Vi khuẩn bệnh than có khả năng gây tử vong cao, tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt, biến nó thành vũ khí sinh học nguy hiểm.
Vi khuẩn bệnh than có hình que dài. Ảnh: Live Science.
Quan chức tình báo Hàn Quốc giấu tên hôm qua cho biết nước này đã phát hiện một lính Triều Tiên đào tẩu mang trong máu kháng thể bệnh than. Vi khuẩn bệnh than có khả năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt, dễ phát tán và gây tỷ lệ tử vong lên tới 90%, biến chúng trở thành loại vũ khí sinh học rất nguy hiểm, theo CBS News.
Bệnh than (Anthrax) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra trên các loài động vật máu nóng, gồm gia súc, động vật hoang dã và con người. Đại dịch bệnh than từng xảy ra nhiều lần, chủ yếu ảnh hưởng tới nông dân, những người thường phải tiếp xúc với gia súc nhiễm vi khuẩn.
Dạng nhiễm bệnh phổ biến nhất trên người là qua tiếp xúc da, khi bào tử bệnh than xâm nhập cơ thể tại những vết thương hở. Đây cũng là dạng dễ chữa trị nhất, người bệnh sẽ khỏi hoàn toàn sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Thư viện Y học Quốc gia Mỹ cho biết vi khuẩn bệnh than gây nguy hiểm nhất khi lọt vào đường hô hấp, thường gặp trên những công nhân xử lý lông và da thú. Bào tử vi khuẩn thường đi vào phế nang trong phổi và bị hệ miễn dịch tiêu diệt, nhưng một số bào tử có thể xâm nhập hạch bạch huyết, phát triển thành vi khuẩn và phát tán chất độc phá hoại tế bào.
Triệu chứng bệnh than trên da người. Ảnh: AAP.
Nếu bệnh nhân không được điều trị, chất độc sẽ tích tụ trong phổi, gây ra một loạt vấn đề nghiêm trọng. Nạn nhân sẽ gặp những triệu chứng như cúm và cảm lạnh trong nhiều ngày, sau đó chuyển sang biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tụt huyết áp, viêm màng não và suy tạng.
Tỷ lệ tử vong của dạng bệnh than này có thể lên tới 92%. Tuy nhiên, nó cũng là dạng khó mắc phải nhất. Một người phải hít vào 8.000-10.000 bào tử mới bị nhiễm bệnh, đồng thời chúng phải xâm nhập vào sâu trong phổi trước khi gây tác hại.
Dạng cuối cùng là bệnh than trong đường tiêu hóa, xảy ra khi nạn nhân ăn thịt của động vật nhiễm bệnh. Mầm bệnh thường mất từ một đến 60 ngày để phát triển, gây triệu chứng sốt, ho, ớn lạnh, buồn nôn và nôn mửa. Đây là dạng hiếm gặp nhất ở Mỹ, thường có tỷ lệ tử vong 20-60%, có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc kháng sinh nếu được phát hiện sớm.
Vũ khí sinh học nguy hiểm
Tuy nhiên, khi được sử dụng cho mục đích quân sự, vi khuẩn than lại trở thành một trong những vũ khí sinh học nguy hiểm nhất thế giới, theo cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Andrew Weber.
Vi khuẩn bệnh than có thể dễ dàng được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, đồng thời có khả năng sinh tồn cao. Chúng có thể ngủ yên trong nhiều năm trước khi xâm nhập vật chủ, tái kích hoạt và sinh sôi. Một lượng nhỏ vi khuẩn bệnh than bằng móng tay cũng có khả năng làm hơn 10.000 người thiệt mạng.
Vi khuẩn bệnh than có thể được nhồi vào các loại đầu đạn và phát tán trên diện rộng sau khi được bắn đi, lây nhiễm cho binh sĩ và dân thường ở khu vực mục tiêu. Truyền thông Nhật tuần trước cáo buộc Triều Tiên đang nghiên cứu cách đưa vi khuẩn bệnh than lên đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, biến nó thành thứ vũ khí sinh học lợi hại.
Ít nhất 5 quốc gia từng công khai phát triển loại vũ khí này gồm Anh, Nhật Bản, Mỹ, Nga và Iraq. Sự xuất hiện của kháng thể trong máu binh sĩ Triều Tiên đào tẩu cho thấy Bình Nhưỡng có thể cũng sở hữu vi khuẩn than. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo tiết lộ Seoul chưa có vắc xin ngừa bệnh than và dự kiến chế tạo vắc xin này vào cuối năm 2019.
Bệnh than từng được dùng trong đợt tấn công khủng bố tại Mỹ năm 2001. Ảnh: NTI.
Trong Thế chiến I, các nước Bắc Âu đã sử dụng mầm bệnh than để tấn công quân đội của Sa hoàng Nga. Nó cũng xuất hiện trở lại khi quân Anh tìm cách tiêu diệt các đàn gia súc lớn của phát xít Đức trong Thế chiến II.
Vào năm 1993, một nhóm tôn giáo Nhật Bản đã phát tán vi khuẩn bệnh than tại khu vực công cộng tại thủ đô Tokyo, nhưng không gây thương vong. Chỉ 8 năm sau, một loạt bức thư chứa bào tử vi khuẩn bệnh than được gửi tới các văn phòng truyền thông và hai thượng nghị sĩ Mỹ, khiến 5 người thiệt mạng và 17 người bị nhiễm bệnh.
Vắc xin điều trị bệnh than đã được phát triển từ năm 1881, giúp hạn chế tối đa số người nhiễm và tử vong do nguyên nhân tự nhiên.
Dù bào tử bệnh than có thể sống sót trong thời gian dài, chúng không thể tồn tại quá 30 phút trong nước sôi hoặc 5 phút dưới nhiệt độ bàn là. Đây là phương thức hiệu quả để tiêu diệt vi khuẩn bệnh than trong các vật dụng thông thường.
Lính Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc mang kháng thể bệnh than
Một lính Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc mang trong người kháng thể bệnh nguy hiểm, một thông tin gây lo ngại vì Seoul chưa ... |
Triều Tiên thử nghiệm nạp virus bệnh than vào tên lửa?
Tờ Asahi (Nhật Bản) ngày 19-12 đưa tin Triều Tiên đã bắt đầu thử nghiệm nạp virus bệnh than vào tên lửa đạn đạo liên ... |