Đường cao tốc Bắc - Nam có phí cao hơn các đường cao tốc khác khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ gây ra hệ lụy đến việc phát triển xã hội.
Vì sao đề xuất mức phí lên tới 3.400 đồng/km?
Đường cao tốc Bắc - Nam đang trong quá trình hoàn thiện, Bộ GTVT vẫn giữ nguyên mức thu phí đã được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017.
Theo đó, mức phí ban đầu sẽ là 1.500 đồng/km đối với xe con, và tăng lên 2,5 lần sau 20 năm lên mức 3.400 đồng/km đối với xe con vào giai đoạn năm 2042 - 2044.
Ngày 20/10/2018, chia sẻ với Đất Việt, ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Phòng nhận định, đây là mức phí quá cao so với những tuyến đường cao tốc trên cả nước.
"Điều này đương nhiên dẫn đến nguy cơ các tài xế có tâm lý né tránh, không đi vào đường cao tốc Bắc - Nam để tránh chi phí vận tải, gây ra việc lãng phí, tuyến đường được đầu tư hàng tỷ USD nhưng không sử dụng hết công suất" - ông Tiến nhận định.
Ông Tiến nêu ra ví dụ như tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng với chất lượng cao nhưng do phí quá đắt nên hiện tại các doanh nghiệp vận tải phía Bắc yêu tiên lựa chọn đi theo hướng QL5 để giảm chi phí, khách hàng cũng mong muốn điều đó.
Hay như các tuyến đường cao tốc lên các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang ở trong tình cảnh tương tự vì phí quá cao.
Nói về việc giữ nguyên mức phí đường cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Phòng cho rằng, có thể trong khoảng thời gian đang thu hút đầu tư thì cơ quan chức năng đề ra một mức phí hấp dẫn nhà đầu tư, cho họ thấy khả năng thu hồi vốn nhanh trong thời gian ngắn.
Nhưng về lâu dài thì cần phải hạ mức phí để thu hút các tài xế đi trên đoạn đường này.
Mức phí đường cao tốc Bắc - Nam quá cao sẽ gây lãng phí đầu tư?
"Chỉ có giảm giá phí, nâng cao chất lượng tuyến đường thì mới khai thác tối đa hiệu quả đầu tư đưa ra. Còn không thì chắc chắn sẽ không tài xế nào chọn đi tuyến đường có phí quá cao mặc dù rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm hỏng hóc xe" - ông Tiến khẳng định.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cũng cho rằng, thực tế phí cầu đường hiện nay đang quá cao, gây ra áp lực đối với các doanh nghiệp vận tải, giá trị hàng hóa cũng vì thế mà tăng lên, đồng thời làm giảm sự cạnh tranh.
Bản thân doanh nghiệp cũng không phải là người chịu khoản tiền này mà dồn hết vào người dân, ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế xã hội. Đối với tuyến đường huyết mạch như cao tốc Bắc - Nam, ông Hiệp cho rằng Nhà nước cần phải có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp như nhiều nước khác trên thế giới đang làm.
Quan trọng nhất là minh bạch
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Phòng cho biết, hiện nay phí cầu đường chiếm tới 30 - 40% trong giá cước vận chuyển. Từ đó dẫn đến nghịch lý phí cầu đường cao hơn hoặc ngang bằng với phí nhiên liệu vận chuyển.
"Nhiều đơn hàng ngành vận tải chấp nhận không có lãi để phục vụ khách hàng vì phí cầu đường quá cao. Nếu tăng giá thì khách hàng không chấp nhận mà ngày càng có nhiều công ty vận tải được mở ra khiến sự canh tranh trong lĩnh vực này rất gay gắt.
Giá phí cầu đường thì mỗi ngày tăng lên trong khi tổng cước phí vận chuyển lại không được tăng vì sợ mất khách" - vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Phòng chỉ ra nghịch lý hiện nay.
Để tháo gỡ bài toán phí cao tốc Bắc - Nam quá cao, ông Lê Văn Tiến cho rằng điều quan trọng nhất là phải minh bạch trong vấn đề thu chí, hoàn vốn đầu tư tuyến đường. Việc minh bạch này phải được thực hiện thường xuyên, cơ quan giám sát cũng làm đúng chức năng.
"Thời gian đầu có thể mức phí như đề xuất nhưng sau thời gian ngắn khi thấy ít xe đi thì cơ quan chức năng phải nghiên cứu giảm phí. Qua các năm cũng cần phải giám sát xem nhà đầu tư thu hồi được bao nhiêu % vốn đầu tư để từ đó đưa ra những điều chỉnh mức phí phù hợp mà ngành vận tải có thể chấp nhận được" - ông Tiến bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đường cao tốc Bắc - Nam có hơn 10 nhà đầu tư, mỗi dự án đầu tư không giống nhau nên việc "đánh đồng" mức phí trên cả tuyến đường là chưa khách quan.
Hơn nữa, kinh tế ngày càng phát triển thì lưu lượng xe đi trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam cũng cao lên. Chính vì thế, sau khoảng từ 2 - 3 năm cơ quan Nhà nước cần giám sát để điều chỉnh việc thu phí. Tránh tình trạng nhiều dự án BOT thu phí vượt quy định như trong thời gian qua.
Dừng thu phí cao tốc 34.500 tỷ, phê bình Chủ tịch, Tổng giám đốc VEC
Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc VEC do chậm trễ trong việc xử lý hư hỏng mặt đường, ... |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu dừng thu phí cao tốc 34.000 tỷ đồng
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, chiều nay Bộ sẽ có quyết định yêu cầu nhà đầu tư dừng thu phí tuyến cao ... |
Đột nhập trạm thu phí cao tốc, trộm hơn 1,1 tỷ đồng
Lợi dụng sơ hở của trạm thu phí đường cao tốc, kẻ gian đã đột nhập phá két trộm đi hơn 1,1 tỷ đồng. |