”, ông Othmar Hardegger khẳng định.

“SCORE sẽ tiếp tục nâng cấp để tác động nhiều hơn đến cộng đồng DN Việt Nam, nhất là DNNVV nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, bền vững môi trường trong các ngành công nghiệp mũi nhọn cũng như tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Micheal Elkin – Cố vấn Trưởng dự án SCORE toàn cầu cho biết.

http://thoibaonganhang.vn/ho-tro-hieu-qua-doanh-nghiep-viet-nam-69256.html

/ Theo Thời báo Ngân hàng