Những câu chuyện liên quan đến bản quyền truyền hình là điều thường được nhắc đến qua số tiền kỷ lục, cũng như tranh chấp giữa những bên có liên quan. Người hâm mộ thể thao hẳn từng nghe ít nhất một lần về khái niệm này, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó.
Chuyện của bóng đá
Sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng của CLB Hải Phòng, sân Lạch Tray cuối cùng cũng có cơ hội đăng cai một trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ ít ngày trước khi sự kiện diễn ra, đội bóng này đã gây chú ý bằng một văn bản lạ lùng. Người đứng đầu bóng đá Hải Phòng muốn VFF đổi kênh phát sóng từ FPT sang VTV.
Trong một góc độ nào đó, nguyện vọng được ông Văn Trần Hoàn đề đạt xuất phát từ thiện ý muốn quảng bá hình ảnh trận đấu đến người hâm mộ. Nhưng trên phương diện kinh doanh, VFF hoàn toàn không có thẩm quyền làm điều này. Đơn vị có tiếng nói cuối cùng trong việc có đổi kênh phát sóng hay không là FPT.
Ở thời điểm hiện tại, bản quyền truyền hình các trận đấu của đội tuyển Việt Nam đã được VFF bán cho FPT. Đơn vị này có toàn quyền trong việc thu phát, đồng thời phân phối phương thức xem các trận đấu đó qua nền tảng họ mong muốn. Để có đặc quyền ấy, số tiền bản quyền FPT phải trả cho VFF hẳn không hề nhỏ.
Vì lý do trên, trong trường hợp muốn phát sóng trận đấu trên VTV, phía CLB Hải Phòng cần gửi công văn đến FPT thay vì VFF. Đó cũng là luận điểm được đại diện của VFF đưa ra sau khi tham khảo các văn bản pháp lý, cũng như hợp đồng được ký kết giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Truyền hình FPT.
Câu chuyện nhầm lẫn của CLB Hải Phòng là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy bản quyền truyền hình vẫn là một khái niệm mới tại Việt Nam. Bản quyền truyền hình thuộc về ai? Các bên chuyển nhượng những gì khi ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình? Đơn vị mua bản quyền truyền hình có quyền và nghĩa vụ như thế nào với sản phẩm họ nắm giữ?
Trong câu chuyện được nhắc đến đầu bài viết, bản quyền truyền hình trận đấu ban đầu thuộc về VFF. Tùy vào từng điều khoản trong hợp đồng, thông thường khi chuyển nhượng bản quyền truyền hình, VFF sẽ bán toàn bộ quyền khai thác nội dung trận đấu cho đối tác là FPT. Điều đó có nghĩa là FPT được phép độc quyền ghi hình trận đấu, nghiêm cấm mọi cá nhân, tổ chức khác làm điều tương tự.
Mặt khác, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, FPT phải đăng ký bảo hộ quyền tác giả trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube. Điều đó giúp cho những trận đấu FPT đã mua bản quyền không bị phát trực tiếp qua các kênh lậu. Đó là việc làm cần thiết, trong bối cảnh các trang xem lậu luôn thu hút lượng người xem cực lớn thời gian gần đây.
Nguồn thu sống còn
Bóng đá không phải môn thể thao duy nhất có nguồn thu lên tới hàng tỷ USD từ bản quyền truyền hình. Đó là kênh kiếm tiền sống còn của mọi môn thể thao. Ước tính, các môn thể thao chuyên nghiệp có trên 50% nguồn thu đến từ tiền bản quyền truyền hình. Những khoản tiền khác đến từ tài trợ, cấp phép thương mại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu doanh thu.
Tiền bản quyền truyền hình một môn thể thao được dựa trên số lượng người theo dõi đại chúng, cũng như số tiền khán giả sẵn sàng bỏ ra để xem thường xuyên. Đây là một trong những lý do khiến bản quyền truyền hình bóng đá luôn có đơn vị chấp nhận sang tay, dù giá tiền tăng chóng mặt theo từng năm. Những người làm kinh doanh hiểu rõ giá trị họ nhận về chắc chắn lớn hơn số tiền bỏ ra.
Bên cạnh bóng đá, một môn thể thao khác đang chứng kiến tốc độ phát triển chóng mặt của bản quyền truyền hình là Billiards. Sự ra đời của PBA, một liên đoàn Billiards quốc tế hoạt động độc lập khỏi hệ thống thể thao Olympic, cho thấy xu hướng tất yếu đi lên chuyên nghiệp của những môn thể thao cá nhân. Để tồn tại và phát triển, các giải đấu thể thao cần có doanh thu lớn hơn chi phí.
Trong bối cảnh phát triển bùng nổ các phương tiện nghe nhìn, cách nhanh nhất giúp một giải đấu tăng doanh thu là kiếm tìm hợp đồng bản quyền truyền hình lớn. Đó là điều PBA đã làm được và tiếp tục hướng đến trong tương lai. Những nhà điều hành của PBA còn hướng đến một mục tiêu xa hơn: Giúp các cơ thủ có thể sống được bằng nghề thi đấu Billiards chuyên nghiệp.
Thông thường, khi nghĩ đến Billiards, khán giả sẽ nghĩ đến hình ảnh đánh viên bi lăn xuống lỗ. Đó là lý do giúp các nội dung Billiards Pool khá gần gũi và phổ biến với người hâm mộ. Nhưng bên cạnh Pool, Billiards còn có Carom, một thể loại độc đáo khá kén người xem. Nhưng ngay cả với thị trường Carom vốn khó tính, PBA đã dần thu hút được người xem và bán được bản quyền truyền hình.
Bà Mai Quỳnh Anh, đại diện Box Sports, đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng PBA tại Việt Nam cho biết: "Khác với nhiều giải đấu truyền thống khác, PBA mang đến làn gió mới cho người xem Billiards nhờ một hệ thống có nhiều thể thức thi đấu mới lạ. Khán giả xem PBA không chỉ được theo dõi các trận đấu cá nhân, mà còn có đấu đồng đội, với những màn so tài ở tiết tấu nhanh, hấp dẫn".
Một lý do khác khiến người hâm mộ Việt Nam sẽ phải để tâm đến PBA nhiều hơn trong thời gian tới, đó là các giải đấu thuộc tổ chức này đã chiêu mộ thành công nhiều cơ thủ Việt Nam. Mã Minh Cẩm, Nguyễn Quốc Nguyện, Nguyễn Đức Anh Chiến hiện tại đều đã thi đấu cho PBA, thay vì tranh tài ở hệ thống giải đấu thuộc UMB, vốn có thu nhập và sức hấp dẫn không tương đồng.
Mục tiêu và phản ứng dây chuyền
Thể thao chuyên nghiệp luôn gắn liền với kinh doanh và lợi nhuận. Một giải đấu chuyên nghiệp chỉ tồn tại nếu doanh thu lớn hơn chi phí bỏ ra. Vậy làm thế nào để một giải đấu luôn có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong bối cảnh khán giả luôn thay đổi hành vi? Đáp án là những nhà tổ chức giải đấu luôn phải tự làm mới mình để mang đến những sản phẩm thú vị.
Những năm gần đây, giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đã có một sản phẩm mới bên cạnh những trận đấu 5x5 truyền thống. Đó là bóng rổ 3x3, một thể thức đấu với tốc độ nhanh hơn, kết thúc nhanh chóng hơn. Đó cũng là nội dung thi đấu mà bóng rổ Việt Nam lần đầu giành HCV tại kỳ SEA Games vừa qua, cho thấy con đường phát triển bóng rổ 3x3 đã đi đúng hướng.
Từ chỗ chỉ bán những thứ mình có, nhà điều hành thể thao chuyên nghiệp phải nâng giá trị bản quyền truyền hình sang bán những thứ khán giả cần. Những người nhận thức rõ điều này hơn ai hết chính là PBA, khi các trận đấu Billiards của tổ chức này diễn ra với tốc độ rất nhanh. Khán giả có thể xem một trận Billiards PBA mà không tốn quá nhiều thời gian như các giải đấu khác.
Trong câu chuyện của PBA, bên cạnh đơn vị điều hành giải, các cơ thủ cũng chấp nhận thể thức thi đấu mới. Họ không còn ngồi đăm chiêu nhiều phút để tính một đường cơ, mà liên tục thi đấu, chấp nhận cảnh có thể mắc sai lầm. Lối đánh cống hiến đó được đổi lại bằng mức thu nhập tốt, cũng nhiều đãi ngộ ngoài tiền mà một cơ thủ có thể tận hưởng tại Hàn Quốc.
Khi được hỏi về lý do Box Sports quyết định mua bản quyền phát sóng PBA tại Việt Nam, bao gồm cả những nội dung kén người xem như Carom, bà Mai Quỳnh Anh nói thêm: "Trên thực tế, Carom đã có một lượng độc giả nhất định tại Việt Nam. Họ chỉ đang thiếu một kênh phát sóng chính thức, cùng một hệ thống giải có thể thức đấu hấp dẫn nhằm duy trì theo dõi lâu dài".
"Với những thành công mà PBA đã đạt được trên thị trường quốc tế thời gian qua, chúng tôi tin mình có thể đồng hành cùng họ trên cùng một sứ mệnh. Mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng, ở đây cụ thể là khán giả. Đó là nhân tố giúp tạo nên phản ứng dây chuyền, lan tỏa những giá trị mà môn Billiards mang lại", bà Mai Quỳnh Anh kết luận.
Chuyên nghiệp là sòng phẳng
2 tháng tới, các ông chủ Arab sẽ kỷ niệm tròn 15 năm tiếp quản CLB Man City. Số tiền khổng lồ họ bỏ ra trong những năm vừa qua đã mang lại thành công có một không hai trong lịch sử đội bóng. Man City đã trở thành một trong những đội bóng hiếm hoi giành cú ăn ba trong một mùa giải.
Những nhà điều hành CLB Man City không phủ nhận họ dùng tiền để thuyết phục những con người tốt nhất đến với đội bóng. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định đó chính là cách thể thao chuyên nghiệp vận hành. Cầu thủ, huấn luyện viên, và các chuyên viên phụ trách luôn tìm đến những CLB trả lương cao nhất, đem lại cho họ môi trường làm việc tốt nhất.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong môn Billiards, khi PBA từng phải nhận chỉ trích vì dùng mức đãi ngộ hấp dẫn để lôi kéo nhiều cơ thủ về phía họ. Phía UMB từng ra sức chỉ trích cách làm của PBA đi ngược lại tinh thần thể thao, nhưng cuối cùng, số cơ thủ nổi danh đầu quân cho PBA ngày một nhiều. Họ quyết định dứt áo ra đi vì muốn có đãi ngộ xứng đáng với những gì mình đã cống hiến.
Ở chiều ngược lại, những cơ thủ đầu quân cho PBA cũng phải đối mặt với một lịch thi đấu dày đặc, bận rộn hơn rất nhiều so với thi đấu tại UMB. Đó là chuỗi ngày liên tiếp thi đấu với tần suất lớn, đổi lại một khoản thu nhập cao. Đó là điều kiện cần và đủ để PBA hướng đến mục tiêu lớn. PBA muốn các cơ thủ sống được với nghề, bù lại, họ phải xem Billiards là công việc và làm một cách chăm chỉ.