Cuộc tái ngộ giữa HLV Park Hang Seo và thầy cũ Guus Hiddink không chỉ tái hiện ký ức, mà còn nhắc nhở bóng đá Việt Nam về bài học của Hàn Quốc 17 năm trước.
Ký ức 17 năm trước ùa về với những người yêu bóng đá khi HLV Park Hang Seo gặp lại "cố nhân" Guus Hiddink. World Cup 2002, bộ đôi này đã cùng tuyển Hàn Quốc vào tới bán kết, tạo nên cột mốc lịch sử mà rất lâu nữa, bóng đá châu Á mới có đại diện khác tái lập.
Đội ngũ ban huấn luyện của Hàn Quốc hôm ấy, ngoài HLV Hiddink và Park Hang Seo, còn có những cái tên quen mặt như Chung Hae Seong và Choi Joo Young. Có tới 3 người Hàn Quốc dưới trướng Hiddink đang làm việc ở Việt Nam.
Bên cạnh việc bổ nhiệm những người Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam cũng học hỏi đường đi nước bước của Hàn Quốc để vươn ra biển lớn. Do đó, bài học lịch sử của xứ kim chi 17 năm về trước rất đáng để những người làm bóng đá việt Nam lưu tâm, bởi nó có giá trị vượt thời gian.
Nhiều gương mặt trong BHL Hàn Quốc 2002 được cổ động viên Việt Nam nhớ tên. |
Chuyện kể là, sau World Cup 2002, khán giả Hàn Quốc say men chiến thắng và cho rằng "những chiến binh Taeguk" đã đạt tiệm cận đẳng cấp thế giới. Ở ASIAD 2002 được tổ chức trên quê nhà (Busan), U23 Hàn Quốc được kỳ vọng chinh phục ngôi vô địch.
Trong tay trợ lý Park Hang Seo của Hiddink khi ấy là lứa cầu thủ tương đối chất lượng cùng "tinh thần Hàn Quốc" với sự hưng phấn đạt đỉnh. Thế nhưng, dưới sự dẫn dắt của ông Park, U23 Hàn Quốc không vượt qua nổi U23 Iran ở bán kết. Sau giải đấu, HLV Park Hang Seo bị LĐBĐ Hàn Quốc đổ lỗi và sa thải.
Mãi từ đó về sau, thầy Park cứ "chìm dần", dẫn dắt các đội bóng từ trung bình đến yếu. Năm 2017, đội bóng của HLV Park Hang Seo là Changwon City, chưa từng vang danh trên bản đồ Hàn Quốc.
HLV Park Hang Seo thực sự có lỗi trong thất bại của Hàn Quốc? Hãy nhớ lại một tít báo rất đáng chú ý sau ASIAD 2002. "Park Hang Seo là người gánh tội của Guus Hiddink". Nghe rất... ngược đời khi Hiddink là người hùng của bóng đá Hàn Quốc ở World Cup 2002, song quả thực, Hiddink cũng là người mang tội, bởi ông đưa Hàn Quốc đến vị trí mà họ không xứng đáng được hưởng.
World Cup 2002 là giấc mơ của người Hàn Quốc, nhưng hành trình của "những chiến binh Taeguk" in đậm dấu ấn của sai lầm trọng tài hơn là thực lực, đẳng cấp. Hàn Quốc vượt qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia nhờ những tiếng còi méo.
Người ta còn bắt gặp một quan chức của LĐBĐ Hàn Quốc đã bí mật gặp trọng tài người Argentina Angel Sanchez vào chiều ngày 7/6/2002, động cơ là gì thì có lẽ... ai cũng biết.
Hàn Quốc 2002 là nỗi hổ thẹn châu Á. |
Hiddink gián tiếp đẩy người hâm mộ Hàn Quốc vào cơn ảo tưởng, bởi bóng đá Hàn Quốc dù phát triển thế nào, cũng không thể vào tới bán kết nếu đá bằng "lực thật". Và Park Hang Seo, khi vô tình khiến U23 Hàn Quốc trở về đúng vị trí của họ ở ASIAD, đã trở thành kẻ "giơ đầu chịu báng".
Thành tựu của bóng đá Hàn Quốc năm 2002 không phải kết quả của quá trình phát triển bền vững, căn cơ, nên thất bại của họ là điều khó tránh khỏi. Đen cho thầy Park khi ông trở thành "vật tế thần".
17 năm sau, HLV Park Hang Seo dường như đang đi vào con đường Guus Hiddink từng đi: nâng tầm nền bóng đá của cả một quốc gia. Dưới bàn tay dẫn dắt của thầy Park, U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam hay tuyển Việt Nam đều giành chiến tích chói lọi, có lẽ nhiều hơn thành quả của 20, 30 năm trước cộng lại.
Từ dưới đáy sâu khủng hoảng, bóng đá Việt Nam giờ ngẩng cao đầu mơ về giấc mơ World Cup, nhưng liệu chúng ta đã đủ mạnh để làm điều đó?
HLV Park Hang Seo và HLV Guus Hiddink. |
"Bóng đá trẻ Việt Nam đang đứng tại chỗ. Nếu không làm căn cơ, đội tuyển cũng chỉ lên được vài ba năm nữa rồi thôi. V-League cũng chỉ có Hà Nội FC hay HAGL đá là khán giả còn xem, còn các đội khác không đá được như thế.
Hôm nay U18 Việt Nam thua, và vài năm nữa khi không có những thế hệ cầu thủ tốt tiếp nối, ĐTQG chúng ta cũng sẽ khó đá ngay ở giải Đông Nam Á. Nếu không phát triển và không giải quyết được những vấn đề hiện tại, trong tương lai Việt Nam có thể sẽ không thắng được những đối thủ mà chúng ta tưởng là đương nhiên thắng được nữa", chuyên gia Nguyễn Thành Vinh đánh giá sau giải U18 Đông Nam Á mà U18 Việt Nam có năm thứ ba liên tiếp bị loại ở vòng bảng.
"Trò giỏi gặp thầy hay" là bí quyết thành công của tuyển Việt Nam, nhưng để vươn xa hơn, chừng ấy dường như là chưa đủ.
Sau lứa Quang Hải, Đình Trọng, người ta bắt đầu lờ mờ nhìn thấy khoảng trống đào tạo trẻ. Rất ít trung tâm đào tạo đủ tiêu chuẩn để cho ra đời những sản phẩm hay. Ở V-League, các CLB vẫn chật vật với nhiều vấn đề, từ sân bãi, tài chính đến cơ cấu tổ chức. HLV Park Hang Seo từng cho rằng học trò của ông có quá ít cơ hội trau dồi, thể hiện.
Nhìn rộng hơn, tuyển Việt Nam trong trận gặp Thái Lan vừa qua cũng chỉ có những gương mặt rất cũ. 5 cầu thủ HAGL được trao cơ hội cùng Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu là nhân chứng cho mùa đông kỳ diệu ở Thường Châu.
Một mặt, bộ khung cũ của U23 Việt Nam chơi ổn định, nhưng một mặt, HLV Park Hang Seo hầu như không còn nhìn thấy nhân tố mới nào trong hơn 1 năm qua.
Khi gốc rễ chưa được bền vững để kế thừa thành công, bóng đá Việt Nam sẽ chỉ đi đến một ngưỡng nhất định. Kỳ tích trong năm 2018, 2019 không phải lý do để chúng ta ảo tưởng. Ngược lại, nền bóng đá này phải chứng tỏ mình xứng đáng với nỗ lực của cầu thủ.
Nếu không, khi thất bại, bóng đá Việt Nam sẽ lại phải tìm một "vật tế thần" như Hàn Quốc năm xưa. Cũng giống Hiddink, Park Hang Seo không thể cứ... ở đó mãi.
Sẽ có ngày thầy Park chia tay Việt Nam, và khoảng trống sau đó - nếu ta không tìm cách lấp đầy ngay từ bây giờ, rất dễ trở thành lỗ hổng lớn mà có khi phải mất 10 hay 15 năm mới khoả lấp được.