Việc Hồ Bắc đổi cách tính số người nhiễm virus corona có thể cho thấy sự thiếu nghiêm trọng dụng cụ xét nghiệm, quy mô dịch chưa được nắm rõ.
Diễn biến dịch viêm phổi corona (Covid-19) gần đây có dấu hiệu tích cực, khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc được thống kê trong tuần qua cho thấy tốc độ nCoV lây lan dường như đang chậm lại, đồng nghĩa với việc những nỗ lực kiểm soát dịch đã phát huy hiệu quả. Một số nhà phân tích tuyên bố việc đầu tư vào các công ty có mối liên hệ với Trung Quốc đã an toàn trở lại.
Tuy nhiên, tình hình đột ngột xoay chuyển sau khi giới chức Hồ Bắc hôm nay cho biết có thêm 14.840 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm tại địa phương này lên 48.206. Số trường hợp nhiễm mới lớn hơn gấp 10 lần so với một ngày trước đó và là mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát. Số người chết tại tỉnh cũng tăng lên 1.310, bao gồm 242 trường hợp mới.
Tỉnh Hồ Bắc quyết định thay đổi phương pháp tính số ca nhiễm từ ngày 13/2 "để phù hợp với báo cáo từ các tỉnh khác". Theo đó, những ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus sẽ được tính vào số ca nhiễm mới, thay vì chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm như trước đây.
Những ca nhiễm mới này là những người có triệu chứng phù hợp với Covid-19, nhưng không nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. 13.332 bệnh nhân trong số 14.840 ca nhiễm mới được chẩn đoán lâm sàng.
Theo bình luận viên Roni Caryn Rabin của NY Times, những con số này cho thấy việc nắm bắt quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại Trung Quốc vẫn vô cùng khó khăn, đặc biệt tại "tâm chấn" Hồ Bắc, nơi hàng nghìn người bệnh chưa được khám.
Rabin nhận định việc thay đổi cách tính số ca nhiễm ở Hồ Bắc có thể xuất phát từ thay đổi trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh. Giới chức được cho là buộc phải đưa ra quyết định này bởi có quá nhiều người dân xuất hiện triệu chứng nhiễm nCoV, trong khi các cơ sở y tế ở Hồ Bắc thiếu dụng cụ để tiến hành quá trình xét nghiệm phức tạp.
Giờ đây, dường như những người bị chẩn đoán nhiễm nCoV chỉ dựa trên kết quả chụp CT phổi cũng được tính vào số ca nhiễm. Sự đơn giản hóa này sẽ giúp thêm nhiều bệnh nhân nhận được chăm sóc cần thiết, giới chức địa phương cho hay. Tuy nhiên, nó cũng làm nổi bật sự khó lường của dịch Covid-19, khi một số chuyên gia "giật mình" trước số liệu mới.
"Tình hình hiện nay rất mơ hồ", bác sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt, Mỹ, nhận định. Theo ông, các bác sĩ ở Trung Quốc có lẽ không có hóa chất cần thiết để thực hiện những xét nghiệm phức tạp, đồng thời không đủ số lượng kỹ thuật viên.
Tuy nhiên, chụp CT phổi được cho là phương pháp ẩn chứa nhiều nguy cơ khi chẩn đoán bệnh. Những bệnh nhân bị cúm mùa cũng có thể xuất hiện dấu hiệu viêm phổi khi chụp CT. "Họ nói rằng phương pháp này chỉ là một trong các bước kiểm tra, nhưng dựa trên dữ liệu, chúng tôi không thấy thế", bác sĩ Schaffner nói.
Một bác sĩ ở Vũ Hán tuần trước phát động chiến dịch trên mạng xã hội, kêu gọi sử dụng phương pháp chụp CT để đơn giản hóa việc sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, giúp đẩy nhanh quá trình nhập viện và điều trị thay vì chờ đợi kết quả xét nghiệm.
Peter Rabinowitz, chuyên gia tại Đại học Washington, Mỹ, cho biết sự thay đổi trong chẩn đoán có thể khiến việc theo dõi dịch bệnh khó khăn hơn. "Việc họ điều chỉnh toàn bộ cách sàng lọc và phát hiện bệnh nhân sẽ gây hoang mang, kéo theo thay đổi về ước tính quy mô dịch bệnh", ông nói.
Phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 6/1. Ảnh: Reuters. |
Việc điều chỉnh các tiêu chuẩn chẩn đoán không quá xa lạ trong giới khoa học, khi họ nhận thấy căn bệnh đã thay đổi. Tuy nhiên, điều này khiến những số liệu so sánh giữa các tuần không còn nhiều ý nghĩa. "Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó rất quan trọng. Chính xác thì bạn đang tính số liệu nào?", bác sĩ Schaffner cho biết.
Theo bình luận viện Rabin, số ca nhiễm nCoV ở Hồ Bắc tăng vọt là dữ liệu gây lo ngại mới nhất cho thấy dịch Covid-19 khó có thể kiểm soát trong tương lai gần. Thêm vào đó, dữ liệu về dịch tễ học ở Trung Quốc ngay cả trước dịch bệnh cũng chưa hoàn chỉnh. Những cuộc khủng hoảng y tế như Covid-19 có thể diễn biến thất thường, đột ngột giảm rồi tăng mạnh trở lại.
Giới khoa học cũng tỏ ra thận trọng khi dự đoán thời điểm đạt đỉnh của Covid-19 vì nhiều lý do. Khác với MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông) và SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), nCoV dường như lây lan rất dễ dàng dù tỷ lệ tử vong thấp hơn. Tốc độ truyền bệnh nhanh chóng khiến các quan chức y tế khó theo dõi. Loạt biện pháp hạn chế đi lại ở Trung Quốc càng làm việc xác định bệnh nhân phức tạp, bởi một số người có triệu chứng bệnh có thể không đến được cơ sở y tế.
Bất chấp những khó khăn, việc nắm bắt chính xác tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc vô cùng cần thiết đối với sự an toàn trên toàn cầu, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý. Với vai trò trung tâm của nền kinh tế thế giới, Trung Quốc có thể dễ dàng "gieo mầm bệnh" khắp nơi.
"Đưa ra phản ứng một cách hiệu quả là nhiệm vụ to lớn với bất cứ quốc gia nào", Christine Kreuder Johnson, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, Mỹ, cho hay. "Chúng ta hoàn toàn mù mờ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong dịch bệnh này".
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Remdesivir - niềm hy vọng trong cuộc chiến corona
Thuốc Remdesivir có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân viêm phổi nCoV và các loại virus corona khác, đang được gấp rút thử nghiệm ... |
Những cái chết "ngoài sổ sách" ở Vũ Hán
Bác sĩ cho rằng Wei Junlan tử vong vì virus corona, nhưng cái chết của bà không được đưa vào thống kê dịch Covid-19 của ... |
Lo ngại về số nhiễm nCoV thực tế ở Vũ Hán
Ho dữ dội, Zhu Chunxia ngồi trên vỉa hè dưới trời mưa để chờ xe đón tới cơ sở điều trị nCoV. Nhưng xe không bao giờ ... |