Tình trạng tắc đường trên những tuyến phố ở Hà Nội diễn ra từng giờ, từng ngày. Người đi đường phải vất vả nhích từng mét để lưu thông mỗi khi tan tầm...
Grab muốn dùng trực thăng để giảm tắc đường |
500 triệu USD chống ngập Hà Nội: Bài học Nhật Bản |
Giải quyết vấn nạn tắc đường ở Hà Nội là bài toán không thể giải trong một sớm, một chiều. Bài toán này cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều bộ, ngành và của cả người tham gia giao thông. Tất cả các giải pháp cần lấy ý kiến phản biện của nhân dân, giải quyết thấu đáo các phản biện trước khi thực hiện.
Ảnh Internet.
Những giải pháp trước mắt mà các cơ quan quản lý nên thực hiện đồng bộ như: Kẻ vạch phân làn đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải tại các ngã tư ở Hà Nội nhằm tránh sự xung đột, cắt chéo nhau của các dòng phương tiện; bố trí biển báo, loa hướng dẫn trong thời gian đầu.
Việc trang bị cho cảnh sát giao thông loại gậy chỉ đường đặc biệt có thể điều khiển được đèn tín hiệu giao thông sẽ giúp giảm ùn tắc đáng kể. Theo đó, vào giờ thấp điểm, đèn tín hiệu giao thông được điều khiển tự động như hiện nay. Vào giờ cao điểm, khi có ùn tắc, khi có các đoàn xe ưu tiên, đèn tín hiệu sẽ được điều khiển bởi gậy của CSGT.
Chế tài xử phạt cần được phối hợp với giáo dục luật giao thông. Người vi phạm ngoài việc phải nộp phạt bằng tiền theo luật còn phải học thuộc và chép lại (vài trăm, vài ngàn lần) một số điều luật nào đó. Đồng thời có quy định về việc tạm thu/thu bằng lái xe với người vi phạm nhiều lần. Việc thống kê vi phạm nên được lưu trữ bằng công nghệ thông tin, qua đó CSGT dễ dàng biết được số lần vi phạm của người vi phạm để quyết định thu/tạm thu bằng lái xe.
Các cơ quan quản lý nên có phương án mở thêm các tuyến xe buýt từ các bến xe đầu mối tới các bệnh viện, trường đại học, đưa thông tin này lên truyền hình quốc gia trong thời gian dài để nhân dân cả nước đều biết. Quay lại kiểu phục vụ “ngày xưa” của bệnh viện, nghĩa là người nhà bệnh nhân chỉ “thăm” chứ không “nuôi dưỡng và chăm sóc” bệnh nhân.
Việc kinh doanh có sử dụng lòng đường, hè phố cần bị cấm triệt để. Các điểm hè phố rộng đang bố trí bãi kinh doanh xe máy chỉ được xếp xe một bên và phải mở thông lối cho người đi bộ.
Thu hồi triệt để các khoảng không gian dành cho vui chơi và hoạt động công cộng tại các khu tập thể cũ, cải tạo và xây dựng các khu vui chơi, giải trí tại các địa điểm đó.
Tình trạng có quá nhiều trường chuyên, trường điểm cũng nên hạn chế. Các sự kiện văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra ở các công viên, địa điểm công cộng cần bố trí đều khắp thành phố để người dân không dồn về một nơi; không tổ chức các sự kiện ở nơi có thể gây ùn ứ giao thông; kiểm soát, phân bổ hợp lý tuyến đường cho các đoàn diễu hành, quảng cáo…
Ảnh Vietnamplus.
Việc thi công các công trình xây dựng, sửa chữa có ảnh hưởng đến giao thông cần được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, kiểm soát chặt tiến độ, phương pháp thi công để không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Các cơ quan quản lý nên nối mạng thông tin về các tuyến đường của các đoàn khách du lịch giữa CSGT và công ty du lịch để có kế hoạch điều hành giao thông.
Cuối cùng, việc quy định loại phương tiện, thời gian vận chuyển các nguyên vật liệu, hàng hóa cồng kềnh cũng cần triển khai rõ ràng và quyết liệt để giảm tải tình trạng ùn ứ của các phương tiện khi tham gia giao thông.
Thay vì loạt giải pháp trước mắt như ở trên, các cơ quan quản lý cũng cần lên kế hoạch cho giải pháp lâu dài.
Cụ thể, các khu dân cư, khu công nghiệp, khu sản xuất, khu du lịch, khu bảo tồn cụ thể có tầm nhìn khoảng 50 năm phải được quy hoạch rõ ràng và phải dừng việc cấp phép xây dựng các công trình có thể dẫn tới tăng số lượng tham gia giao thông ở nội đô (hiện nay).
Dựa vào quy hoạch ở trên để quy hoạch và xây dựng các tuyến giao thông ngầm/nổi.
Xác định “cốt 0” của Hà Nội là giải pháp lâu dài đáng lưu tâm. Trên cơ sở đó điều chỉnh lại toàn bộ cao độ của các công trình đồng thời thiết kế/xây mới/cải tạo hệ thống thoát nước có tầm nhìn khoảng 100 năm.
Các khu dân cư xây mới chỉ được phép khi đã hoàn thiện hạ tầng xã hội: trường học (từ mẫu giáo đến hết THPT); chợ; trạm y tế; công viên (sân chơi chung); trạm xử lý nước thải; hạ tầng điện, viễn thông, cấp, thoát nước. Chủ đầu tư các khu dân cư đã xây nhưng chưa có hạ tầng xã hội cần bị bắt buộc bổ sung ngay.
Cơ quan quản lý cần phân bổ lại lực lượng giáo viên, bác sĩ, đảm bảo đồng đều về trình độ ở các trường, bệnh viện ở các khu vực; chấm dứt trường điểm, trường chuyên.
Các bệnh viện tuyến trung ương chỉ được nhận bệnh nhân nặng, cấp cứu (sau cấp cứu phải cho chuyển viện) không được điều trị những bệnh thông thường/nhẹ.
Giải pháp hỗ trợ và phát triển phương tiện chuyên chở khách công cộng, đa dạng hóa các loại phương tiện giao thông công cộng sẽ giúp người Hà Nội không phải đi bộ quá 500m là đến được bến giao thông công cộng; bất cứ khu vực nào cũng có giao thông công cộng phục vụ. Bất cứ người ngoại tỉnh nào về Hà Nội cũng được đón bởi giao thông công cộng tại các bến xe liên tỉnh đầu mối. Khi giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, tăng phí đường bộ đối với phương tiện cá nhân.
Việc lên kế hoạch chỉ cho phép đào đường một lần/năm ở một đoạn đường cũng sẽ giảm ùn ứ. Các đơn vị điện, nước, thoát nước, viễn thông phải lên kế hoạch để đơn vị cấp phép thực hiện cùng lúc; tiến tới xây dựng hào kỹ thuật dọc tuyến đường để cho thuê. Các công việc sửa chữa đột xuất phải tiến hành vào ban đêm.
Quan trọng hơn cả là việc giáo dục ý thức của người tham gia giao thông bằng cách đưa luật Giao thông thành môn học bắt buộc ở tất cả các cấp học để đảm bảo sau khi tốt nghiệp THPT học sinh thuộc và thực hiện thành thạo luật.
http://www.nguoiduatin.vn/hien-ke-giai-quyet-van-nan-tac-duong-o-ha-noi-a338856.html