Các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine đều sở hữu công nghệ an toàn hiện đại, song chúng không được thiết kế để chống lại sức công phá của tên lửa.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 9 với việc lực lượng Nga áp sát hoặc giành quyền kiểm soát một số thành phố tại quốc gia láng giềng. Hôm 3/3, một số nguồn tin nói rằng lực lượng Nga đã tiếp quản nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thuộc vùng Enerhodar ở Đông Nam Ukraine, song Kiev bác bỏ.
Khoảng 2h sáng 4/3 (7h, giờ Hà Nội), trong bối cảnh các cuộc giao tranh diễn ra căng thẳng, Ukraine bất ngờ thông báo nhà máy Zaporizhzhia bị pháo kích và một đám cháy bùng lên. Phải đến khoảng 6h20 sáng 4/3 (11h, giờ Hà Nội), đám cháy mới được dập tắt.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sau đó xác định nhà máy vẫn trong tình trạng ổn định, không có vấn đề gì nghiêm trọng, tình trạng phóng xạ xung quanh khu vực không thay đổi. IAEA kêu gọi các bên ngừng giao tranh gần khu vực nhà máy điện hạt nhân.
Theo CNN, nhà máy Zaporizhzhia có tổng cộng 6 lò phản ứng hạt nhân, tạo ra tới 42 tỷ kWh điện, chiếm 40% tổng lượng điện mà tất cả các nhà máy điện hạt nhân tạo ra ở Ukraine và 1/5 sản lượng điện hàng năm của nước này.
Các lò phản ứng tại Zaporizhzhia được đưa vào hoạt động từ 1984 đến 1995, sử dụng công nghệ lò phản ứng nước điều áp (PWR) của Liên Xô, và đến nay vẫn là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Do xung đột, chỉ còn duy nhất lò phản ứng số 4 còn hoạt động, 5 lò phản ứng còn lại đã bị ngắt.
Dù đã hoạt động trên 30 năm, Guardian dẫn lời ông Tony Irwin, người từng tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Anh trong 30 năm, khẳng định các lò phản ứng loại PWR tại Zaporizhzhia có độ an toàn cao nhờ lớp bê tông bọc dầy, thiết kế an toàn đa lớp, cùng hệ thống làm mát và chữa cháy linh hoạt.
“Những lò phản ứng này cũng có hệ thống làm mát khẩn cấp dự phòng. Ngoài làm mát lò phản ứng theo cách thông thường, họ còn có hệ thống làm mát thụ động, họ có hệ thống phun (làm mát) áp suất cao, họ có hệ thống phun áp suất thấp", ông nói.
Ukraine hiện sở hữu 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động với 15 lò phản ứng. Ngoài Zaporizhzhia, các nhà máy còn lại gồm Khmelnytskyi và Rivny ở phía Tây, gần biên giới Ba Lan; và nhà máy South Ukraine ở phía Nam cũng đều sử dụng công nghệ PWR.
Tuy vậy, giới quan sát vẫn cảnh báo, những công nghệ an toàn đó không đủ để bảo vệ các lò phản ứng trước bất cứ quả tên lửa hạng nặng nào.
Ngay cả khi tên lửa không đánh trúng lò phản ứng, nó vẫn có thể gây ra sự cố mất nguồn điện của nhà máy hoặc làm hỏng toàn bộ máy bơm nước làm mát, dẫn đến việc hệ thống làm mát các lò phản ứng và kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng bị vô hiệu hóa, có thể gây ra thảm họa phóng xạ nghiêm trọng.
Dữ liệu chính thức từ năm 2017 chỉ ra nhà máy Zaporizhzhia có 2.204 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, trong đó 885 tấn nằm trong các bể có nguy cơ gặp rủi ro cao. Dù đã được đưa ra khỏi lò phản ứng, chúng vẫn cần được làm mát trong vòng từ 4-5 năm, trước khi được đưa đi xử lý.
"Nói một cách đơn giản, các nhà máy điện hạt nhân không được thiết kế cho các vùng chiến sự", James M. Acton, nhà phân tích hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace, nhận định.
Trước Zaporizhzhia, chiến sự cũng đã nổ ra gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl cách không xa biên giới Belarus. Nơi đây từng chứng kiến thảm họa hạt nhân lớn nhất thế giới vào năm 1986.
Dù đã ngừng hoạt động và bị bịt kín, các chuyên gia vẫn lo ngại các đợt tấn công qua lại của Nga-Ukraine có thể phá vỡ lớp mái vòm phía trên nhà máy hoặc gây hư hại các cơ sở lưu trữ chất thải, dẫn đến rỏ rỉ phóng xạ.
Cả Nga và Ukraine đều hiểu rõ hậu quả của các sự cố hạt nhân. Moscow từ đầu chiến dịch khẳng định họ chỉ sử dụng vũ khí có độ chính xác cao để tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine; trong khi Kiev hối thúc thiết lập các hành lang an toàn xung quanh các cơ sở hạt nhân.
Dẫu vậy, giới chuyên gia vẫn nhận định, sự kiện ở nhà máy Zaporizhzhia là hồi chuông cảnh báo với cả Nga và Ukraine, bởi nếu bất cứ sự cố bất thường nào xảy ra do tính toán sai lầm hoặc sai số kĩ thuật của vũ khí, một thảm hoạ hạt nhân có thể xảy đến bằng nhiều cách, để lại những hậu quả khó đong đếm.
Hôm 26/2, một quả tên lửa đã lao trúng một chung cư ở trung tâm thủ đô Kiev, thổi bay một góc toà nhà. Ukraine lập tức cáo buộc Nga là bên khai hoả, trong khi Moscow cũng tung bằng chứng khẳng định quả đạn xuất phát từ một hệ thống phòng không của Kiev do nhầm lẫn trong quá trình dẫn bắn.
Thái Hà
Cháy tại nhà máy điện hạt nhân lớn bậc nhất châu Âu ở Ukraine |
Nhật Bản sẽ xả hơn 1,2 triệu tấn nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển |