HLV Hoàng Anh Tuấn: Không vì thất bại ASIAD mà từ bỏ mục tiêu

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khẳng định thất bại ở ASIAD 19 không làm thay đổi định hướng phát triển thế hệ cầu thủ mới của bóng đá Việt Nam.

Sau những năm thành công rực rỡ gắn liền với dấu ấn của huấn luyện viên Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển quốc gia bước sang thời kì mới đầy khó khăn, thách thức. Chiến lược hướng đến tương lai của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đưa đến những kết quả bước đầu không thuận lợi mà thất bại ở ASIAD 19 là một ví dụ.

Tuy nhiên, khi chấp nhận đưa những cầu thủ mới 17-20 tuổi thi đấu ở cấp độ U23, thất bại là điều mà những nhà chuyên môn sẵn sàng chấp nhận. Họ kì vọng rằng những trải nghiệm đó sẽ giúp các cầu thủ trẻ - những người mà chỉ vài tháng trước đó đã chơi rất hay ở vòng chung kết U20 châu Á, một giải đấu đúng lứa tuổi - trưởng thành sớm hơn. 

Tròn một tháng sau khi trở về từ ASIAD 19 với rất nhiều sức ép của làn sóng chỉ trích, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn dành cho VTC News buổi phỏng vấn để nói về câu chuyện phía sau thất bại trên góc độ chuyên môn.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Không vì thất bại ASIAD mà từ bỏ mục tiêu - 1

- Từ chức vô địch Đông Nam Á đến thất bại ở ASIAD 19, khoảng thời gian 3 tháng qua đối với ông có vẻ là những biến động với nhiều cung bậc cảm xúc.

Tôi không ngạc nhiên. Đó là một phần của bóng đá. Khi có kết quả tốt thì được tung hộ, khi kết quả không tốt thì chắc chắn bị chỉ trích. Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường và tôi phải chấp nhận. Điều quan trọng đối với một huấn luyện viên là trong số những người chỉ trích ấy, bao nhiêu người hiểu về chuyên môn. Quan điểm của họ mới là những điều tôi cần bận tâm, suy nghĩ.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Không vì thất bại ASIAD mà từ bỏ mục tiêu - 2

HLV Hoàng Anh Tuấn được giao nhiệm vụ dẫn dắt các đội tuyển U17, U20 và Olympic Việt Nam trong năm 2023. (Ảnh: VFF)

Người làm chuyên môn chỉ trích, tôi phải suy nghĩ. Khán giả bình thường thì khác, nhưng các nhà chuyên môn vẫn đưa ra quan điểm thì trước tiên tôi phải hiểu vị trí của họ là gì, bình luận trên góc độ nào, trình độ chuyên môn ra sao. Từ đó, tôi nhìn nhận vấn đề đa chiều. Bất kì lời khen ngợi hay chỉ trích nào cũng đều có mặt tốt.

Sau ASIAD 19, tôi đọc được một bài báo nọ phỏng vấn ông Bae Ji-won, trợ lý cũ của HLV Park Hang Seo. Ông ấy phàn nàn và chỉ trích nhiều. Tôi cũng suy nghĩ và tự đặt ra những câu hỏi. Câu trả lời của tôi là ông ấy chẳng hiểu gì về bóng đá Việt Nam cả.

- Bây giờ là tròn một tháng sau khi Olympic Việt Nam bị loại khỏi ASIAD 19. Đó có lẽ là kết quả nằm trong dự liệu, bởi ngay từ trận thắng Mông Cổ, ông đã dự đoán rằng “Cứ đá thế này, Olympic Việt Nam sẽ bị loại sớm”. 

Ẩn chứa sau một câu nói có nhiều ý nghĩa. Thông điệp của tôi là các cầu thủ phải nhìn nhận vào trận đấu để xem lại chính mình, chứ không phải chỉ một câu tôi nói mà Olympic Việt Nam có thể thắng được Olympic Ả Rập Xê Út và Olympic Iran. Tôi muốn các cầu thủ phải quyết tâm hơn, tập trung hơn, giảm thiểu sai số. 

Dù là góc nhìn của dư luận, truyền thông hay giới chuyên môn, đây rõ ràng không phải là kết quả tốt. Chúng ta không nên đổ lỗi cho các cầu thủ. Olympic Việt Nam có những cầu thủ 18-19 tuổi đá với đối thủ 22-23 tuổi, thậm chí có tiền đạo sinh năm 1992. 

Tuy nhiên, tôi không muốn các cầu thủ có suy nghĩ rằng mình trẻ thì đương nhiên sẽ thua.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Không vì thất bại ASIAD mà từ bỏ mục tiêu - 3

Olympic Việt Nam không vượt qua vòng bảng ASIAD 19. (Ảnh: VFF)

- Sau trận thua cuối cùng, ông nói rằng Olympic Việt Nam thua các đội Ả Rập Xê Út, Iran mọi thứ.

Trên góc độ chuyên môn các cầu thủ, họ chưa phát triển đầy đủ. Thứ hai, về thể hình, chúng ta thua thiệt, thua nhiều về các pha đánh đầu, thua như vậy bất khả kháng. Thứ ba, Olympic Việt Nam chỉ có 2 ngày tập đầy đủ cho ASIAD 19. Đây là giải đấu lớn, như vậy là không đủ. Ban huấn luyện không có thời gian chuẩn bị nhiều về kĩ, chiến thuật, chuyên môn, tiểu tiết về các tình huống cố định.

Tôi có kinh nghiệm trong các giải đấu quốc tế như vậy. Tôi cũng nói với cầu thủ rằng đối thủ có ưu điểm này, điểm yếu kia. Các cầu thủ cần tập trung ở những thời điểm nhạy cảm đặc biệt trong bóng đá đó là thời điểm khai cuộc, tất cả chưa vào guồng. Những tình huống xấu hay xảy ra.

Một vấn đề nữa là ở thời điểm kết thúc hiệp đấu, cầu thủ hay xao động, mất tập trung về thời gian. Trong bóng đá, thời gian tính bằng giây, mất tập trung là thua. Thứ ba, thời điểm bắt đầu hiệp 2 và đặc biệt là cuối trận. Sự mất tập trung vẫn hay xảy ra, thể lực suy giảm, chuyên môn ảnh hưởng, mất tập trung nên sai số nhiều.

Tôi không chỉ cảnh báo cầu thủ ở giải đấu này. Tôi luôn đưa ra những yêu cầu cụ thể nhưng đáng tiếc là đội bóng còn thiếu và yếu. Đây là bài học lớn cho họ.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Không vì thất bại ASIAD mà từ bỏ mục tiêu - 4

HLV  Hoàng Anh Tuấn nói về thất bại ở ASIAD 19. (Ảnh: Hàn Phong)

HLV Hoàng Anh Tuấn: Không vì thất bại ASIAD mà từ bỏ mục tiêu - 5

- Khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quyết định cử lực lượng U20 dự ASIAD 19, thất bại là điều được lường trước. Nếu không đặt nặng chuyện kết quả, đánh giá trên phương diện phát triển cầu thủ trẻ thì sao? Thất bại có làm thay đổi điều gì trong phương hướng đã đặt ra?

Chúng tôi thống nhất với nhau từ đầu. Kết quả có ra sao cũng phải chấp nhận. Tôi không biện minh cho thất bại. Làm huấn luyện viên, chẳng ai muốn thua cả nhưng định hướng dài hạn quan trọng hơn. 

Định hướng, mục tiêu của là thứ nên được theo đuổi đến cùng, không nên từ bỏ. Quyết định đó không phải của cá nhân tôi, hay ông Philippe Troussier. Đó là kết quả của quá trình thảo luận, lập kế hoạch để rồi đưa ra phương án cho các đội tham dự những giải đấu khác nhau, với những mục tiêu rất rõ ràng và thành quả cuối cùng không phải là thứ có thể đánh giá được qua một, hai giải đấu đầu tiên.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Không vì thất bại ASIAD mà từ bỏ mục tiêu - 6

Thất bại ở ASIAD 19 mang đến nhiều bài học về chuyên môn cho các cầu thủ trẻ. (Ảnh: VFF)

Điều quan trọng là những cầu thủ này được trưởng thành sớm hơn. Điều đó có lợi cho đội tuyển quốc gia. HLV trưởng Troussier có nhiều lựa chọn hơn. Nếu so sánh ông Troussier với người tiền nhiệm là ông Park Hang Seo, trước tiên phải nói đến yếu tố con người. Lứa Quang Hải, Công Phượng, Tấn Tài rồi sau đó là Văn Hậu đều rất tốt. Ông Park có lực lượng đủ dày để tạo ra 5 năm thành công.

Để có một đội bóng mạnh phải cần cả lực lượng dự bị nữa. Tôi tin rằng việc cử đội trẻ dự ASIAD là chiến lược rất đúng đắn từ VFF. Chúng ta luôn luôn phải tạo ra lực lượng kế cận cho đội tuyển Việt Nam. 

- Đội tuyển Việt Nam đang ở giai đoạn bắt đầu của một chu kì phát triển mới với rất nhiều thay đổi. Có thể những thất bại sẽ tiếp tục xảy đến. Ông và các cộng sự, cũng như HLV Troussier đã chuẩn bị tâm lí đón nhận điều đó?

Giả sử tôi cầm một đội bóng trẻ của Nhật Bản, có thể chiến thắng sẽ nhiều hơn. Nhưng thực tế, tôi là người Việt Nam, làm bóng đá ở Việt Nam và đương nhiên tỉ lệ thua trận trước các đối thủ mạnh sẽ cao hơn. Tôi phải sẵn sàng chấp nhận thất bại.

Bóng đá Việt Nam bây giờ đang lửng lơ, mới vượt tầm Đông Nam Á một chút nhưng chưa đến trình độ cao ở châu Á. Ở các giải trẻ châu lục, đội U17, U20 Việt Nam thất bại trước các đội bóng hàng đầu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt.

Ngay cả trong thất bại cũng có thể nhìn thấy sự thay đổi. Bức tranh tổng quan vẫn là phát triển. Điều tôi quan tâm là những cầu thủ làm việc với tôi sau này có bao nhiêu người khoác áo đội tuyển quốc gia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: Không vì thất bại ASIAD mà từ bỏ mục tiêu - 7

Các đội tuyển Việt Nam không chỉ đang ở giai đoạn xây dựng lực lượng mới mà cả lối chơi cũng được định hình lại từ đầu. (Ảnh: Hoàng Anh)

- Chiến lược phát triển dài hạn này không chỉ có mình ông tham gia. Người hâm mộ hiểu rằng HLV Philippe Troussier đóng vai trò là "tổng đạo diễn" để định hướng cho đội tuyển quốc gia. Phối hợp và đồng bộ các đội tuyển trẻ với đội tuyển quốc gia, theo định hướng của một HLV khác không phải chuyện đơn giản.

Điều may mắn là triết lí của HLV Troussier và tôi có nhiều điểm giống nhau. Vấn đề nằm ở chỗ ông Troussier thành công ở Nhật Bản, nền bóng đá đỉnh cao khác với bóng đá Việt Nam. Ví dụ, bóng đá Nhật Bản dự các giải đấu lớn thì mục tiêu là đứng thứ bao nhiêu. Bóng đá Việt Nam hiện tại chỉ đang cố gắng hết sức để được dự World Cup.

Khác biệt rõ ràng nhất là về trình độ. Triết lí chúng tôi đưa ra là các cầu thủ phải biết cách chơi kiểm soát bóng. Cầu thủ Việt Nam nhỏ bé, thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo và tốc độ. Nhưng, đẳng cấp của bóng đá Việt Nam còn khoảng cách rất lớn với thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cố gắng chơi bóng ngắn, nhỏ. Nhưng đá với Hàn Quốc, Uzbekistan thì đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng thế nào? Chúng ta nên hiểu rằng nói chơi bóng ngắn, nhỏ là lí tưởng hướng đến chứ không phải áp đặt trước mọi đối thủ.

Thực tế là rất khó và ở thời điểm này chúng ta chưa làm được, nhưng đừng bi quan vì vấn đề đó. Tôi tin rằng các cầu thủ Việt Nam sẽ có những trận đấu hay theo cách đá này, rồi dần dần lối chơi sẽ được xây dựng. Sự thay đổi về triết lý bóng đá, quan điểm chiến thuật không phải chuyện đơn giản.

(còn tiếp)

https://vtc.vn/hlv-hoang-anh-tuan-khong-vi-that-bai-asiad-ma-tu-bo-muc-tieu-ar829985.html

THẾ SƠN / VTC News