Để tránh thất thoát, chuyên gia đề nghị đấu thầu và chia thành những gói thầu nhỏ và ai cũng có thể tham gia, từ DN tư nhân đến DNNN, cá nhân.
Trước thông tin TP.HCM đang cần bán hơn 7.000 căn hộ tái định cư vì không có nhu cầu, để lâu xuống cấp, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đã có những phân tích lý giải tình trạng trên cũng như gợi ý cách bán nhà tái định cư ế sao cho Nhà nước đỡ thất thoát nhất.
Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Văn Đực chỉ ra rằng, tình trạng nhà tái định cư bị ế xuất phát từ sự thiếu thực tế của cơ quan quản lý, ít quan tâm đến tâm lý, hoàn cảnh của người dân.
Theo đó, phần nhiều những người quản lý vẫn nghĩ rằng giải tỏa nhà của người dân xong, cứ cho họ lên trên cao cho rộng rãi, mát mẻ là tốt cho họ nhưng thực tế không phải vậy.
“Thứ nhất, nhiều người dân không có nhu cầu ở nhà cao, vẫn có tâm lý thích ở nhà thấp tầng. Thứ hai, ở nhà cao tầng, phí dịch vụ mỗi tháng tốn từ vài trăm nghìn đồng đến gần cả triệu bạc, người dân không đủ sức. Thứ ba, khi giải tỏa, người dân nhận được số tiền bồi thường có khi thấp hơn nhiều so với giá nhà tái định cứ, nếu cứ nhận nhà làm thì người dân sẽ mang nợ, làm sao trả nổi?!”, ông Nguyễn Văn Đực chỉ rõ.
Khu chung cư tái định cư Vĩnh Lộc (Bình Chánh) trong tình cảnh xuống cấp, hoang phế dần. Ảnh: SGGP
Hệ quả của điều này được Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành chứng minh qua một khảo sát nhỏ mà ông tự thực hiện.
Ông đã đến một số chung cư tái định cư, hỏi bảo vệ và những người đang sống ở đó thì thấy rằng, những người tái định cư còn tồn tại ở những chung cư đó không quá 5%, còn lại tất cả đều đã bán hết. Ngay cả những chung cư có vị trí đắc địa ở quận 3, chỉ sau 2-3 năm, số lượng người dân tái định cư ở đó cũng không còn bao nhiêu bởi họ có những nhu cầu khác cũng như không chịu nổi phí dịch vụ.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều nơi khi người dân có được phiếu tái định cư, lập tức, họ bán phiếu đó đi như “bán lúa non” bởi không thể chờ đợi nhà tái định cư xây dựng xong hoặc bởi gia đình họ đông người, một căn hộ tái định cư là không thể ở đủ.
“Rõ ràng, chương trình tái định cư thất bại vì không thực tế, vì quá lý thuyết và có phần cứng nhắc, chưa kể chuyện có tình trạng trục lợi khi xây nhà tái định cư, nhất là đối với những người tham gia vào công việc quản lý quản trị nhà tái định cư, từ việc thi công nhà, phân bố nhà tái định cư, chuyển đổi chủ sở hữu nhà tái định cư.
Do đó, vài chục ngàn tỷ, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng đổ vào các chung cư tái định cư để rồi thất bại nhưng một số người quản lý vẫn có lợi trong đó và vì cái lợi đó họ chấp nhận, đua nhau làm nhà tái định cư dù biết rằng xây dựng rồi không có người tiêu thụ”, ông Nguyễn Văn Đực chỉ rõ.
Trước tình trạng hàng ngàn căn hộ tái định cư xây dựng xong rồi bị bỏ mặc phơi nắng phơi sương cho xuống cấp vì không có người ở, vị chuyên gia bất động sản cho rằng, để bán những căn hộ ế đó, Nhà nước không thể đứng ra bán từng căn, cũng không thể nào giao cho một công ty có chức năng kinh doanh bất động sản bán bởi chắc chắn sẽ bị trục lợi.
Cách tốt nhất trong cơ chế thị trường hiện nay, theo ông, chính là bán đấu giá. Đối tượng tham gia đấu giá gồm tất cả những ai có điều kiện mua, kể cả doanh nghiệp tư nhân, DNNN hay cá nhân. Ngoài một cá nhân có đủ tiềm lực tài chính mua một lần 20-30 căn, 50-70 căn, các cá nhân riêng lẻ, người dân nghèo có thể liên kết với nhau thành một nhóm 20 người, thậm chí 40-50 người hùn vốn lại để tham gia. Những người ấy sau khi mua nhà qua đấu thầu sẽ tự chia cho các thành viên trong nhóm. Càng nhiều người tham gia đấu thầu, giá trúng thầu sẽ càng cao hơn.
Chẳng hạn, một lô chung cư cao tầng có khoảng 400-500 căn thì chia làm 10 -15 gói thầu, mỗi gói thầu 1-2 tầng rồi bán đấu giá. Đối với chung cư thấp tầng, mỗi lô có khoảng 100-120 căn thì bán mỗi gói thầu là nửa lô.
Bởi nhà tái định cư có thể dùng để ở hay làm thương mại đều được nên việc người mua chuyển đổi nhà tái định cư sau đó, theo ông Đực là không có vấn đề gì.
“Điều kiện phải bán như cách ở trên để bảo tồn đồng vốn của Nhà nước đã bỏ ra mấy năm qua”, ông nói.
Với sự không thành công của việc xây nhà tái định cư hiện nay, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, thay vì xây nhà tái định cư rồi đắp chiếu, tốt nhất là khi giải tỏa, Nhà nước nên đưa cho người dân một khoản tiền phù hợp với giá của thị trường, sau đó thu hồi đất, bán cho doanh nghiệp thông qua đấu thầu để họ sử dụng khu đất đó theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc mà thành phố đã định ra.
“Như vậy, người dân sẽ vui vẻ đi, còn ai muốn mua lại căn nhà ở nơi đó thì mua với cơ chế kinh tế thị trường. Đưa tiền cho người dân để họ muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi dễ hơn là lập ra ban bệ, hỗ trợ mang tính hình thức mà không thành công”, ông Nguyễn Văn Đực nhấn mạnh.
TP.HCM đấu giá 7.000 căn hộ tái định cư: Rất khó bán!
TP. HCM đang dự định bán đấu giá 7.000 căn hộ tái định cư nhưng nhiều lãnh đạo đơn vị bất động sản cho rằng ... |
TP.HCM: Chuyển 1.330 căn hộ tái định cư sang nhà thương mại?
Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị chuyển 1.330 căn hộ phục vụ tái định cư KĐT mới Thủ Thiêm không còn nhu cầu sử dụng ... |